Tác nghiệp giữa trùng khơi

Thứ 2, 21.06.2021 | 14:36:39
881 lượt xem

Được đi thực tế và tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa là niềm vinh dự, tự hào, là khát khao cháy bỏng của mỗi người làm báo trong sự nghiệp cầm bút của mình. Những ngày lênh đênh giữa trùng khơi, qua các điểm đảo tiền tiêu của Tổ quốc là những trải nghiệm rất đặc biệt, không thể nào quên đối với mỗi nhà báo và cũng để lại nhiều bài học sâu sắc về kinh nghiệm tác nghiệp.

Chuẩn bị kỹ càng

Được tham gia đoàn công tác Trường Sa của tỉnh (từ ngày 10/4 đến ngày 21/4/2021), tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng bởi đây là mong mỏi từ rất lâu, nay mới có cơ hội. Lo vì chưa hình dung được nơi ấy ra sao, phải chuẩn bị những gì, tác nghiệp thế nào… Bởi vậy mà vài ngày trước khi đi, tôi thường sang phòng nhà báo Mai Hoa, rồi gặp gỡ phóng viên Đình Quang (hai nhà báo của Báo Lạng Sơn đã đi Trường Sa từ những năm trước) để học tập kinh nghiệm.

Kinh nghiệm của những người đi trước giúp tôi mường tượng phần nào những vấn đề có thể gặp phải trong chuyến hải trình sắp tới. Từ việc làm thế nào để hạn chế say sóng, chuẩn bị một số loại thuốc men thông thường, đến việc sắp xếp hành lý, tư trang ra sao cho gọn nhẹ nhất.

Cùng là phóng viên trong đoàn công tác đợt này còn có nhà báo Nông Phương Lâm, Trưởng Phòng Thời sự, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh. So với thiết bị tác nghiệp của báo in thì thiết bị tác nghiệp của truyền hình phức tạp hơn nhiều. Để công tác phối hợp trong tác nghiệp, tuyên truyền được chu đáo nhất, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ mà đồng chí trưởng đoàn công tác giao, chúng tôi cũng đã phải dăm lần gặp gỡ, thảo luận trước chuyến đi. Phân công rất cụ thể: chuẩn bị thẻ nhớ, sạc pin, pin dự phòng, ống kính dự phòng, máy tính… Cùng đó là mỗi chúng tôi phải dành thời gian lên mạng để tìm hiểu trước các điểm đảo sẽ đến để từ đó hình dung một cách khái quát nhất nơi mình sẽ đến; sơ bộ phác thảo được kịch bản tuyên truyền đảm bảo đúng và trúng.

Phóng viên báo chí trong đoàn công tác Trường Sa (tháng 4/2021) tác nghiệp trên đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa

Cuối cùng, một điều rất quan trọng chúng tôi phải chuẩn bị trước chuyến đi, đó chính là sức khỏe và tinh thần. Phải giữ gìn để đảm bảo sức khỏe của bản thân ở trạng thái tốt nhất và tinh thần ở mức cao nhất trước một chuyến đi dài ngày với địa bàn tác nghiệp ở giữa trùng khơi để từ đó có thể thực hiện được tốt nhất nhiệm vụ được giao.

   Tác nghiệp an toàn, hiệu quả

Trong 10 ngày lênh đênh giữa trùng khơi, sự chuẩn bị chu đáo khi còn ở đất liền giúp ích cho chúng tôi rất nhiều trong quá trình tác nghiệp. Mặc dù tàu HQ 561 mà chúng tôi đi rất lớn, rất hiện đại với sức chứa hơn 200 người nhưng cũng không giúp được những người lần đầu tiên ra khơi xa tránh được say sóng trong những ngày đầu.

Ngay từ khi tàu nhổ neo, trong khi rất nhiều thành viên của các đoàn công tác lên boong tàu chụp ảnh, ngắm cảnh, thì cánh báo chí (gồm cả phóng viên của các tỉnh, thành: Lạng Sơn, Hà Nội, Thái Nguyên, Thanh Hóa và một số cơ quan báo chí trung ương) đều “nằm im, thở khẽ”. Chúng tôi đều đã nghiên cứu và thực hiện theo đúng hướng dẫn là ngày đầu tiên hạn chế đi lại trên tàu, tốt nhất là nằm trong phòng để cơ thể thích nghi dần, tránh say sóng.

Ngoài ra, hầu hết phóng viên chúng tôi không bỏ bữa (định suất rất giàu dinh dưỡng với 4 bữa/ngày, cung cấp đủ năng lượng khi đi biển). Nhờ vậy mà thời gian sau đó, rất nhiều người mệt lả vì say sóng nhưng cánh phóng viên đều “khỏe re”, đảm bảo được sức khỏe để tác nghiệp.

 Sau hai ngày lênh đênh trên biển, chúng tôi bắt đầu tới các điểm đảo. Lúc này, lịch làm việc hằng ngày rất dày, mỗi ngày tới hai điểm đảo. Để tới mỗi điểm đảo, chúng tôi phải đi ca – nô vì tàu lớn không thể vào được tới nơi. Phóng viên là lực lượng đầu tiên được phân công xuống ca – nô vào đảo. Việc lên xuống ca – nô không đơn giản, chỉ một sơ suất nhỏ cũng rất nguy hiểm. Ấy vậy mà với lỉnh kỉnh những thiết bị tác nghiệp, nhưng cánh nhà báo chúng tôi vẫn “ngon ơ”, kể cả phóng viên nữ. Đó là nhờ việc lựa chọn trang phục phù hợp, tối giản thiết bị tác nghiệp và quan trọng nhất vẫn là nghiên cứu trước và tuân thủ hướng dẫn, nhanh chóng rút kinh nghiệm để hình thành kỹ năng lên – xuống.

Thời tiết trên biển không phải lúc nào cũng thuận, trong chuyến hải trình này, không ít lần chúng tôi gặp mưa giông. Thế nhưng không có trường hợp nào bị hư hại thiết bị tác nghiệp, bởi trước khi tác nghiệp chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ từ bạt che mưa đến túi chống nước cho thiết bị. Mặt khác, các phương án hỗ trợ tác nghiệp, chia sẻ thông tin cũng được nhóm phóng viên trong đoàn bàn thảo rất kỹ, đảm bảo phản ánh sinh động, chân thực, nhiều góc độ về cuộc sống, sinh hoạt, bản lĩnh của quân và dân Trường Sa.

Chuyến hải trình đã để lại trong chúng tôi những trải nghiệm không thể nào quên trong cuộc đời làm báo. Cùng với đó là tích lũy được những kinh nghiệm quý báu rút ra trong quá trình tác nghiệp nơi đảo xa, đó là: chuẩn bị chu đáo, nghiên cứu kỹ càng, phối hợp nhịp nhàng, tuân thủ quy định nơi tác nghiệp…

Thực hiện tốt các yếu tố đó, sau chuyến đi, phóng viên đoàn Lạng Sơn đã tổ chức sản xuất được 21 tin, bài, phóng sự, chùm ảnh về Trường Sa đăng tải trên Báo Lạng Sơn và phát sóng trên Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh; đồng nghiệp của chúng tôi tại trung ương và các địa phương khác cũng thực hiện gần 100 tin, bài, phóng sự tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Qua đó, góp một phần vào công tác tuyên truyền về biển, đảo của Tổ quốc


VŨ NHƯ PHONG/baolangson.vn

https://baolangson.vn/xa-hoi/429882-tac-nghiep-giua-trung-khoi.html


  • Từ khóa