Tăng tốc chuyển đổi sang năng lượng sạch

Thứ 3, 27.04.2021 | 14:46:36
326 lượt xem

Báo cáo của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IREA) chỉ ra rằng, thế giới cần tăng 30% đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch, lên mức 131.000 tỷ USD vào năm 2050, nếu muốn đối phó hiệu quả tình trạng biến đổi khí hậu. Hiện nhiều quốc gia trên thế giới đang thúc đẩy việc sản xuất và tiêu thụ “năng lượng xanh”, coi đây là hướng đi của tương lai.

Các tấm pin năng lượng mặt trời được lắp đặt trên mái nhà ở Hàn Quốc. Ảnh: THE KOREA TIMES

Trước sự cần thiết phải thay đổi thói quen sử dụng năng lượng hóa thạch nhằm hạn chế sự gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu 1,5oC cho phù hợp Thỏa thuận Pa-ri về chống biến đổi khí hậu, Tổng Giám đốc IREA La Ca-mê-ra cảnh báo, thế giới cần tăng tốc mạnh mẽ quá trình chuyển đổi năng lượng để đối phó tình trạng trái đất nóng lên. Theo báo cáo của IREA, thế giới cần cắt giảm hơn 75% tiêu thụ năng lượng hóa thạch đến trước năm 2050, nhất là đẩy nhanh việc giảm phụ thuộc vào dầu mỏ và than đá. Theo đó, công suất năng lượng tái tạo sẽ phải tăng hơn 10 lần vào năm 2050 và số lượng các phương tiện chạy bằng điện phải tăng 30 lần. Tăng sản lượng và sử dụng nguồn năng lượng từ “hi-đrô xanh” được cho là cần thúc đẩy nhằm hạn chế tác động tới môi trường.

Là một trong những quốc gia ở châu Á đi tiên phong trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Hàn Quốc đặt mục tiêu có được các công nghệ lõi trong sản xuất năng lượng thân thiện với môi trường, chẳng hạn như các tấm pin mặt trời hiệu suất cao và điện gió. Ðể đạt mục tiêu trung hòa các-bon vào năm 2050, nước này cũng nỗ lực để giảm chi phí sản xuất nhiên liệu hi-đrô. Chính phủ Hàn Quốc thúc đẩy dự án nghiên cứu và phát triển các công nghệ giúp giảm lượng khí thải các-bon trong các ngành công nghiệp phát thải nhiều, như sản xuất thép, hóa dầu, chất bán dẫn và màn hình.  Hàn Quốc đã công bố một loạt biện pháp để thúc đẩy việc sử dụng ô-tô thân thiện với môi trường, chẳng hạn như xây dựng ít nhất 500.000 trạm sạc cho xe điện vào năm 2025. Công ty LG Electronics, một tập đoàn lớn của Hàn Quốc đã bắt tay với một số đối tác trong nước phát triển công nghệ năng lượng tái tạo, trong đó phát triển một hệ thống làm mát và làm nóng nước biển phù hợp môi trường của biển Hoàng Hải và các giải pháp quang điện tích hợp cho tòa nhà (BIPV).

Trong khi đó, tại Xin-ga-po, những chiếc xe buýt công cộng được lắp các tấm pin năng lượng mặt trời đã bắt đầu chạy trên đường phố trong một thử nghiệm kéo dài sáu tháng của hãng điều hành xe buýt Go-Ahead Singapore. Còn In-đô-nê-xi-a đề ra hai mục tiêu lớn trong chương trình chuyển đổi năng lượng, gồm đạt mức 23% hỗn hợp năng lượng xanh vào năm 2025 và giảm 29% lượng khí thải so với mức cơ sở vào năm 2030 theo Thỏa thuận Pa-ri. In-đô-nê-xi-a đã thực hiện chương trình 30% Biodiesel (B30) bắt buộc để giảm nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, trong đó sử dụng dầu cọ làm nguồn nhiên liệu sinh học để giảm phát thải, cũng như tìm kiếm cơ hội phát triển kinh tế. Ðể thực hiện mục tiêu đầy tham vọng là chuyển đổi sang năng lượng sạch, In-đô-nê-xi-a đang phát triển công nghệ đồng đốt sinh khối cho một số nhà máy điện và đang cố gắng mở rộng quy mô sử dụng công nghệ này.

Trong mục tiêu đưa Mỹ trở lại vị trí dẫn đầu trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu, chính quyền của Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn đã công bố một loạt khoản vay nhằm thúc đẩy năng lượng tái tạo. Hướng tới mục tiêu trung hòa khí thải các-bon vào năm 2050, việc lắp đặt các thiết bị năng lượng mặt trời ở Mỹ dự kiến sẽ tăng gấp bốn lần vào cuối thập kỷ này. Hãng công nghệ Apple (Mỹ) cho biết, đã có hơn 110 đối tác sản xuất của hãng này đang chuyển sang sử dụng 100% năng lượng tái tạo khi sản xuất các sản phẩm của Apple. Những cam kết này sẽ giúp cắt giảm hơn 15 triệu tấn khí thải CO2 hằng năm, tương đương lượng khí thải của hơn 3,4 triệu ô-tô.

Trong khi đó, cuộc đua sản xuất và bán nhiên liệu hi-đrô trên toàn cầu đặt Ca-na-đa trước cơ hội lớn hợp tác với Ðức, một trong những thị trường mới nổi lớn nhất thế giới về nguồn nhiên liệu thay thế này. Hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác về chuyển đổi năng lượng sạch, bao gồm việc tích hợp một lượng lớn năng lượng tái tạo vào hệ thống điện. Chính phủ liên bang Ca-na-đa đặt mục tiêu đưa hi-đrô trở thành một nhân tố quan trọng trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế sạch ở quốc gia Bắc Mỹ này.   


Mỹ Hà/nhandan.com.vn

https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/tang-toc-chuyen-doi-sang-nang-luong-sach-643564/

  • Từ khóa