Mỗi năm Việt Nam có khoảng 10.000 trẻ chào đời mắc bệnh tim bẩm sinh

Thứ 3, 22.08.2023 | 08:58:43
261 lượt xem

Khoảng 25% là các bệnh tim bẩm sinh nghiêm trọng cần phẫu thuật hoặc can thiệp ngay trong năm đầu đời để cứu sống trẻ.

Cứ 15 phút có một trẻ bất thường tim được sinh ra. Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có hơn 1,5 triệu trẻ ra đời, trong đó có khoảng 10.000-12.000 trẻ mắc bệnh lý tim bẩm sinh. 

Đây là chia sẻ của GS.TS Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tại hội nghị thường niên y học bào thai lần thứ I, diễn ra tại Hà Nội.

Hội nghị có chủ đề "Bất thường tim bẩm sinh - Từ chẩn đoán trước sinh đến can thiệp sau sinh".

Theo GS Ánh, khoảng 25% là các bệnh tim bẩm sinh nghiêm trọng cần phẫu thuật hoặc can thiệp ngay trong năm đầu đời để cứu sống trẻ. Tuy nhiên bất thường tim thai hiện còn là một thách thức không chỉ trong sàng lọc, chẩn đoán, can thiệp trước sinh mà còn trong các chiến lược phối hợp quản lý, hồi sức sau sinh.

Mỗi năm Việt Nam có khoảng 10.000 trẻ chào đời mắc bệnh tim bẩm sinh - 1

Với y học bào thai, thai nhi được xem như là một bệnh nhân. Nếu thai nhi có bệnh cần phải điều trị sớm, thì các kỹ thuật của y học bào thai có thể chữa cho thai nhi ngay trong bụng mẹ (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Dị tật tim bẩm sinh cũng là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong giai đoạn sơ sinh, chiếm gần 7% nguyên nhân gây tử vong từ 20 tuần tuổi thai đến một năm sau sinh.

Cũng tại hội nghị, nhiều chuyên gia y tế cho rằng, tim bẩm sinh là bệnh lý nguy hiểm thường gặp nhất trong tháng đầu sau sinh, đặc biệt một số bệnh lý về tim nếu không được hồi sức cấp cứu ngay sau sinh thì sẽ không còn khả năng cứu sống trẻ.

Tuy nhiên, bệnh hoàn toàn có thể phát hiện trong thai kỳ. Nếu can thiệp sớm sẽ điều trị được một số bệnh lý tim bẩm sinh và giúp nhiều em bé có sức khỏe tốt hơn khi chào đời.

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, thời điểm tốt nhất để siêu âm sàng lọc tim bẩm sinh là khi thai từ 18-24 tuần. Khoảng thời gian này có thể khảo sát toàn bộ cấu trúc giải phẫu của tim.

Khoảng thời gian sau vẫn có thể làm siêu âm nhưng thai càng lớn, bác sĩ gặp nhiều khó khăn hơn trong khi siêu âm. Một số bất thường có thể phát hiện muộn sau giai đoạn này, gồm: Rối loạn nhịp, viêm cơ tim/bệnh cơ tim, suy tim, hở hoặc hẹp van tim, các khối u tim.

Phát biểu tại hội nghị, TS Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh, cùng với sự phát triển của chuyên ngành Sản phụ khoa, y học bào thai là một lĩnh vực đang ngày càng được quan tâm và không ngừng phát triển trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, trong những năm qua, lĩnh vực y học bào thai cũng ngày càng được chú trọng.

Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội là bệnh viện công đầu tiên trong cả nước thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp bào thai, đem lại cơ hội cứu sống cho những thai nhi chẳng may mắc bệnh hiểm nghèo.

Theo GS Nguyễn Duy Ánh, y học bào thai là kỹ thuật khó nhất trong sản khoa ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, đây lại là "chìa khóa" để cứu sống rất nhiều thai nhi đang phải đối mặt với những tai biến thai kì nguy hiểm.

"Với y học bào thai, thai nhi được xem như là một bệnh nhân. Nếu thai nhi có bệnh cần phải điều trị sớm, thì các kỹ thuật của y học bào thai có thể chữa cho thai nhi ngay trong bụng mẹ. Việc này giúp cứu sống thai nhi hoặc tránh các dị tật nặng nề khi đứa trẻ chào đời.

Chất lượng dân số cũng sẽ được tăng cường, vì những em bé bị tật nguyền, di chứng do bệnh lý trong bào thai sẽ giảm đi đáng kể trong cộng đồng", GS Ánh phân tích.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/suc-khoe/moi-nam-viet-nam-co-khoang-10000-tre-chao-doi-mac-benh-tim-bam-sinh-20230821155510201.htm

  • Từ khóa