Sẵn sàng cung ứng đủ hàng hóa cho người dân

Thứ 4, 21.07.2021 | 14:56:19
883 lượt xem

Khảo sát tại một số chợ của Hà Nội vào sáng 20/7 cho thấy, các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như rau, củ, quả hay các loại thịt đã đầy ắp trở lại, không còn cảnh khan hiếm như chiều 19/7 khi lượng người đi chợ gia tăng đột biến.

Cán bộ Quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng lập biên bản xử lý cửa hàng bách hóa về hành vi bán hàng cao hơn giá niêm yết.

Chị Linh (trú tại phố Lương Yên) chia sẻ, các mặt hàng thực phẩm tại chợ Nguyễn Cao (quận Hai Bà Trưng) đầy đủ không khác ngày thường, giá các loại rau xanh cũng đã giảm về bình thường, không còn tăng cao như chiều hôm trước. Thậm chí, khi thấy chị Linh muốn mua thêm thịt lợn và sườn để tích trữ, những người bán hàng còn khuyên không cần thiết vì nguồn cung rất đầy đủ, chỉ lo mỗi việc chợ phải đóng cửa do dịch.

Tại các siêu thị như: Vinmart, Hapro, BigC..., hàng hóa, thực phẩm được bố trí đầy ắp trên các kệ và giá cả không thay đổi so với những ngày trước đây. Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan khẳng định, Hà Nội đã dự trữ đầy đủ hàng thiết yếu (gồm 17 mặt hàng) bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố, vì vậy người dân không phải lo lắng mua hàng tích trữ. Cụ thể, lượng hàng hóa được dự trữ đã tăng gấp ba lần so với bình thường, gồm: 836 nghìn tấn gạo; gần 168 nghìn tấn thịt lợn; hơn 48 nghìn tấn thịt trâu, bò; gần 56 nghìn tấn thịt gia cầm và hơn một triệu quả trứng gia cầm. Lượng hàng hóa được chuẩn bị để cung cấp tại nội thành trong ba tháng tới là khoảng 194 nghìn tỷ đồng; dự kiến hỗ trợ các tỉnh, thành phố khác khoảng 21.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngoài 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 2.382 điểm bán hàng bình ổn giá và hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa, để phục vụ công tác chống dịch, thành phố đã rà soát, bố trí sẵn sàng 1.920 địa điểm tại các quận, huyện, thị xã để làm kho dự trữ hàng, bán lưu động khi cần thiết.

Sẵn sàng cung ứng đủ hàng hóa cho người dân -0 Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra việc buôn bán, cung ứng hàng hóa, thực phẩm tại một siêu thị. 

Tại TP Hồ Chí Minh, các hệ thống siêu thị lớn như Saigon Co.op, MM Mega Market, Vinmart, Aeon,... hàng thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả, thủy hải sản từ các tỉnh về ổn định, lượng hàng đủ đáp ứng nhu cầu của người dân. Theo đại diện hệ thống Vinmart, dù việc vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh, thành phố về TP Hồ Chí Minh còn nhiều khó khăn, nhưng doanh nghiệp đang tập trung toàn lực để bảo đảm nguồn cung không đứt gãy. Lượng thực phẩm tươi sống của hệ thống Vinmart, Vinmart+ cung ứng cho thị trường TP Hồ Chí Minh đã tăng gấp hai đến ba lần ngày thường. Bên cạnh đó, Vinmart cũng đã chuẩn bị sẵn nhiều kịch bản để ứng phó tình hình cũng như đáp ứng yêu cầu về kiểm soát dịch bệnh của thành phố.

Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã làm việc với 19 tỉnh, thành phố phía nam để bàn giải pháp bảo đảm nguồn cung hàng hóa. Các địa phương đều thống nhất sẵn sàng phối hợp với TP Hồ Chí Minh để cung ứng, vận chuyển hàng hóa, đồng thời cam kết bảo đảm cung ứng hàng hóa cho TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng đề xuất việc mở lại chợ truyền thống ngay trong tuần này nhằm "chia lửa" cho các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi đang bị quá tải. Các chợ sẽ không mở cửa lại toàn bộ mà chỉ lựa chọn một số tiểu thương có đủ năng lực, bán các mặt hàng tươi sống, rau, củ, quả, thịt, cá để gia tăng điểm cung ứng hàng hóa trên địa bàn. Các tiểu thương cũng sẽ được xét nghiệm trước khi mở bán hàng trở lại. Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên khuyến cáo, các địa phương cần tiếp tục kiện toàn hệ thống phân phối, duy trì chợ truyền thống, chợ đầu mối trong điều kiện bảo đảm các quy tắc phòng, chống dịch Covid-19 và các tiểu thương phải được tiêm vắc-xin đầy đủ.

Cũng do yêu cầu cấp bách về bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân tại các tỉnh phía nam, từ ngày 17/7, Tổ công tác đặc biệt do Thứ trưởng Công thương Ðỗ Thắng Hải phụ trách đã lên đường trực chiến ở khu vực phía nam. Tổ công tác đã đi khảo sát, kiểm tra tình hình cung ứng hàng hóa, công tác chống dịch tại các chợ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Kết quả cho thấy, hiện trên địa bàn có 191 trong tổng số 237 chợ tạm ngưng hoạt động, trong đó có ba chợ đầu mối và 188 chợ truyền thống. Một số chợ vừa khôi phục hoạt động như chợ Bình Thới đều rất hiệu quả, an toàn sau khi đã xây dựng được các phương án an toàn trong công tác phòng, chống dịch. Do đó, TP Hồ Chí Minh đã lên kế hoạch dần cho khôi phục hoạt động khoảng 40 chợ truyền thống ở những khu vực tương đối an toàn. Ngoài ra, thành phố cũng có hơn 3.000 điểm bán hàng bình ổn tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi cùng 388 điểm bán hàng bình ổn lưu động được phân bổ khắp các quận, huyện, thành phố Thủ Ðức.

Song song với công tác bảo đảm nguồn cung hàng hóa, các lực lượng đã chủ động kiểm tra, rà soát việc tăng giá đột biến. Lực lượng quản lý thị trường các địa phương đã đồng loạt ra quân, tuyên truyền, nhắc nhở, vận động các cơ sở kinh doanh, các tiểu thương chấp hành quy định pháp luật, không đầu cơ găm hàng, định giá bán hàng hóa bất hợp lý.

Chí Công/nhandan.vn

https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/san-sang-cung-ung-du-hang-hoa-cho-nguoi-dan-655979/

  • Từ khóa