Gia đình nhiều thế hệ: Lưu giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống

Thứ 4, 14.07.2021 | 14:24:28
1,085 lượt xem

Hiện nay, mô hình gia đình hạt nhân có xu hướng phát triển nhưng gia đình nhiều thế hệ vẫn giữ được vai trò, lưu giữ, phát huy các giá trị truyền thống. Qua đó, giữ gìn nề nếp gia đình, tạo môi trường sống tốt đẹp, hình thành nhân cách của mỗi thành viên.

Với xu thế phát triển của xã hội ngày nay, những tập tục tốt đẹp phù hợp với văn hóa ứng xử luôn được giữ gìn và phát huy trong các gia đình nhiều thế hệ. Tại các gia đình nhiều thế hệ, có sự trao truyền về kinh nghiệm, kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử và giữ gìn nề nếp gia phong, các truyền thống văn hóa tốt đẹp.

Gia đình bà Trịnh Thị Khén, thôn Khuổi Làm, xã Cao Minh, huyện Tràng Định là một gia đình 3 thế hệ người Mông tiêu biểu trong phát huy bản sắc văn hoá truyền thống. Em Dương Thu Huế, 10 tuổi, cháu nội bà Khén cho biết: Hằng ngày, bà thường nói tiếng dân tộc, dạy cháu thêu thùa trang phục và hát các làn điệu dân ca của người Mông, cháu rất thích.

Gia đình người Mông 3 thế hệ, thôn Khuổi Làm, xã Cao Minh, huyện Tràng Định truyền dạy kỹ thuật may trang phục truyền thống

Cũng như gia đình bà Khén, gia đình bà Hoàng Múi Nảy, thôn Nà Mò, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình là gia đình người Dao có 3 thế hệ. Bà thường xuyên bảo ban con cháu gìn giữ phong tục của người Dao như: làm men lá nấu rượu, cách làm thuốc đông y… Bà Nảy cho biết: Hiện nay, con trai và con dâu tôi đều nắm được kỹ thuật, duy trì nghề làm men lá và bốc các thang thuốc đông y của người Dao.

Trên đây chỉ là hai gia đình nhiều thế hệ tiêu biểu, chung sống hòa thuận, giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc. Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 7 thành phần dân tộc chính, gồm: Kinh, Tày, Nùng, Dao, Hoa, Mông, Sán Chay… Để phát huy giá trị truyền thống văn hóa các dân tộc, gia đình nhiều thế hệ giữ vai trò vô cùng quan trọng. Do đó các cấp, ngành, đoàn thể đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực để bảo lưu các nét đẹp văn hóa truyền thống trong các gia đình nhiều thế hệ.

Bà Phạm Minh Huệ, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Lộc Bình cho biết:  Hiện nay, trên địa bàn huyện có 6.293 gia đình có 3 thế hệ trở lên (chiếm 30,8% tổng số hộ). Nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong mỗi gia đình, đặc biệt là những gia đình nhiều thế hệ, thời gian qua, chúng tôi đã vận động người dân nhất là bà con các dân tộc thiểu số bảo lưu và gìn giữ bản sắc văn hóa. Đồng thời, rà soát và thực hiện tuyên dương những gia đình văn hóa tiêu biểu nhiều thế hệ trong những dịp kỷ niệm ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3), ngày Gia đình Việt Nam (28/6). Từ đó lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong các gia đình truyền thống, góp phần nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, năm 2020, toàn huyện có 83,4% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, tăng 3% so với năm 2019.

Không chỉ Lộc Bình, các huyện, thành phố đều chú trọng công tác giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống trong các gia đình nhiều thế hệ. Được biết, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 57.800 gia đình từ 3 thế hệ trở lên, chiếm gần 30% tổng số gia đình trên địa bàn tỉnh. Có những chuẩn mực đạo đức gia đình kết tinh, trao truyền qua nhiều thế hệ đã trở thành các chuẩn mực đạo đức của mỗi dân tộc được thể hiện qua tiếng nói, cách ứng xử, phong tục, tập quán, trang phục dân tộc… Trong gia đình nhiều thế hệ, ông bà, bố mẹ cũng có cơ hội để cập nhật những công nghệ mới của thời đại, những xu hướng phát triển của xã hội. Từ đó hài hòa các mối quan hệ, suy nghĩ, lối sống trong gia đình có nhiều thế hệ.

Bà Hà Thị Lư, Trưởng Phòng Quản lý Văn hóa và Gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Nhằm thực hiện tốt việc bảo tồn và phát huy các nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc trong gia đình, hiện nay, chúng tôi đã tăng cường triển khai các hoạt động về giáo dục đạo đức lối sống gia đình. Trong đó, có việc tôn vinh các gia đình nhiều thế hệ tiêu biểu, tổ chức các cuộc tọa đàm, gặp mặt để chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, chung sống hòa thuận trong gia đình nhiều thế hệ. Từ năm 2020 đến nay, ban chỉ đạo công tác gia đình các cấp đã tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, biểu diễn nghệ thuật có nội dung lồng ghép đến gia đình được hơn 500 buổi thu hút 250.000 lượt người tham dự. Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng tỉnh tuyên truyền trước các buổi chiếu được 1.000 buổi có nội dung liên quan đến gia đình nói chung, gia đình nhiều thế hệ nói riêng, phục vụ gần 300.500 lượt người.

Có thể nói, sức mạnh nền tảng của truyền thống văn hóa trong các gia đình nhiều thế hệ luôn là yếu tố quan trọng, góp phần lưu giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Qua đó, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững, nâng cao tỷ lệ gia đình văn hóa hằng năm. Đơn cử năm 2020, tỷ lệ gia đình văn hóa toàn tỉnh đạt 80,8% (tăng 2,4% so với năm 2019)


TUYẾT MAI - DƯƠNG DUYÊN/baolangson.vn

https://baolangson.vn/tieu-diem/434914-gia-dinh-nhieu-the-he-luu-giu-phat-huy-cac-gia-tri-van-hoa-truyen-thong.html

  • Từ khóa