Cảnh giác với thủ đoạn đặt mua hàng để lừa đảo

Thứ 6, 10.11.2023 | 14:30:31
535 lượt xem

Chị Nguyễn Thị Hoa, chủ cửa hàng quần áo tại phường Đông Triều, thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) vẫn chưa hết bàng hoàng khi bị các đối tượng giả danh cán bộ Công an thị xã Đông Triều gọi điện lừa đảo, suýt mất số tiền lớn.

Theo chị Hoa, đối tượng đã gọi điện và kết bạn Zalo, xưng là cán bộ công an và nhờ chị đặt gấp một lượng đệm nằm cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị, chuẩn bị cho đoàn kiểm tra của Bộ Công an, số tiền khoảng 60 triệu đồng. Sau đó, đối tượng tiếp tục nhờ chị đặt mua 15 chiếc chăn tại một cơ sở do đối tượng giới thiệu; đồng thời, đối tượng chụp ảnh màn hình điện thoại đã chuyển thành công cho chị cả tiền chăn và tiền đệm là gần 100 triệu đồng. Tuy nhiên, chị Hoa chưa nhận được số tiền đó. Giải thích về việc này, đối tượng đã viện lý do ngân hàng chậm và liên tục giục chị Hoa liên hệ với cơ sở bán chăn. Cửa hàng bán chăn cũng yêu cầu chị Hoa gửi toàn bộ số tiền để thanh toán... 

Cảnh giác với thủ đoạn đặt mua hàng để lừa đảo
Công an thị xã Đông Triều tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận biết các thủ đoạn lừa đảo trên mạng. 

Chị Hoa cho biết: “Các đối tượng lợi dụng thời điểm buổi trưa để lấy lý do ngân hàng dừng giao dịch nên tiền chưa về tài khoản. Hai đối tượng giả danh công an và cơ sở bán chăn liên tục hối thúc, đề nghị sớm thanh toán và chuyển khoản tiền chăn để kịp xuất hàng, chuẩn bị cho đoàn kiểm tra khiến tôi cũng rối lên định chuyển. Tuy nhiên, do chưa nhận được tiền về tài khoản, tôi bình tĩnh lại và tham khảo một số người thì được biết, đây là thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo nên đã trình báo cơ quan chức năng”.

Thế nhưng, không may mắn như chị Hoa, một số cơ sở kinh doanh và cá nhân trên địa bàn thị xã Đông Triều đã bị lừa đảo số tiền lớn với hình thức trên.

Theo đại diện Công an thị xã Đông Triều, đây là thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản mới, xuất hiện lần đầu trên địa bàn. Ban đầu, các đối tượng gọi điện thoại đến cơ sở kinh doanh mua hàng hóa để phục vụ cơ quan. Sau khi làm quen, đối tượng đề nghị mua giúp loại hàng hóa khác với số lượng lớn để phục vụ cán bộ, chiến sĩ và gợi ý nơi cung cấp hàng cần mua. Tiếp đó, đối tượng yêu cầu cơ sở giao hàng gấp và sẽ chuyển khoản tiền cọc qua tài khoản trước nhưng thực chất, chúng không chuyển mà sử dụng phần mềm cắt ghép hình ảnh thể hiện đã chuyển tiền và tiếp tục hối thúc cơ sở nhanh chóng chuyển hàng. Do thời gian ngắn, không thể tìm đối tác cung cấp số lượng hàng theo yêu cầu nên cơ sở đã liên hệ theo địa chỉ của đối tượng gợi ý. Nếu cơ sở kinh doanh nào không cẩn thận kiểm tra số tiền đã chuyển hoặc do chủ quan khi thấy phiếu chuyển khoản thành công và chuyển cọc cho bên cung cấp hàng mà đối tượng giới thiệu thì đối tượng sẽ chiếm đoạt số tiền đã chuyển. Suốt quá trình giao dịch, các đối tượng không trực tiếp gặp mặt mà chỉ liên hệ qua điện thoại, các ứng dụng nhắn tin Zalo, Viber... Mặt khác, để củng cố lòng tin đối với các cơ sở kinh doanh, nhóm đối tượng sử dụng hình ảnh của cán bộ, chiến sĩ công an làm ảnh đại diện trên các ứng dụng.

Để tránh bị lừa đảo, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác trước số điện thoại lạ gọi đến, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, cẩn trọng trước những hướng dẫn, đề nghị mua hàng, chuyển khoản... Nếu phát hiện có dấu hiệu nghi vấn, cần hết sức bình tĩnh, tỉnh táo để không mắc lừa đối tượng xấu và thông báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/phap-luat/an-ninh-trat-tu/canh-giac-voi-thu-doan-dat-mua-hang-de-lua-dao-750774

  • Từ khóa