“Tướng không phong hàm” và hình tượng nhà cách mạng Lương Văn Tri

Thứ 6, 16.06.2023 | 10:15:30
916 lượt xem

“Tướng không phong hàm” là cuốn tiểu thuyết lịch sử của cố nhà văn Nguyễn Trường Thanh viết về cuộc đời nhà cách mạng tiền bối xuất sắc Lương Văn Tri – Vị chỉ huy cao nhất của chiến khu Bắc Sơn và Cứu Quốc Quân I, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.

Để khắc họa chân dung một nhà cách mạng ưu tú, nhà văn Nguyễn Trường Thanh không chỉ nắm chắc đặc trưng thể loại mà còn huy động tối đa sự hiểu biết về lịch sử, sự trải nghiệm thực tiễn và nguồn cảm xúc dồi dào của mình. Mục đích cuối cùng để khi “gạt” lớp “vỏ” hư cấu, “cái lõi” còn lại chính là sự chân xác của lịch sử.

Ảnh lớn:  Khu di tích Khuổi Nọi, xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn – Nơi thành lập Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn, do đồng chí Lương Văn Tri làm chỉ huy trưởng

Ảnh nhỏ:  Một số công trình nhà ở của Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn được phục dựng lại tại di tích Khuổi Nọi

Ảnh:  VŨ NHƯ PHONG

Một chân dung văn học Lương Văn Tri được xây dựng kỳ công, trọn vẹn với tất cả sự trân trọng lịch sử và người cách mạng. Cậu bé Lương Văn Tri ngay từ khi mới chào đời được khắc họa qua lời tác giả “Tin vui từ Bản Hẻo bay về Bản Muồng: Con trai thứ của cụ tộc họ Lương đã sinh hạ được một chàng quý tử”, “Đêm ấy quanh bếp lửa hồng tại gia đình cặp vợ chồng nông dân Tày trẻ, đẹp Lương Lợi Tiên và Hoàng Thị Liềm…râm ran tiếng cười vui”, “căn nhà sàn ba gian như hẹp lại, bầu bạn, người thân đông hơn”. Cách kể chuyện giản dị, sâu sắc,chứa đựng yếu tố văn hóa dân tộc cho thấy sự ra đời của nhà cách mạng tương lai trong sự mong đợi của tất cả mọi người. Theo đó Lương Văn Tri được nuôi dưỡng lớn lên trong sự nâng niu và kỳ vọng của gia tộc, bản làng “Ông nội đặt tên cho cháu đích tôn của mình là Lương Văn Tri, “Tri” là hiểu biết, Tri thức”.

Bản Hẻo bao đời nay bình yên dẫu cuộc sống của những người dân lao động có vất vả. Thế rồi những biến cố cuộc đời lần lượt xảy ra đối với gia đình Lương Văn Tri và quê hương yêu dấu của anh. Mẹ Tri mất sớm. Đây là nỗi bất hạnh lớn đầu đời của cậu bé Tri. Những gánh nặng cơm áo nuôi con của người cha được Lương Văn Tri cảm nhận từ rất sớm. Cùng với hiện thực gia đình, hiện thực thế sự diễn biến của nước nhà đã tạo nên không gian xuyên suốt toàn tác phẩm. Cuộc xâm lược của thực dân Pháp cùng với ách thống trị ngày càng hà khắc của chúng ở Việt Nam đã đặt ra những yêu cầu nhiệm vụ cách mạng. Để bước theo hành trình nhân vật, nhà văn Nguyễn Trường Thanh đã dành nhiều trang sách phản ánh tình hình thế sự đất nước Việt Nam và địa bàn Lạng Sơn những ngày đầu chống Pháp. Từng diễn biến trong bước đường học tập, giác ngộ, cứu nước của anh Lương Văn Tri được tác giả chú ý: Việc rời làng ra trung tâm tỉnh lị Lạng Sơn học tập của cậu bé Tri thông minh, sáng dạ, có chí hướng; việc gặp gỡ những người bạn học cùng chí hướng trong đó có anh Hoàng Văn Thụ; việc quan sát, thấu hiểu, thức ngộ về cuộc sống người dân bị thực dân Pháp áp bức; việc giác ngộ cách mạng và liên kết tìm đường cứu nước … Tất cả, được nhà văn Nguyễn Trường Thanh lựa chọn chi tiết, sự kiện, tái hiện tỉ mỉ. Qua đó, người đọc cảm nhận được những vấn đề lựa chọn sáng suốt, tất yếu của người thanh niên trí thức yêu nước Lương Văn Tri. Anh hành trình như một chiến binh dũng cảm giữa vùng đại ngàn. Cánh chim bằng sải cánh bay sang cả vùng trời nước bạn để học tập, trải nghiệm, trưởng thành: “Anh Thụ thống nhất cao với anh Tri tập hợp các bạn học thân thiết, cùng chí hướng tổ chức nhóm thanh niên yêu nước trong Trường tiểu học Pháp – Việt”, “Anh Tri bảo bọn người “ò Phan” này không ở mãi được trên đất nước mình đâu”, các anh “Hòa mình vào cuộc đấu tranh đòi thả nhà yêu nước Phan Bội Châu và để tang Phan Chu Chinh”, “Sau khi bàn luận kỹ nhóm thanh niên yêu nước ở Trường Tiểu học Pháp – Việt Lạng Sơn thống nhất cao với nhau, một bộ phận đi tìm tổ chức cách mạng tại Trung Quốc, một bộ phận tiếp tục học lên để khi có thời cơ sẽ đi hoạt động cách mạng”, “Lý tưởng mà anh chọn đương nhiên không phải là đi tìm việc kiếm sống mà đi tìm đường cách mạng cứu nước”.

Sau khi trở về nước, cùng với sự giác ngộ, học tập, trang bị những kiến thức, phương pháp làm cách mạng thì phạm vi hoạt động cách mạng của Lương Văn Tri, Hoàng Văn Thụ đã được đặt trong mối liên hệ với tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự dấn thân và trưởng thành của nhà yêu nước Lương Văn Tri luôn tiên phong, hiệu quả, bắt nhịp với phong trào cách mạng nước nhà. Khắc họa hành trình này nhà văn Nguyễn Trường Thanh ngoài việc bám chắc chi tiết, sự kiện chân xác ông đã viết bằng tất cả sự trân trọng, kính yêu, thổi hồn vào trong từng trang viết: “Anh Phùng Chí Kiên trực tiếp hướng dẫn anh Thụ, anh Tri sử dụng điện đài liên lạc tuyệt đối bí mật với Mạc – Tư – Khoa”, “Anh Hoàng Văn Thụ được Trung ương giao nhiệm vụ trực tiếp phụ trách, chỉ đạo việc củng cố, phát triển tổ chức và phong trào cách mạng của ba tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên”, “Hoàng Văn Thụ trở lại Cao Bằng công tác, anh trực tiếp giao nhiệm vụ cho anh Lương Văn Tri và Vi Đức Minh về Võ Nhai phát triển phong trào cách mạng ở Thái Nguyên”, “Chia tay anh Thụ, anh Tri trở về với một khối lượng công việc lớn Đảng giao”, “Lòng anh rộn lên như có những hồi kèn giục giã trên đường ra trận”. Người đọc nhận thấy lối kể chuyện lịch sử dung dị cùng với cảm hứng anh hùng ca nhà văn Nguyễn Trường Thanh đã vừa cảm xúc vừa lí chí, chân xác trong việc từng sự việc để xây dựng chân dung nhà cách mạng tiền bối tiêu biểuLương Văn Tri.

Với sự nỗ lực chỉ đạo hoạt động của đồng chí Lương Văn Tri cùng một số đồng chí cán bộ tăng cường của Xứ uỷ Bắc Kỳ, trong một thời gian ngắn, cơ sở cách mạng ở Bắc Sơn (Lạng Sơn), Võ Nhai (Thái Nguyên) có bước phát triển mới, vùng rừng núi hiểm trở có địa thế nối liền nhau thuộc các xã Vũ Lăng, Vũ Lễ, Hữu Vĩnh, Ngư Viễn (Bắc Sơn) và Lâu Thượng, Phú Thượng, Tràng Xá (Võ Nhai) đã trở thành khu căn cứ địa vững mạnh của Đội du kích, trong đó căn cứ Khuổi Nọi là trung tâm.

Với sự chỉ huy tài tình của đồng chí Lương Văn tri, trong thời gian ngắn, từ đội du kích đầu tiên được đồng chí Trần Đăng Ninh thành lập đã hình thành trung đội du kích Bắc sơn. Phong trào cách mạng ở Bắc Sơn sau thời gian bị thực dân Pháp khủng bộ đã được khôi phục và phát triển, đã tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự hình thành và phát triển phong trào cách mạng ở các châu lân cận.

Thế rồi Cứu Quốc Quân I được thành lập, phát triển lớn mạnh, hoạt động dũng cảm, kiên cường, bí mật, kỷ luật cao với quyết tâm lớn. “Mệt nhọc, đói khát, bệnh tật không ngăn nổi cuộc trường trinh của các chiến sĩ cách mạng”.

Lo sợ trước hoạt động mạnh mẽ của Đội cứu quốc quân Bắc Sơn, ngày 25/7/1941, thực dân Pháp huy động lực lượng tiến hành một cuộc đàn áp khốc liệt quy mô lớn đối với căn cứ địa Bắc Sơn – Võ Nhai.

Trên đường rút lui để bảo toàn lực lượng, do một tên chánh tổng phản động ở châu Na Rì khai báo, đồng chí Lương Văn Tri cùng các đồng chí của mình bị quân địch bao vây, buộc phải nổ súng ngăn chặn địch để rút khỏi địa bàn. Trong cuộc chiến đấu anh dũng ấy, đồng chí Phùng Chí Kiên đã hy sinh oanh liệt, đồng chí Lương Văn Tri trúng đạn bị thương nặng, bị địch bắt và giam ở nhà tù Cao Bằng. Kẻ địch đã dùng mọi thủ đoạn cực hình, hòng buộc đồng chí phải khai báo hoạt động của tổ chức, nhưng đồng chí vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản. Trong vòng một tháng giam cầm, tra tấn dã man, kẻ địch vẫn không khuất phục được đồng chí Lương Văn Tri, các cơ sở Đảng và cơ sở quần chúng do đồng chí phụ trách vẫn được giữ vững và an toàn. Do bị địch tra tấn dã man, ngày 29/9/1941, đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà tù của thực dân Pháp ở thị xã Cao Bằng.

Lịch sử còn ghi mãi những trang sử anh hùng của dân tộc. Cùng với những trang lịch sử oai hùng đó, nhà cách mạng tiền bối Lương Văn Tri mãi mãi là tấm gương sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Văn học là tấm gương phản ánh cuộc sống. Tiểu thuyết “Tướng không phong hàm” của nhà văn Nguyễn Trường Thanh đã góp phần xây dựng đầy đủ, trọn vẹn bức chân dung nhà cách mạng. Ở đó không chỉ có những mốc thời gian, không chỉ có hành trình, không chỉ có số liệu mà có cả thế giới tinh thần, tâm hồn của người chiến sĩ cộng sản. Năm 2023, Kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn (1933 – 2023) cũng là khi cuốn tiểu thuyết lịch sử “Tướng không phong hàm” của nhà văn Nguyễn Trường Thanh tròn 25 năm kể từ ngày xuất bản (1998 – 2023). Sẽ còn nhiều điều để viết về cuốn sách cũng như hình tượng nghệ thuật mà nhà văn xây dựng nhưng trong khuôn khổ một bài viết người viết chỉ nhằm bày tỏ cảm nhận và khẳng định rằng “Tướng không phong hàm” của Nguyễn Trường Thanh là cuốn sách quý đã khắc họa thành công chân dung nhà cách mạng tiền bối tiêu biểu Lương Văn Tri, góp phần làm đẹp thêm cho văn học và lịch sử nước nhà.

Nhà văn Nguyễn Trường Thanh sinh năm 1934 tại làng Lỗ Giao (Tổng Cổ Loa (cũ) nay là xã Việt Hùng, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1997. Đề tài lịch sử là đề tài tập trung và cuốn hút nhất trong nghiệp cầm bút của nhà văn. Theo đó, ông đã cho ra đời các tác phẩm về đề tài này như: Hoa trong bão, Kỳ tích Chi Lăng, Hoa bất tử, Ngôi nhà của cha, Hương ngàn, Dặm dài ải Bắc, Tướng không phong hàm, Mạch nguồn… Số lượng tác phẩm cho thấy sức sáng tạo dồi dào, bền bỉ của nhà văn. Một số giải thưởng cao quý mà ông đạt được nói lên chất lượng tác phẩm của ông. Có thể nói, với nhà văn Nguyễn Trường Thanh, đề tài lịch sử và thể loại tiểu thuyết lịch sử đã làm nên phong cách văn chương của ông. Giáo sư Phong Lê trong một lần nhận xét: “Cho đến bây giờ xét về đề tài miền núi trong văn học Việt Nam hiện đại vẫn còn phải nhắc đến “Truyện Tây Bắc” của Tô Hoài; “Đất nước đứng lên”, “Rừng Xà nu” của Nguyên Ngọc; “Đồng bạc trắng hoa xoè”, “Vùng biên ải” của Ma Văn Kháng, “Rừng động” của Mạc Phi, “Hoa hậu Xứ Mường” của Phượng Vũ; “Tướng không phong hàm”, “Một thời biên ải” của Nguyễn Trường Thanh”. Bằng tác phẩm văn học, bằng hình tượng nghệ thuật, nhà văn Nguyễn Trường Thanh đã thổi hồn vào lịch sử, làm cho lịch sử trở nên sống động và lung linh, người đọc cảm thấy thêm yêu mến tự hào về lịch sử dân tộc. Để làm được điều đó, nhà văn thường tâm niệm: “ Sáng tạo thì vô cùng nhưng phải căn cứ trên sự thật lịch sử”. Cũng chính từ suy nghĩ như thế mà những tác phẩm về đề tài lịch sử của ông luôn bay bổng mà vẫn cắm chân vững chãi vào cốt lõi hiện thực.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/van-hoa/589836-tuong-khong-phong-ham-va-hinh-tuong-nha-cach-mang-luong-van-tri.html

  • Từ khóa