Bảo đảm kỹ thuật trong tác chiến phòng không hiện đại

Chủ nhật, 15.10.2023 | 09:15:24
601 lượt xem

Trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ của Bộ đội Phòng không-Không quân (PK-KQ) trên mặt trận đối không rất nặng nề, đặc biệt là trong điều kiện tác chiến phòng không hiện đại, khi đối phương sử dụng nhiều loại vũ khí công nghệ cao.

Để giải được bài toán này, chúng ta cần phải thiết lập thế trận phòng không để đáp ứng yêu cầu của chiến tranh hiện đại, trong đó việc coi trọng làm tốt công tác bảo đảm kỹ thuật là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Trong tác chiến đường không hiện đại có những điểm mới cả về lực lượng, phương tiện, đối tượng và về môi trường tác chiến. Theo các chuyên gia quân sự, khả năng tác chiến đường không của địch tùy thuộc vào thành phần chủ yếu tạo nên sức mạnh của không quân. Trong đó, hệ thống chỉ huy, điều khiển, truyền thông, máy tính thông minh và thông tin (C4I2); hệ thống chỉ huy báo động sớm (AWACS); các loại máy bay ném bom chiến lược, chiến thuật; vũ khí điều khiển chính xác; các phương tiện trinh sát, tác chiến điện tử... giữ vai trò đặc biệt quan trọng, được địch quan tâm nghiên cứu, phát triển và sử dụng trong tác chiến đường không.

Bảo đảm kỹ thuật trong tác chiến phòng không hiện đại
Kiểm tra các chi tiết trên khoang động cơ máy bay Su-30MK2 tại Nhà máy A32 (Quân chủng Phòng không-Không quân). Ảnh: DƯƠNG TOÀN 

Từ thực tiễn cho thấy, trong tiến công đường không, đối phương sẽ huy động nhiều kiểu loại máy bay ném bom chiến lược, chiến thuật thế hệ mới, trong đó có các loại máy bay tàng hình. Với diện tích phản xạ hiệu dụng khoảng 0,001-0,01m2, máy bay tàng hình có thể vượt qua hệ thống phòng không, đánh phá các mục tiêu quan trọng nằm sâu trong lãnh thổ của ta. Sự xuất hiện của máy bay tàng hình có thể sẽ làm thay đổi cơ cấu lực lượng trong một trận đánh của không quân.

Theo phân tích lý thuyết của các nhà quân sự, với 3 máy bay tàng hình loại B-2A có thể chặn bước hành quân của một sư đoàn tăng thiết giáp và gây thương vong ở mức không thể phục hồi.

Ngoài ra, từ một số cuộc xung đột quân sự gần đây cho thấy, quân đội các nước đã sử dụng ngày càng nhiều loại phương tiện bay không người lái (UAV) làm nhiệm vụ tác chiến. Các loại UAV có thể mang bom thông thường hoặc bom dẫn đường bằng laser. Cũng có nhiều loại UAV "cảm tử", với kết cấu gọn nhẹ có thể mang trong ba lô cá nhân. các UAV này có thể bay lơ lửng nhiều giờ trong không trung để tìm kiếm mục tiêu rồi lao thẳng vào mục tiêu, kích nổ đầu đạn nó mang theo và phá hủy mục tiêu.

Theo các chuyên gia, tới đây UAV có thể sẽ phát triển lên tầm cao mới, tức là chúng có thể tự nhận diện, lựa chọn và tấn công các mục tiêu mà không cần trợ giúp của con người. Đây cũng là một thách thức trong đối phó với UAV và công tác bảo đảm kỹ thuật cho hệ thống khí tài và cơ sở kỹ thuật...

Từ những đặc điểm trên, chúng ta thấy rằng, để chống tác chiến đường không hiện đại của địch có hiệu quả, công tác bảo đảm kỹ thuật của ta phải có những thay đổi mạnh mẽ. Bởi vậy, ngành kỹ thuật PK-KQ phải thường xuyên nắm chắc thực trạng tổ chức, biên chế và quy hoạch sử dụng trang bị kỹ thuật, cơ sở bảo đảm kỹ thuật, dự báo chính xác những xu hướng, sự thay đổi tình hình để xác định những nội dung định hướng trọng tâm công tác cho từng giai đoạn một cách khoa học.

Tiếp tục tập trung đột phá về công tác huấn luyện kỹ thuật nhằm nâng cao khả năng khai thác, làm chủ trang bị kỹ thuật hiện có, tăng cường công tác huấn luyện kỹ thuật, thực hiện mục tiêu đơn vị tự bảo đảm kỹ thuật trong tình huống địch tác chiến đường không là chủ yếu. Huấn luyện đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật giỏi một hệ, biết nhiều hệ, có thể bảo đảm kỹ thuật cho một số hệ khác khi có nhu cầu.

Cùng với đó, cần nâng cao chất lượng vũ khí trang bị, đặc biệt là nâng cao hệ số kỹ thuật của các loại trang bị; bảo đảm đúng, đủ, đồng bộ, kịp thời và chất lượng tốt trang bị kỹ thuật, đạn dược cho các đơn vị. Tổ chức tiếp nhận, làm chủ, khai thác, sử dụng hiệu quả các trang bị mới, trang bị nâng cấp và cải tiến.

Đảm bảo kịp thời vật tư tiêu hao thường xuyên; tăng cường sửa chữa, hồi phục vật tư đặc chủng. Tiếp tục nghiên cứu đổi mới phương thức bảo đảm kỹ thuật, cơ chế quản lý, chỉ đạo công tác kỹ thuật cho phù hợp với điều kiện tác chiến. Tổ chức ngụy trang, nghi binh, xây dựng kế hoạch phân tán, sơ tán máy bay tới các khu vực quy định ngay trong thời bình.

Cùng với đó, tổ chức, bố trí hệ thống kho, trạm, xưởng kỹ thuật một cách khoa học mang tính chiến lược, chiến thuật. Hệ thống các cơ sở sửa chữa và kho kỹ thuật của Quân chủng phải được sơ tán, phân tán tại các khu bí mật, bảo đảm cung cấp kịp thời vũ khí, đạn dược, phương tiện sát thương hàng không, vật tư, vật chất kỹ thuật cho các đơn vị theo nhu cầu tác chiến và dự trữ cho tác chiến...


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/bao-dam-ky-thuat-trong-tac-chien-phong-khong-hien-dai-747106

  • Từ khóa