Di tích đền Vua Lê: Từ giá trị lịch sử đến bảo tồn, phát huy

Thứ 4, 02.06.2021 | 00:00:00
716 lượt xem

Đền Vua Lê, xã Hoàng Đồng là một trong những di tích tiêu biểu của thành phố Lạng Sơn thờ vọng vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi), có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa. Những năm qua, để bảo tồn, phát huy giá trị di tích này, UBND xã Hoàng Đồng đã và đang có nhiều giải pháp tích cực, từng bước đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch, tìm hiểu của Nhân dân và du khách.

Những ngày cuối tháng 5/2021, chúng tôi đến đền Vua Lê tại thôn Hoàng Tân, xã Hoàng Đồng. Sự khang trang, sạch sẽ cùng với lối thờ tự trang nghiêm của đền khiến chúng tôi cảm nhận được phần nào lòng tôn kính của người dân đối với các bậc tiền nhân. Ông Lê Diệu Minh, Phó Trưởng Ban quản lý đền cho biết: Với chúng tôi, ngôi đền có ý nghĩa to lớn, là điểm tựa tâm linh. Hằng ngày, chúng tôi vẫn thường xuyên thay phiên nhau quét dọn, thắp hương, vệ sinh sạch sẽ ở trong và ngoài đền. Đồng thời, cứ 2 đến 3 năm một lần, chúng tôi lại chi khoảng 10 triệu đồng từ tiền công đức để sơn, sửa lại tường, hoành phi câu đối của đền.

Thành viên Ban quản lý đền Vua Lê nghiên cứu sắc phong vua Khải Định lưu giữ tại đền

Theo các tài liệu lịch sử ghi lại, khởi nguyên đền này là một ngôi miếu nhỏ thờ thành hoàng của làng, đến năm 1924, dòng họ thổ ty Nguyễn Đình đã tu sửa trở thành nơi thờ vọng Đức vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi), vì thủy tổ của dòng họ này (Nguyễn Thế Chương, người phủ Đức Quang xứ Nghệ An) vốn là tướng lĩnh đi theo Lê Lợi thời kỳ khởi nghĩa Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh và được ban sắc chỉ ở lại Lạng Sơn, đời nối đời thế tập lấy xã Hoàng Đồng, châu Thoát Lãng (nay là xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn) làm quê hương.

Tương truyền, sau trận chiến thắng quân Minh tại Ải Chi Lăng, tại vị trí của đền chính là nơi Lê Lợi đã ra chỉ dụ các quan, quân, tướng sĩ trước khi lên ngôi Hoàng Đế. Ngôi đền hiện nay được xây dựng bằng gạch, mái lợp ngói âm dương, diện tích khoảng 30 m2, có kết cấu hình chữ nhị (=) gồm gian Tiền tế (nơi đón tiếp khách) và gian Hậu cung (nơi thờ vua Lê Lợi và các cận thần).

Là đơn vị trực tiếp quản lý di tích đền Vua Lê, những năm qua, UBND xã Hoàng Đồng có nhiều giải pháp tích cực góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Cụ thể như, năm 2018, UBND xã tu bổ, tôn tạo hệ thống mái trước gian hậu cung với tổng kinh phí gần 200 triệu đồng; Ban hành Quyết định số 142/QĐ-UBND kiện toàn Ban Quản lý đền gồm 9 thành viên, trong đó, đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban; tuyên truyền giá trị của đền đăng trên trang thông tin điện tử của xã; chỉ đạo tới các thôn tăng cường tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị di tích, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ, phát huy giá trị di sản này.

Ông Hoàng Quốc Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Đồng, Trưởng Ban Quản lý đền Vua Lê cho biết: Đây là di tích duy nhất nằm trên địa bàn xã, do vậy, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng lộ trình với nhiều giải pháp cụ thể để bảo tồn tốt hơn nữa. UBND xã sẽ tiếp tục cùng nhà đền huy động nguồn lực xã hội hóa để tôn tạo, sửa chữa các hạng mục đang xuống cấp của đền. Đồng thời, phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức cho học sinh tham quan tìm hiểu, xây dựng nội dung đưa vào tuyên truyền, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử địa phương.

Với những giá trị mang lại, đền Vua Lê thực sự đã trở thành một địa chỉ tâm linh tín ngưỡng quan trọng, là nơi giáo dục truyền thống lịch sử tại xã Hoàng Đồng nói riêng, thành phố Lạng Sơn nói chung. Do đó, việc bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử văn hóa của di tích này là một việc làm quan trọng và ý nghĩa, góp phần vào công tác gìn giữ, lưu truyền, lan tỏa giá trị truyền thống cho các thế hệ mai sau


HOÀNG HIẾU/BAOLANGSON.VN

https://baolangson.vn/van-hoa/425965-di-tich-den-vua-le-tu-gia-tri-lich-su-den-bao-ton-phat-huy.html


  • Từ khóa