Cha mẹ cần lưu ý gì khi cho trẻ tiếp xúc với các công cụ AI như ChatGPT?

Thứ 7, 02.12.2023 | 09:13:21
583 lượt xem

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở nên dễ tiếp cận với tất cả mọi người, kể cả trẻ em. Lợi ích của AI vô cùng lớn, nhưng cũng có cả rủi ro khó lường. Có 3 điều cha mẹ cần lưu ý khi để trẻ tiếp xúc với AI.

Đã gần 1 năm kể từ khi ChatGPT bất ngờ xuất hiện trên internet và nhanh chóng được nhiều người đánh giá cao về tính năng hỗ trợ dạy và học, nhưng nó cũng gây ra nhiều mối quan ngại cho lĩnh vực giáo dục.

Các công cụ AI khác cũng liên tục ra đời, trong đó có MyAI trên nền tảng Snapchat, đặc biệt khuyến khích thiếu niên đặt câu hỏi về bất kỳ điều gì, từ gợi ý quà tặng cho bạn bè cho đến cách làm bài tập về nhà.

Trí tuệ nhân tạo tạo sinh có thể viết ra những đoạn văn hoặc vẽ ra các bức tranh, tạo ra những hình ảnh theo yêu cầu của bất kỳ ai, kể cả trẻ nhỏ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng việc này vừa có lợi vừa có hại.

Thực ra AI đã ra đời từ những năm 1960, nhưng chỉ khoảng 1 năm trở lại đây, các cơ sở dữ liệu AI mới bùng nổ nhanh chóng và được đưa ra cho đông đảo công chúng sử dụng.

Cha mẹ cần lưu ý gì khi cho trẻ tiếp xúc với các công cụ AI như ChatGPT? - 1

Trẻ ở lứa tuổi thiếu niên ngày càng sử dụng chatbot nhiều hơn để giải trí. (Ảnh: Christian Moro).

Nếu các bậc phụ huynh có lưỡng lự trước việc cho con sử dụng AI thì cũng không có gì lạ. Nhiều trường học đã xem xét cấm sử dụng AI do lo ngại học sinh có thể gian dối trong học tập và hủy hoại tính liêm chính trong học thuật.

Nhưng AI sẽ không bị xóa bỏ, mà càng ngày càng được sử dụng rộng rãi hơn trong đời sống con người. Trẻ em càng sớm biết sử dụng công nghệ này thì càng cần được hướng dẫn sử dụng nó ra sao cho hiệu quả.

Nếu bạn là phụ huynh, bạn nên tìm hiểu về AI và tự mình sử dụng công nghệ này để có thể giúp con em mình định hướng đúng đắn trong thế giới AI. Hãy bắt đầu bằng việc đăng ký sử dụng một công cụ AI tạo sinh miễn phí và cùng con em mình trải nghiệm, đặt câu hỏi cho AI và cùng nhau trao dồi về những câu trả lời mà nó đưa ra.

Có chính kiến

AI tạo sinh có thể làm những việc bất ngờ, như là tạo ra tranh ảnh hoặc viết truyện, nhưng nó không hề hiểu những điều nó viết ra. Nó chỉ ghép những câu từ lại với nhau để tạo ra những câu văn, đoạn văn có nghĩa nhưng không nói lên được điều gì cả.

AI tạo sinh không thể đánh giá chất lượng, độ tin cậy của các nguồn mà nó lấy thông tin, cũng không thể đảm bảo những thông tin đó là chính tắc, hợp pháp. Phần mềm AI tạo sinh được tạo ra trên cơ sở dữ liệu đã có trong một khoảng thời gian nhất định trước đây, vì thế các thông tin nó cung cấp có thể lỗi thời.

Vì thế, trẻ em cần hiểu rằng mặc dù những lời văn này có vẻ giống như trong một cuốn sách hay bài báo, nhưng thực chất đó là những câu chữ do máy tính cắt ghép, tạo nên. Điều đó có nghĩa là các em cần biết hoài nghi mọi từ, mọi câu, mọi nội dung mà AI trả lời. Cha mẹ có thể tận dụng cơ hội này để giúp trẻ phát triển kỹ năng tư duy phản biện.

Bạn có thể cùng con sử dụng một công cụ AI tạo tranh ảnh, nhập vào một số yêu cầu, và khi có câu trả lời, bạn có thể hỏi con những câu hỏi như là "Những người trong tranh trông như thế nào? Con có thấy giống ai ngoài đời thật không?"

Cẩn thận với các chatbot tích hợp AI

Chatbot (phần mềm chat tự động) là các chương trình máy tính được thiết kế để khiến cho người sử dụng cảm thấy như đang trò chuyện với một người thật. Tùy từng chatbot, người dùng có thể trò chuyện về các chủ đề khác nhau, từ đơn giản đến phức tạp, từ mối quan hệ xã giao đến thân mật, thậm chí cả các vấn đề nhạy cảm, riêng tư.

Có nhiều chatbot không có quản trị viên, không có con người kiểm tra các nội dung có phù hợp hay không. Vì thế cha mẹ cần để ý khi trẻ dành nhiều thời gian với những "người bạn" AI.

Nếu không được hướng dẫn hay quản lý, trẻ có thể bị những ứng dụng này khơi dậy trí tò mò đến mức bị thao túng, dẫn đến những tình huống có hại cả về thể chất và tinh thần.

Hãy giúp trẻ hiểu rõ AI tạo sinh chỉ là máy móc, không phải con người. Nó không chia sẻ suy nghĩ, lý tưởng, niềm tin, văn hóa hay tôn giáo với chúng ta. Nó đưa ra những lời lẽ dựa trên những mô hình và thuật toán. Nó không phải là người để chúng ta có thể tranh luận, học hỏi hay có thể sử dụng để tăng giá trị của bạn được.

Tranh ảnh, video và đoạn ghi âm cũng có vấn đề

Tranh ảnh, âm thanh cũng là một phần trong phạm vi hoạt động của AI. Cha mẹ nên nhắc trẻ cẩn trọng không chỉ với những câu viết mà cả những hình ảnh trẻ đưa lên mạng.

Các loại tranh ảnh, kể cả ảnh có mặt của trẻ sẽ được AI sử dụng, do đó việc bảo vệ danh tính của trẻ sẽ không còn được an toàn. Hãy nói chuyện với trẻ về tính riêng tư và bảo mật thông tin cá nhân, và giúp trẻ hiểu rõ rằng bất kỳ dữ liệu nào đưa lên mạng đều có thể bị người khác và AI lấy để sử dụng.

AI có thể là một công cụ hỗ trợ học tập rất tốt nếu được sử dụng đúng cách. Bạn hãy trò chuyện cởi mở với trẻ, đồng thời đi sâu vào một số vấn đề cụ thể để giúp trẻ tận dụng sức mạnh vô biên của công nghệ này mà vẫn đảm bảo cho trẻ được an toàn.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/suc-manh-so/cha-me-can-luu-y-gi-khi-cho-tre-tiep-xuc-voi-cac-cong-cu-ai-nhu-chatgpt-20231201143538663.htm

  • Từ khóa