Xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn: Không ngoại lệ, không “vùng cấm”

Thứ 7, 11.11.2023 | 15:03:52
567 lượt xem

Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) thuộc Bộ Công an đang phối hợp với công an các tỉnh, thành phố ra quân xử lý người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn nhằm duy trì nghiêm trật tự, an toàn giao thông, giảm tai nạn giao thông, hình thành thói quen đã uống rượu, bia thì không lái xe. Lực lượng chức năng đã triển khai các chốt kiểm tra nồng độ cồn, kết hợp với kiểm tra lưu động, kiểm tra chéo địa bàn, xử lý nghiêm những người lái xe sử dụng rượu, bia với phương châm "không có ngoại lệ,

Thời gian vừa qua đã có nhiều trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông là đảng viên, công chức, thậm chí công tác trong lực lượng công an bị xử lý vì vi phạm nồng độ cồn. Điển hình là trường hợp Thượng tá NMH, Phó trưởng Công an TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên bị phát hiện vi phạm nồng độ cồn ở mức 1 vào đầu giờ chiều 20-9; hay một đồng chí là trưởng công an phường ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) cũng bị xử phạt vì vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,4 mg/lít khí thở khi lái xe...

Thượng tá Tô Quang Minh, Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, Cục CSGT, cho biết: “Các trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông, ngoài xử lý theo quy định, lực lượng CSGT còn gửi thông báo về đơn vị công tác để kiểm điểm, xử lý theo quy định của Đảng và cơ quan”.

Xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn: Không ngoại lệ, không “vùng cấm”

Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông.

Nắm được quy định trên, không ít lái xe khi bị kiểm tra nồng độ cồn đã cố tình chống đối, khai báo thông tin sai sự thật. Điển hình là vào tối 18-9, Đội CSGT số 14, Công an TP Hà Nội dừng xe ô tô Mazda CX5 do ông LHQ (là chủ tịch UBND một phường thuộc quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) điều khiển để kiểm tra nhưng ông Q không chấp hành đo nồng độ cồn, liên tục gọi điện thoại nhờ "trợ giúp" và yêu cầu tổ công tác nghe điện thoại. Tổ công tác đã lập biên bản vi phạm hành chính lỗi “Không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn” đối với ông Q. 

Trung tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, khám nghiệm điều tra tai nạn giao thông, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, cho biết: “Với những trường hợp người lái xe tự ý bỏ đi, không chấp hành đo nồng độ cồn sẽ bị xử lý mức cao nhất trong quy định xử phạt vi phạm nồng độ cồn”.

Phần lớn người tham gia giao thông đã uống rượu, bia khi gặp các chốt kiểm tra đều tìm cách đối phó. Có thể kể đến nhiều kiểu chống đối, như: Không chịu xuất trình giấy tờ; "đòi" kiểm tra giấy tờ thực hiện chuyên đề của lực lượng CSGT; dùng lời lẽ xúc phạm, đe dọa, lợi dụng đông người để gây sức ép với CSGT, chèn ép xe CSGT truy đuổi, khóa xe bỏ đi hoặc quay xe ngang đường gây ùn tắc giao thông... Lường trước những vấn đề trên, lực lượng chức năng đã có những giải pháp vừa kết hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, vừa xử lý nghiêm các hành vi cố tình gây cản trở lực lượng làm nhiệm vụ. Ngoài việc xử lý vi phạm tại các chốt kiểm tra, lực lượng CSGT còn tổ chức tuần tra kiểm soát, kiểm tra lưu động, ghi hình các trường hợp vi phạm để làm căn cứ xử lý theo đúng pháp luật. Thời gian qua, một số trường hợp người lái xe vi phạm còn cố tình chống đối, tấn công lực lượng làm nhiệm vụ đã bị khởi tố.

Việc xử lý nghiêm hành vi vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông đã góp phần giảm đáng kể các vụ tai nạn, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông cũng được nâng cao, hầu như không còn tình trạng gọi điện thoại nhờ xin bỏ qua vi phạm với lý do "cùng là người trong ngành”, cán bộ nhà nước... Thực tế cho thấy, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông đã khiến thói quen uống rượu, bia rồi "vô tư" lái xe giảm hẳn. Nhiều người đã chọn các giải pháp như đi taxi, nhờ người thân đưa đón mỗi khi đi đến các bữa tiệc liên hoan. Không ít nhà hàng ăn uống đã phục vụ cả việc đưa đón khách, mở dịch vụ lái xe hộ... Đây là kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận và cần tiếp tục duy trì hiệu quả để góp phần xây dựng văn hóa giao thông, giảm tai nạn giao thông.

Từ ngày 30-8 đến ngày 15-10, lực lượng chức năng đã xử lý 6.119 trường hợp người lái xe vi phạm về nồng độ cồn; 46 trường hợp người lái xe không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn cũng đã bị xử lý. Qua xác minh nhanh, có hơn 200 trường hợp người vi phạm nồng độ cồn khi lái xe là cán bộ, công chức.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/phap-luat/an-ninh-trat-tu/xu-phat-nguoi-dieu-khien-phuong-tien-giao-thong-vi-pham-nong-do-con-khong-ngoai-le-khong-vung-cam-750810

  • Từ khóa