Vì sao nên uống nước dừa thêm một chút muối khi bị sốt xuất huyết?

Thứ 3, 10.10.2023 | 14:49:13
593 lượt xem

Tại Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết vẫn tăng dựng đứng, dự báo dịch vẫn tiếp tục căng thẳng đến tháng 11. Nhiều người sút 3-4kg, nhập viện với dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm của sốt xuất huyết.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 70-80 ca sốt xuất huyết, trên 30 ca có dấu hiệu cảnh báo, đe dọa diễn tiến nặng. Toàn viện có khoảng 80 bệnh nhân sốt xuất huyết đang trong tình trạng rất nặng. 

Vì sao nên uống nước dừa thêm một chút muối khi bị sốt xuất huyết? - 1

Giai đoạn nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết thường vào ngày thứ 3-7 của bệnh (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Bác sĩ Cấp khuyến cáo, ở giai đoạn đầu sốt xuất huyết ở tại gia đình, mọi người phải theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu có nguy cơ trở nặng . 

"Khi xuất hiện dấu hiệu có nguy cơ trở nặng phải đến ngay cơ sở y tế để được xử lý kịp thời vì khoảng thời gian điều trị để bệnh nhân hồi phục không có nhiều, chỉ vài tiếng.

Xử lý kịp thời, sau 2-3 ngày bệnh nhân sẽ được ra viện. Nếu giai đoạn này bị bỏ lỡ 4-6 tiếng, bệnh nhân có thể rơi vào tụt huyết áp, sốc, chảy máu không kiểm soát, suy đa tạng…", bác sĩ Cấp nói.

Trong pha 1, giai đoạn 3 ngày đầu bị sốt xuất huyết, hãy hạ sốt, chăm sóc dinh dưỡng tốt nhất cho người bệnh bằng cách uống nhiều nước oresol, nước trái cây, nước dừa, đồ ăn loãng như súp, cháo...

Còn ở pha 2, giai đoạn từ cuối ngày thứ 3-7, sốt thường đã thoái lui nhưng bổ sung nước vẫn rất quan trọng. Nhiều người thích uống nước dừa, nhưng khi uống nước dừa, lý tưởng cho thêm chút muối.

"Vì nếu nồng độ muối trong máu thấp, không may vào giai đoạn thoát dịch, người có nồng độ natri trong máu thấp, tốc độ thoát dịch cao hơn người khác. Vì thế, khi uống nước dừa, nên cho thêm ít muối để giảm nguy cơ biến chứng thoát dịch ở bệnh nhân sốt xuất huyết", bác sĩ Cấp thông tin.

Sốt xuất huyết chia thành các giai đoạn (các pha) khác nhau, cụ thể:

Pha 1: 3 ngày đầu sốt xuất huyết

Bệnh nhân sốt cao, đau đầu, khó chịu kéo dài khoảng 3 ngày. Pha này khiến bệnh nhân rất khó chịu do sốt cao, đau đầu, nôn, nhưng ít gây biến chứng nặng, chỉ hạ sốt, uống oresol.

Pha 2: Từ cuối ngày thứ 3 - hết ngày thứ 7

Bệnh nhân có 2 tình trạng, ở nhóm bệnh nhân diễn biến tốt (94% số người) sẽ dần khỏi. 6% bệnh nhân còn lại, nguy cơ diễn biến nặng, máu trong lòng mạch cô đặc. Nếu nặng có thể dẫn đến tụt huyết áp, sốc vì thoát dịch khỏi thành mạch.

Các dấu hiệu nhận biết nguy cơ diễn biến nặng ở pha 2:

- Bệnh nhân mệt. Đặc biệt trẻ em, người già có thể lờ đờ, li bì, chậm chạp. Trẻ mấy ngày trước khóc nhiều, nay lả đi không khóc lóc gì, đó là dấu hiệu cảnh báo quan trọng.

- Một số bệnh nhân đau tức vùng gan.

- Một số bệnh nhân đau khắp bụng.

- Một số bệnh nhân nôn, buồn nôn (nôn 3 lần/8 tiếng được tính là nôn nhiều)

- Chảy máu chân răng, xuất huyết…

Đây là những dấu hiệu cảnh báo bệnh có nguy cơ diễn biến nặng. Xét nghiệm thấy giảm tiểu cầu, cô đặc máu, men gan tăng… cần nhập viện theo dõi điều trị.

Pha 3: Giai đoạn hồi phục

Giai đoạn hồi phục của bệnh thường vào ngày thứ 7-10 của bệnh. 

Phần lớn các trường hợp đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm sốc xảy ra để xử trí kịp thời.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/suc-khoe/vi-sao-nen-uong-nuoc-dua-them-mot-chut-muoi-khi-bi-sot-xuat-huyet-20231010074803030.htm

  • Từ khóa