Hạ kali máu, tổn thương thận cấp do uống bia quá ngưỡng

Thứ 2, 05.02.2024 | 09:15:55
571 lượt xem

Với tần suất chỉ uống 1-2 ly bia/2 lần mỗi tháng, sau khi uống liền 6 ly bia tại tiệc tất niên, người bệnh được đưa đi cấp cứu trong tình trạng hạ kali máu, tổn thương thận cấp.

Bác sĩ Hoàng Thị Hồng Linh khám sức khỏe cho ông Fumio. 

Nhập viện cấp cứu vì uống bia quá ngưỡng

Sau tiệc tất niên vào tối 2/2 cùng công ty, ông Fumio (53 tuổi, Nhật Bản) rơi vào trạng thái ông nôn ói nhiều, cảm giác buồn ngủ, đi loạng choạng, té ngã, được đồng nghiệp đưa đến Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh.

Thạc sĩ bác sĩ Hoàng Thị Hồng Linh, khoa Nội tiết-Đái tháo đường, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cho biết, người bệnh nhập viện trong tình trạng mê man, nôn ói nhiều. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy kali trong máu hạ dưới ngưỡng bình thường, nồng độ cồn trong máu cao 73,44 mg/dL.

Nghiêm trọng hơn là người bệnh bị tổn thương thận cấp do mất cân bằng dịch và điện giải dẫn đến giảm mức lọc cầu thận. May mắn kết quả cộng hưởng từ não không phát hiện tổn thương mới sau chấn thương đầu do té ngã.

Theo chuyên gia này, nếu người bệnh không đến bệnh viện và tiếp tục nôn ói, rối loạn điện giải sẽ nặng hơn và có nguy cơ rối loạn nhịp tim dẫn đến ngừng tim. Tình trạng mất nước cấp sẽ gây tổn thương thận cấp nếu điều trị muộn hơn có thể sẽ gây tổn thương thận vĩnh viễn (suy thận mạn).

Sau 2 ngày điều trị, bù nước và điện giải, theo dõi sát, tình trạng bệnh nhân phục hồi nhanh chóng, ăn uống lại được, còn đau họng nhẹ do nôn ói nhiều, chức năng thận và nồng độ Kali máu của người bệnh trở về mức bình thường, không còn nồng độ cồn trong máu.

Bác sĩ Linh cho biết một số người uống cùng lượng rượu bia nhưng có mức độ alcohol trong máu khác nhau còn phù thuộc vào: giới tính, thể trạng, cân nặng, chu kỳ kinh nguyệt, tần suất uống rượu trước đó, các loại thuốc đang uống, thức ăn…

Alcohol trong rượu bia khi vào máu được xử lý tại gan qua 2 giai đoạn: enzyme alcohol dehydrogenase giúp chuyển hóa cồn (ethanol/alcohol) thành acetaldehyde (một chất gây độc hại), sau đó enzyme aldehyde dehydrogenase phân giải acetaldehyde thành axit axetic (chất vô hại).

Tuy nhiên, ở một số người có enzym aldehyde dehydrogenase ít hơn bình thường (khoảng 50% người Nhật và một số người Nam Á thiếu enzym này), việc phân giải acetaldehyde diễn ra chậm hơn. Điều này dẫn đến tích tụ acetaldehyde trong máu cao hơn gây đau đầu, buồn nôn, nôn mửa, đỏ bừng mặt, nhịp tim nhanh…

Hệ lụy sức khỏe do uống rượu, bia

Bác sĩ Hoàng Thị Hồng Linh cảnh báo, rượu/bia gọi chung là thức uống có cồn (Alcohol). Hầu hết alcohol có ở rượu bia sẽ được hấp thụ vào máu qua dạ dày và ruột non. Alcohol theo máu di chuyển khắp cơ thể cho đến khi được gan chuyển hóa và đào thải, một phần nhỏ còn lại sẽ được bài tiết trực tiếp dưới dạng chưa chuyển hóa qua nước tiểu, mồ hôi hoặc hơi thở.

Alcohol gây độc hầu hết các cơ quan trong cơ thể, có thể gây tổn thương gan, dạ dày, thực quản, ruột, tụy và não bộ… Nồng độ cồn trong máu trên 70 mg/ml đủ làm cho người uống thay đổi cảm xúc (buồn vui, giận dữ đột ngột)…

Nguy hiểm nhất là khi ngộ độc rượu bia do nồng độ alcohol trong máu quá cao thường bị nhầm lẫn say rượu với các triệu chứng như: lú lẫn, phản ứng chậm, nói ngọng, buồn ngủ, nôn mửa, khó kiểm soát ý thức… Đây là lý do khiến nhiều người biến chứng, tử vong do không được đưa đi cấp cứu kịp thời.

Mỗi năm, Việt Nam có tới 40.000 ca tử vong liên quan đến rượu bia. Việt Nam xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người.

Bác sĩ Linh cho biết ngoài những tác hại ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài, uống nhiều rượu bia còn gây ra nhiều hệ lụy tức thì khác như chấn thương (tai nạn xe, té ngã, đuối nước…), bạo lực (giết người, tự tử, tấn công tình dục và bạo lực bạn tình)...

Về lâu dài, rượu bia có thể làm tăng nguy cơ mắc hơn 200 bệnh khác nhau, bao gồm cả bệnh về gan, tuyến tụy và một số bệnh ung thư, cụ thể: huyết áp cao, bệnh tim, đột quỵ, ung thư miệng, họng, thực quản, thanh quản, gan, đại tràng, trực tràng. Làm suy yếu hệ thống miễn dịch, gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần, bao gồm trầm cảm và lo lắng…

Nồng độ cồn đến ngưỡng nào sẽ gây ngộ độc?

Thạc sĩ bác sĩ Hoàng Thị Hồng Linh cho biết nồng độ cồn trong máu càng tăng cao, người bệnh đối diện với nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe.

Nồng độ cồn 50-70 mg/100 ml máu sẽ gây hưng phấn, nói nhiều hơn, bắt đầu có sự suy giảm kỹ năng nhẹ trong hành vi, cảm xúc.Nồng độ cồn 80-100 mg/100 ml máu: được coi là ngộ độc rượu. Các triệu chứng thường gặp như buồn nôn, nôn, đau đầu, chóng mặt, gây suy giảm kỹ năng, hành vi và không đủ năng lực để lái xe.

Nồng độ cồn 100-200 mg/100 ml máu khiến rối loạn hành vi, rối loạn tâm thần nghiêm trọng hơn. Người uống có thể tê bì chân tay hoặc mặt, da xanh xao, cảm xúc không ổn định, dẫn đến giảm khả năng nhận thức, quyết định.

Nồng độ cồn 200-300 mg/100 ml máu gây nói líu lưỡi, rơi vào trạng thái lú lẫn, nhớ nhớ quên quên, có thể mất trí nhớ hoặc không thể đi lại, phản ứng chậm.

Người không có khả năng dung nạp rượu, nồng độ cồn máu đạt đến 400 mg/100 ml sẽ bị ngộ độc rượu nặng, tụt huyết áp, mất khả năng vận động, có thể mất hoàn toàn ý thức, hạ thân nhiệt, bị ức chế hô hấp, hôn mê, thậm chí tử vong.

Bác sĩ Linh khuyên người dân hạn chế uống rượu bia để bảo vệ sức khỏe. Khi say rượu bia, bạn nên uống thêm nước để tránh tình trạng mất nước, giúp nhanh đào thải chất độc qua đường tiểu và giảm thiểu các triệu chứng nôn nao, khát nước. Người bệnh có tình trạng nôn ói nhiều, mệt li bì cần đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.

Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông đồng thời tổ chức các chương trình, chiến dịch truyền thông hiệu quả, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và các ngày lễ, ngày hội trong năm 2024 nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng để phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Tập trung tuyên truyền về phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe con người, gia đình và cộng đồng, để bảo đảm an toàn giao thông, trật tự và an toàn xã hội; tuyên truyền quy định về những hành vi bị nghiêm cấm; tác hại của rượu, bia đối với người chưa đủ 18 tuổi; không uống rượu, bia trước và trong khi lái xe; thời gian, địa điểm không được uống, không được bán rượu, bia và thực hiện các quy định khác trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Cùng đó, quán triệt, phổ biến và tổ chức triển khai kịp thời, đầy đủ Luật và các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia tại địa phương. Xây dựng kế hoạch và bố trí ngân sách địa phương hằng năm để triển khai thực hiện công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/ha-kali-mau-ton-thuong-than-cap-do-uong-bia-qua-nguong-post795234.html

  • Từ khóa