Sốt, đau đầu, người đàn ông Hà Nội được chẩn đoán mắc bệnh lây từ lợn

Thứ 5, 22.02.2024 | 09:00:47
607 lượt xem

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, đây là trường hợp mắc bệnh lây liên cầu lợn đầu tiên trong năm nay của thành phố. Bệnh nhân khởi phát với triệu chứng sốt, đau đầu, buồn nôn..

Bệnh nhân là người đàn ông 67 tuổi (Chương Mỹ, Hà Nội), làm bảo vệ. Trước khi nhập viện 2 ngày, bệnh nhân có biểu hiện sốt, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn.

Ông được gia đình đưa đến Bệnh viện Quân y 103 trong tình trạng đau đầu nhiều, buồn nôn, nôn, mệt mỏi, chậm chạp. Xét nghiệm cấy máu và dịch não tủy cho kết quả dương tính với khuẩn Streptococcus suis (S.Suis) gây bệnh liên cầu lợn.

Sốt, đau đầu, người đàn ông Hà Nội được chẩn đoán mắc bệnh lây từ lợn - 1

Liên cầu lợn là một bệnh nguy hiểm lây truyền từ lợn sang người (Ảnh: N.P).

Bệnh liên cầu lợn do vi khuẩn Streptococcus suis (S.suis) gây nên là bệnh lây truyền từ động vật sang người và có thể gây tử vong. Người bệnh thường có triệu chứng lâm sàng nặng, phải điều trị trong thời gian dài, chi phí điều trị lớn và thường để lại biến chứng không phục hồi sau khi khỏi bệnh.

Streptococcus suis được phát hiện ở nhiều nơi trên thế giới, những nơi chăn nuôi lợn. Tỷ lệ mang S.suis không triệu chứng trong một đàn lợn khoảng 60-100%. Những người bị suy giảm miễn dịch và lợn bị suy giảm miễn dịch có nguy cơ mắc bệnh cao. 

Vi khuẩn S.suis thường cư trú ở đường hô hấp trên, đặc biệt là ở mũi, ở đường tiêu hóa và sinh dục của lợn. 

Theo một nghiên cứu của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, bệnh có khuynh hướng xảy ra vào mùa hè nắng nóng, 58 bệnh nhân (81%) là nam giới. Phần lớn bệnh nhân là nông dân, 38% bệnh nhân có tiền sử tiếp xúc với lợn hay thịt lợn, tuy nhiên chỉ có 6 bệnh nhân (8%) có tổn thương da nghi ngờ. 

69 bệnh nhân (96%) biểu hiện bệnh cảnh viêm màng não như sốt, nhức đầu, ói, cổ cứng, rối loạn tri giác là những triệu chứng thường gặp. 68% trường hợp viêm màng não mủ có triệu chứng ù tai, điếc.

Để phòng bệnh, người dân không được giết mổ lợn ốm, chết, không mổ lợn, chế biến thịt lợn khi có vết thương ở tay, rửa tay sạch sau khi chế biến. Không ăn thịt  lợn bệnh, thịt lợn sống, nem chạo, tiết canh... Cần nấu chín thịt lợn và các chế phẩm từ lợn bởi khi thịt lợn được nấu chín, vi khuẩn liên cầu hoàn toàn bị tiêu diệt và không còn khả năng gây bệnh.

Trong bất cứ trường hợp tiếp xúc với lợn ốm, chăm sóc, nuôi hoặc giết mổ, tiêu hủy thì nên có các phương tiện phòng hộ. Khi có biểu hiện sốt cao (40-41 độ C), xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử dưới da, tiêu chảy..., cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị, tránh nguy cơ tử vong.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/suc-khoe/sot-dau-dau-nguoi-dan-ong-ha-noi-duoc-chan-doan-mac-benh-lay-tu-lon-20240222072658525.htm

  • Từ khóa