Bấp bênh an ninh lương thực toàn cầu

Thứ 7, 30.09.2023 | 14:46:35
470 lượt xem

Nguồn dự trữ lương thực giảm mạnh trong 2 năm qua, khiến cho giá cả biến động lớn - trở thành "điều bình thường mới"

Thời gian gần đây, cô Caroline Kyalo, một bà mẹ 2 con sống ở thủ đô Nairobi của Kenya, gặp phải bài toán khó: Làm sao nấu ăn mà không dùng hành tây, nguyên liệu cực kỳ cần thiết ở châu Phi? Những hạn chế xuất khẩu rau củ của nước láng giềng Tanzania đã đẩy giá thực phẩm ở Kenya lên gấp ba.

Lệnh hạn chế xuất khẩu hành tây của Tanzania nằm trong số 41 quy định hạn chế xuất khẩu thực phẩm đang có hiệu lực tại 19 quốc gia, từ cấm hoàn toàn đến áp thuế cao - theo Theo Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế. 

Hồi đầu năm nay, việc Ấn Độ cấm bán một số loại gạo ra nước ngoài làm sụt giảm khoảng 1/5 sản lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Myanmar, quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ 5 thế giới, có động thái tương tự. 

Ấn Độ còn hạn chế xuất khẩu hành sau khi lượng mưa thất thường do biến đổi khí hậu làm mùa màng thất bát. Ngay lập tức, giá cả ở nước láng giềng Bangladesh tăng vọt và chính quyền phải nỗ lực tìm nguồn cung thay thế.

Trong khi đó, theo hãng tin AP, hạn hán hoành hành khắp Tây Ban Nha gây thiệt hại cho hoạt động sản xuất dầu ô liu, buộc các nước ở châu Âu tìm đến Thổ Nhĩ Kỳ. Giá dầu ô liu tại quốc gia Địa Trung Hải này nhanh chóng tăng cao kỷ lục và chính quyền Ankara phải hạn chế xuất khẩu. 

Hồi tháng 2, Morocco, quốc gia vừa hứng chịu động đất kinh hoàng, cũng ngừng xuất khẩu hành, khoai tây và cà chua do hạn hán kéo dài.

Bấp bênh an ninh lương thực toàn cầu - Ảnh 1.

Hồ chứa của đập Terkos ở ngoại ô Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ khô cạn do lượng mưa giảm. Ảnh: REUTERS

Đây không phải lần đầu tiên giá thực phẩm biến động mạnh. Giá các mặt hàng chủ lực như gạo hay lúa mì từng tăng gấp đôi ở giai đoạn năm 2007-2008 nhưng thời điểm đó thế giới vẫn có nguồn dự trữ dồi dào. 

Tình hình hiện nay không lạc quan được như vậy, theo ông Joseph Glauber, chuyên gia cấp cao tại Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế và là cựu kinh tế gia trưởng tại Bộ Nông nghiệp Mỹ. 

Ông Glauber nhận định nguồn dự trữ trong 2 năm qua đã giảm mạnh cùng với biến đổi khí hậu, khiến cho giá cả biến động mạnh trở thành một điều bình thường mới.

Theo giới chuyên gia, giá thực phẩm toàn cầu sẽ được quyết định bởi sự tác động qua lại giữa 3 yếu tố: Hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino; khả năng thời tiết xấu gây thiệt hại cho mùa màng và làm hạn chế xuất khẩu thêm nữa; cuối cùng là chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. 

Cả Nga và Ukraine đều là nhà cung cấp lớn về lúa mì, lúa mạch, dầu hướng dương và các thực phẩm khác trên toàn cầu, đặc biệt là cho các quốc gia đang phát triển.

Các nhà khoa học chưa thể xác định tác động của El Nino lên sản xuất lương thực. Dù vậy, những dấu hiệu ban đầu đang gây lo ngại. Ấn Độ trải qua tháng 8 khô hạn nhất trong một thế kỷ và Thái Lan đang đối mặt với hạn hán, làm dấy lên lo ngại về nguồn cung đường. Hai nước này xuất khẩu đường lớn nhất thế giới chỉ sau Brazil. 

Thêm vào đó, mưa ít tại Ấn Độ dập tắt hy vọng vụ thu hoạch mới vào tháng 10 sẽ giúp chấm dứt các hạn chế thương mại và ổn định giá cả. Giám đốc Công ty Kinh doanh thực phẩm Wesderby India Private Limited, ông Aman Julka, nhận định giá gạo khó giảm sớm.

Bà Elyssa Kaur Ludher, nhà nghiên cứu an ninh lương thực tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, cảnh báo biến đổi khí hậu không chỉ đe dọa cây lúa mà còn gây rủi ro đối với bất kỳ cây trồng nào cần lượng mưa ổn định để phát triển và chăn nuôi cũng không ngoại lệ.


Theo nld.com.vn

https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/bap-benh-an-ninh-luong-thuc-toan-cau-20230929210050776.htm

  • Từ khóa