Tìm các giải pháp để phát triển bền vững ngành dừa

Thứ 2, 19.06.2023 | 15:04:01
622 lượt xem

Cây dừa đang là nguồn thu nhập cho khoảng 389.530 hộ nông dân và tạo ra giá trị xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa đã đạt trên 900 triệu USD. Ngành dừa Việt Nam đang đứng thứ 4 về tổng giá trị trên thị trường dừa thế giới.

Chế biến dừa tại hợp tác xã nông nghiệp Thới Thạnh (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre).

Ngày 19/6, tại tỉnh Bến Tre, Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức Hội thảo phát triển dừa bền vững Việt Nam đến năm 2030 và đề án “Phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 - cây dừa”.

Hiện tại, ngành dừa Việt Nam có vị trí quan trọng trên thế giới với diện tích trên 188 nghìn ha. Diện tích dừa Việt Nam chiếm 1,67% diện tích trên thế giới, 2,07% diện tích dừa châu Á. Tốc độ tăng diện tích dừa của Việt Nam khá cao, năm 2010, diện tích dừa Việt Nam xếp thứ 6 trên thế giới thì đến năm 2021, diện tích dừa Việt Nam đã xếp thứ 5 trên thế giới.

Dừa là một loại cây trồng có giá trị và đa dụng vì có thể sử dụng trong công nghiệp chế biến ra nhiều sản phẩm khác nhau từ các bộ phận của cây dừa.

Cây dừa đang là nguồn thu nhập cho khoảng 389.530 hộ nông dân và tạo ra giá trị xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa đã đạt trên 900 triệu USD. Ngành dừa Việt Nam đang đứng thứ 4 về tổng giá trị trên thị trường dừa thế giới.

Hiện cả nước có khoảng 854 doanh nghiệp sản xuất chế biến các sản phẩm từ dừa với nhiều loại hình, quy mô hoạt động khác nhau như: chế biến vỏ dừa, gáo dừa, cơm dừa, nước dừa... giải quyết việc làm cho hơn 15.000 lao động.

Hiện tại cũng có hơn 90 doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm từ dừa, trong đó, có 42 doanh nghiệp đã xuất khẩu những sản phẩm chế biến sâu.

Năm 2023, ngành dừa phấn đấu xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa đạt trên 1 tỷ USD.

Tìm các giải pháp để phát triển bền vững ngành dừa ảnh 1

Đại biểu tham dự Hội thảo phát triển dừa bền vững Việt Nam đến năm 2030.

Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Quang Dũng, Viện Trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp (Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Hội thảo sẽ đánh giá thực trạng tầm quan trọng của cây dừa về giá trị kinh tế, xã hội; đồng thời, hội thảo tập trung phân tích, đánh giá về thực trạng ngành sản xuất dừa; xây dựng chuỗi giá trị ngành dừa; phát triển cây dừa trở thành cây công nghiệp chủ lực; tiềm năng của cây dừa trong chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam; các giải pháp trong tương lai để phát triển bền vững ngành dừa...

Hội thảo tiếp thu, hoàn thiện để trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án: “Phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 - cây dừa”.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/tim-cac-giai-phap-de-phat-trien-ben-vung-nganh-dua-post758324.html

  • Từ khóa