Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 4B: Cần sớm tháo gỡ vướng mắc về xây dựng công trình trên đất nông nghiệp

Thứ 5, 05.01.2023 | 09:04:24
1,095 lượt xem

Trong quá trình triển khai dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 4B đã phát sinh một số vướng mắc trong giải phóng mặt bằng liên quan đến các trường hợp xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp cần được các cấp, ngành liên quan xem xét, tháo gỡ kịp thời.

Theo quy định hiện hành, tất cả các trường hợp xây dựng nhà ở, vật kiến trúc xây dựng trên đất nông nghiệp từ ngày 1/7/2004 đến trước ngày 1/7/2014 sẽ được nhà nước hỗ trợ 50% đơn giá bồi thường công trình, vật kiến trúc. Đối với các trường hợp xây dựng nhà ở, vật kiến trúc sau  ngày 1/7/2014 sẽ không đủ điều kiện bồi thường hỗ trợ. Ngoài ra, đối với các trường hợp xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp từ ngày 1/7/2004 trở lại đây đều không đủ điều kiện để xem xét bố trí tái định cư có thu tiền sử dụng đất.

Nhà thầu thi công hạng mục nền đường giao thông khu tái định cư xã Gia Cát, huyện Cao Lộc phục vụ tái định cư dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 4B đoạn km 3+700 đến km 18

Theo số liệu khảo sát, thống kê ban đầu của huyện Lộc Bình và huyện Cao Lộc, trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 4B đoạn km 3+700 đến km 18 trên tuyến có 62 trường hợp xây dựng nhà ở, vật kiến trúc xây dựng trên đất nông nghiệp bị thu hồi vượt thẩm quyền giải quyết của cấp huyện, dẫn đến vướng mắc trong công tác tuyên truyền vận động, giải phóng mặt bằng thực hiện xây dựng dự án. Trong đó, tại huyện Lộc Bình có 9 hộ xây dựng công trình sau ngày 1/7/2014 theo quy định không được hỗ trợ, đặc biệt, có 5 hộ bị thu hồi nhà ở nhưng không có đất ở và nhà ở nào khác và không đủ điều kiện bố trí tái định cư theo quy định. Ngoài ra, có 22 hộ xây dựng công trình trong khoảng thời gian từ ngày 1/7/2004 đến trước ngày 1/7/2014 chỉ được hỗ trợ 50% đơn giá bồi thường hỗ trợ theo quy định, trong đó, đặc biệt có 6 hộ bị thu hồi nhà ở nhưng không có đất ở, nhà ở nào khác.

Tại huyện Cao Lộc có khoảng 20 trường hợp xây dựng nhà ở, vật kiến trúc trên đất nông nghiệp trong khoảng thời gian từ ngày 1/7/2004 đến trước ngày 1/7/2014 và có 10 trường hợp có nhà ở, vật kiến trúc xây dựng trên đất nông nghiệp sau ngày 1/7/2014.

Qua tìm hiểu từ phía người dân bị ảnh hưởng cho thấy, hầu hết các trường hợp xây dựng nhà ở, vật kiến trúc trên đất nông nghiệp đều xuất phát từ nhu cầu cấp thiết của các hộ gia đình và không phải vì mục đích trục lợi chính sách của nhà nước.

Bà Hoàng Thu Thuỷ, trú tại thôn Hợp Tân, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc cho biết: Do gia đình đông con và nhiều thế hệ cùng sinh sống, năm 2012, hai vợ chồng tôi đã xây dựng căn nhà 2 tầng và các công trình vật kiến trúc khác trên đất nông nghiệp do cha ông để lại với diện tích hơn 300 m2. Nay nhà nước xây dựng công trình cải tạo nâng cấp quốc lộ 4B, toàn bộ nhà ở, công trình đều bị thu hồi hết trong khi nhà tôi không còn chỗ ở, đất ở nào khác, gia đình rất mong nhà nước hỗ trợ thoả đáng và bố trí tái định cư để gia đình tôi ổn định cuộc sống.

Còn ông Hoàng Văn Thử, trú tại thông Kéo Hin, xã Khánh Xuân, huyện Lộc Bình cho biết: Năm 2016, gia đình thuộc diện hộ cận nghèo, điều kiện khó khăn, chỗ ở chật hẹp, gia đình vay mượn để mua mảnh đất nông nghiệp diện tích 155 m2, sau đó làm căn nhà 2 tầng, diện tích mỗi sàn 64 m. Nay nhà nước thu hồi để xây dựng tuyến đường, gia đình chấp hành và chỉ mong muốn nhà nước xem xét hỗ trợ đất tái định cư và hỗ trợ vật kiến trúc để gia đình có chỗ ở ổn định vì hiện tại không còn chỗ ở, nhà ở nào khác.

Ông Hoàng Hùng Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình cho biết: Các vướng mắc đối với các trường hợp xây dựng nhà ở, vật kiến trúc trên đất nông nghiệp vượt quá thẩm quyền giải quyết của UBND huyện. Để tháo gỡ, UBND huyện  đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn rà soát cụ thể từng trường hợp và báo cáo Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng huyện, Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng tỉnh đồng thời đề xuất phương án tháo gỡ.

Theo đó, UBND huyện đang đề nghị tỉnh cho phép hỗ trợ bằng 80% đơn giá bồi thường theo quy định cho tất cả các công trình nhà ở, vật kiến trúc xây dựng trên đất nông nghiệp mà không bị chính quyền địa phương lập biên bản vi phạm và xây dựng công trình vật kiến trúc trước thời điểm UBND huyện ban hành thông báo thu hồi đất. Kiến nghị UBND tỉnh cho phép thực hiện biện pháp hỗ trợ khác bằng việc giao đất có thu tiền sử dụng đất cho tất cả các gia đình xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp bị thu hồi phải di chuyển chỗ ở nhưng không còn đất ở, nhà ở nào khác trên địa bàn. Đối với các hộ có nguyện vọng tái định cư tự do thì đề nghị UBND tỉnh cho phép hỗ trợ bằng tiền là 60 triệu đồng/hộ theo quy định tại Quyết định số 07/2021/QĐ-UBND tỉnh.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Lê Trí Thức, Bí thư Huyện uỷ, Trưởng Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng huyện Cao Lộc cho biết: Ban Chỉ đạo huyện cũng đã báo cáo với Ban chỉ đạo tỉnh xin chủ trương để xem xét hỗ trợ các trường hợp xây dựng nhà ở, công trình vật kiến trúc trên đất nông nghiệp sau ngày 1/7/2014, các trường hợp này thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND tỉnh. Khi tỉnh có chủ trương, huyện sẽ thực hiện rà soát cụ thể từng trường hợp và tính toán để thực hiện hỗ trợ cho người bị ảnh hưởng.

Dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 4B đoạn km 3+700 đến km 18 theo kế hoạch đến năm 2024 phải hoàn thành đưa vào khai thác. Vì vậy,  các kiến nghị của UBND 2 huyện Lộc Bình và Cao Lộc về vướng mắc đối với các trường hợp xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp cần sớm được các sở, ngành chức năng tham mưu trình UBND tỉnh xem xét tháo gỡ theo thẩm quyền. Hiện toàn tỉnh đang triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông và dự báo sẽ có nhiều vướng mắc liên quan đến các trường hợp xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp. Do đó, các địa phương cần tăng cường công tác quản lý đất đai, nhất là phải ngăn chặn kịp thời vi phạm đối với các trường hợp xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp, có như vậy khi thực hiện dự án mới sẽ hạn chế những vướng mắc phát sinh ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các công trình.


Trang Ninh/baolangson.vn

https://baolangson.vn/kinh-te/552351-cai-tao-nang-cap-quoc-lo-4b-can-som-thao-go-vuong-mac-ve-xay-dung-cong-trinh-tren-dat-nong-nghiep.html

  • Từ khóa