Bộ Quốc phòng tổ chức rút kinh nghiệm công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả mưa lũ khu vực miền Trung

Thứ 5, 05.11.2020 | 09:04:14
519 lượt xem

Ngày 4-11, Bộ Quốc phòng tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm công tác phòng, chống bão lụt khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, đá khu vực miền Trung, tháng 10-2020. Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì hội nghị.

Cùng dự có các đồng chí: Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Nguyễn Phương Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó tổng Tham mưu trưởng; Thượng tướng Đỗ Căn, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Trung tướng Ngô Minh Tiến, Phó tổng Tham mưu trưởng; Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó tổng Tham mưu trưởng. 

Bộ Quốc phòng tổ chức rút kinh nghiệm công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả mưa lũ khu vực miền Trung
Thượng tướng Phan Văn Giang chủ trì hội nghị.

Cùng dự hội nghị còn có đại biểu đại diện lãnh đạo các tổng cục, các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Bộ Quốc phòng cùng đại biểu lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị tại 83 điểm cầu trực tuyến từ các cơ quan, đơn vị trong toàn quân.

Báo cáo tóm tắt đặc điểm, tình hình thiên tai trong tháng 10 vừa qua, Thiếu tướng Doãn Thái Đức, Cục trưởng cục Cứu hộ-Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu cho biết: Trong tháng 10, khu vực miền Trung liên tiếp chịu ảnh hưởng thiệt hại nặng nề của các cơn bão số: 6, 7, 8, 9 và hoàn lưu bão gây mưa đặc biệt lớn dài ngày, trên diện rộng từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam. Do mưa lớn liên tiếp, dài ngày dẫn đến lũ dâng cao trên toàn 16 tuyến sông chính ở các tỉnh miền Trung đã gây ngập lụt trên phạm vi diện rộng, thời điểm cao nhất vào ngày 12-10 và 19-10, có nơi ngập sâu từ 2 đến 3 mét như huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh (Quảng Bình). Mưa lớn kéo dài đã làm sạt lở đất, đá tại nhiều nơi trên địa bàn huyện Phong Điền (Thừa Thiên-Huế), huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) địa bàn Quân khu 4; huyện Nam Trà My (Quảng Nam) địa bàn Quân khu 5 gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản của nhà nước và nhân dân. Cụ thể, đã có 234 người chết, mất tích (hiện còn mất tích 67 người). Bão và mưa, lũ cũng làm 681 căn nhà bị đổ sập hoàn toàn, 161.158 căn nhà khác bị hư hỏng, 383.040 căn nhà bị ngập hoàn toàn cùng hàng chục nghìn héc-ta hoa màu bị ngập hiện chưa có thống kê cụ thể.

Bộ Quốc phòng tổ chức rút kinh nghiệm công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả mưa lũ khu vực miền Trung
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Sở chỉ huy Bộ Quốc phòng.

Về công tác chỉ đạo và tổ chức ứng phó, ngay trước khi xảy ra mưa, bão, các cơ quan, đơn vị đã thường xuyên duy trì và thực hiện nghiêm các chế độ trực 24/24h tại Sở Chỉ huy; chủ động nắm chắc tình hình về mọi mặt, kịp thời tham mưu, đề xuất với Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng xử lý hiệu quả các tình huống. Bộ tư lệnh Quân khu 4, Quân khu 5 đã chỉ đạo Bộ CHQS các tỉnh phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trên địa bàn tổ chức di dời nhân dân đến địa điểm an toàn. Các cơ quan, đơn vị bảo đảm tốt công tác đón tiếp, bố trí nơi ăn ở cho nhân dân trong doanh trại… Cùng với các lực lượng tại chỗ, lực lượng của các quân khu, lực lượng của các quân chủng, binh chủng cũng đã vào cuộc kịp thời góp phần nâng cao hiệu quả công tác ứng phó, khắc phục hậu quả. Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu đã chỉ đạo xuất cấp nhiều trang, thiết bị, phương tiện cho các tỉnh miền Trung thuộc địa bàn Quân khu 4, Quân khu 5 phục vụ ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 32 bộ máy bơm, 1.200 thùng mì tôm, 2 tấn gạo, 77,5 tấn lương khô, 20 xuồng cứu sinh, 200 máy phát điện, 4.750 áo phao cứu sinh và một số vật dụng dân sinh khác trị giá gần 100 tỉ đồng.

Kết luận hội nghị, Thượng tướng Phan Văn Giang đã nêu một số ý kiến chỉ đạo của Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Thượng tướng Phan Văn Giang ghi nhận, biểu dương các cơ quan, đơn vị đã làm tốt nhiệm vụ của “đội quân công tác” và nhiệm vụ ứng phó với thiên tai tiếp tục được xác định là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình. Đặc biệt là trên địa bàn Quân khu 4, Quân khu 5 với sự tham gia của các Quân chủng Hải quân, Phòng không-Không quân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và các lực lượng của Bộ đứng chân trên địa bàn 2 quân khu. Đây là sự cố gắng rất lớn của lãnh đạo, chỉ huy các cấp, của mỗi cán bộ, chiến sĩ để chúng ta thực hiện tốt nhiệm vụ. Tổ chức lực lượng một cách đồng bộ, kịp thời, được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, là động lực, điểm tựa vững chắc cho người dân vùng lũ, vùng lụt yên tâm chống đỡ với thiên tai.

Thượng tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh: Hiện nay chúng ta vẫn chưa kết thúc việc khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn Quân khu 4, Quân khu 5… vì ảnh hưởng bão số 10 nên phải tạm dừng công tác cứu hộ. Đã có nhiều lần thiên tai xảy ra ở trên địa bàn cả nước nhưng mỗi lần xảy ra lại khác nhau nên kinh nghiệm trong công tác ứng phó, cứu hộ, cứu nạn cũng rất khác nhau. Đặc biệt, trong công tác ứng phó với bão và mưa, lũ tháng 10 vừa qua, chúng ta đã phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ”, từ lực lượng, phương tiện đến chỉ huy, điều hành đều được vận dụng rất linh hoạt, tạo ra được hiệu quả cao.

Bộ Quốc phòng tổ chức rút kinh nghiệm công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả mưa lũ khu vực miền Trung
Thượng tướng Đỗ Căn, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị phát biểu tại hội nghị.

Trong thời gian tới, Thượng tướng Phan Văn Giang đề nghị các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng các văn bản, các thông tư, quyết định… và ban hành để hướng dẫn cụ thể, linh hoạt về các công tác như giải quyết chính sách, công tác phối hợp, bảo đảm ngân sách theo kiến nghị từ các cơ quan, đơn vị báo cáo lên, tập hợp, báo cáo kịp thời. Đưa các nội dung huấn luyện, đào tạo vào các chỉ lệnh quân sự để trở thành pháp lệnh, thành quy định để tổ chức huấn luyện rõ chuyên trách, kiêm nghiệm nhưng phải bảo đảm tinh gọn, hiệu quả. Nghiên cứu giáo trình huấn luyện từng vùng, từng địa bàn cho phù hợp đặc thù thiên tai, mưa lũ tại khu vực đó, tránh việc huấn luyện dàn trải… không có chuyên sâu, chuyên trách.

Đề nghị Tổng cục Chính trị tiếp tục nghiên cứu, ban hành các hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách bảo đảm hiệu quả từ công tác cán bộ đến chế độ, chính sách. Làm tốt công tác tuyên truyền, đưa tin trên truyền hình, trên báo giấy, trên báo điện tử, báo nói và dân vận để mọi người, mọi cấp tầng lớp nhân dân cùng tham gia thực hiện, chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai. Lấy phòng là chính, tạo ý thức tự giác phòng, chống cho người dân, trong đó lực lượng vũ trang, các cơ quan, đơn vị quân đội với vai trò là đội quân công tác phải là nòng cốt. Đồng thời biểu dương các cán bộ, phóng viên đã tham gia tuyên truyền trong đợt bão lũ vừa qua…

Thượng tướng Phan Văn Giang cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị tiếp tục tổ chức rút kinh nghiệm, kiểm tra, rà soát kỹ các địa bàn đóng quân để bảo đảm an toàn và sẵn sàng ứng phó. Chủ động tổ chức huấn luyện bổ sung ngay những nội dung phù hợp, sát thực tế ở từng cấp. Đề nghị chỉ huy các đơn vị căn cứ tình hình thực tế để tổ chức khen, động viên cán bộ, chiến sĩ của đơn vị mình nhằm kịp thời động viên cán bộ, chiến sĩ.


CHU ANH/QDND.VN

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/bo-quoc-phong-to-chuc-rut-kinh-nghiem-cong-tac-phong-chong-va-khac-phuc-hau-qua-mua-lu-khu-vuc-mien-trung-642929

  • Từ khóa