Trả lời bạn xem truyền hình ngày 27/09/2022

Thứ 3, 27.09.2022 | 09:26:50
967 lượt xem

Câu 1: Ông Nông Văn Hùng, trú tại xã Trùng Khánh, huyện Văn Lãng hỏi: Pháp luật quy định công dân cần khai báo tạm vắng trong trường hợp nào?

Trả lời

Căn cứ khoản 1 điều 31 Luật Cư trú năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2021), công dân có trách nhiệm khai báo tạm vắng trong các trường hợp sau:

Trường hợp 1: Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đang cư trú từ 1 ngày trở lên đối với bị can, bị cáo đang tại ngoại; người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc đã có quyết định thi hành án nhưng đang tại ngoại hoặc được hoãn chấp hành án, tạm đình chỉ chấp hành án; người bị kết án phạt tù được hưởng án treo đang trong thời gian thử thách; người đang chấp hành án phạt quản chế, cải tạo không giam giữ; người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đang trong thời gian thử thách.

Trường hợp 2: Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đang cư trú từ một ngày trở lên với người đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; người phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ chấp hành; người bị quản lý trong thời gian làm thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng.

Trường hợp 3: Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp huyện nơi đang cư trú từ 3 tháng liên tục trở lên với người trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc người đang phải thực hiện các nghĩa vụ khác với Nhà nước theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trường hợp 4: Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi thường trú từ 12 tháng liên tục trở lên đối với người không thuộc trường hợp 1, 2, 3 nêu trên, trừ trường hợp đã đăng ký tạm trú tại nơi ở mới hoặc đã xuất cảnh ra nước ngoài. 

Căn cứ khoản 2 điều 31 Luật Cư trú năm 2020, trước khi đi khỏi nơi cư trú, người quy định tại trường hợp 1, 2 nêu trên phải đến khai báo tạm vắng tại cơ quan đăng ký cư trú nơi người đó cư trú. Khi đến khai báo tạm vắng, người dân phải nộp đề nghị khai báo tạm vắng và văn bản đồng ý của cơ quan có thẩm quyền giám sát, quản lý, giáo dục người đó.

Cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra nội dung khai báo. Trong thời hạn một ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị khai báo tạm vắng, cơ quan đăng ký cư trú cấp phiếu khai báo tạm vắng cho công dân; trường hợp phức tạp thì thời gian giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 2 ngày làm việc.

Căn cứ khoản 3 điều 31 Luật Cư trú năm 2020, người thuộc trường hợp 3, 4 có thể đến khai báo tạm vắng trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú nơi cư trú hoặc khai báo qua điện thoại, phương tiện điện tử hoặc phương tiện khác do Bộ trưởng Công an quy định. Nếu trường hợp 4 chưa thành niên thì người thực hiện khai báo là cha, mẹ hoặc người giám hộ.

Nội dung khai báo tạm vắng bao gồm họ và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, số hộ chiếu của người khai báo tạm vắng; lý do tạm vắng; thời gian tạm vắng; địa chỉ nơi đến.

Cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm cập nhật thông tin khai báo tạm vắng của công dân vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người khai báo về việc đã cập nhật thông tin khai báo tạm vắng khi có yêu cầu.

Câu 2: Bà Đỗ Thu Hà, trú tại phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn hỏi: Người đang chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ có được xuất cảnh không?

Trả lời

Cải tạo không giam giữ là buộc người phạm tội phải tự cải tạo dưới sự giám sát của cơ quan nhà nước hoặc tổ chức xã hội nơi họ làm việc hoặc cư trú qua việc phải thực hiện những nghĩa vụ nhất định.

Tại Điều 100 Luật Thi hành án hình sự 2019 có quy định như sau:

1. Người chấp hành án có thể vắng mặt tại nơi cư trú nếu có lý do chính đáng và phải xin phép theo quy định tại khoản 2 Điều này, phải thực hiện khai báo tạm vắng theo quy định của pháp luật về cư trú. Thời gian vắng mặt tại nơi cư trú mỗi lần không quá 30 ngày và tổng số thời gian vắng mặt tại nơi cư trú không được vượt quá một phần ba thời gian chấp hành án, trừ trường hợp bị bệnh phải điều trị tại cơ sở y tế theo chỉ định của bác sỹ và phải có xác nhận điều trị của cơ sở y tế đó.

2. Người chấp hành án khi vắng mặt tại nơi cư trú phải có đơn xin phép và được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục; trường hợp không đồng ý thì Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Người chấp hành án khi đến nơi cư trú mới phải trình báo với Công an cấp xã nơi mình đến tạm trú, lưu trú; hết thời hạn tạm trú, lưu trú phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi tạm trú, lưu trú. Trường hợp người chấp hành án vi phạm pháp luật, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó đến tạm trú, lưu trú phải thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục kèm theo tài liệu có liên quan.

3. Việc giải quyết trường hợp người chấp hành án thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc trong quân đội thực hiện theo quy định tại Điều 68 của Luật này.

4. Người chấp hành án không được xuất cảnh trong thời gian chấp hành án.

Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì người đang phải chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ thì người đó không được phép xuất cảnh.

Nhắn tin:

- Trong tuần vừa qua, chúng tôi có nhận được đơn của bà Liễu Thị Huyên – Giám đốc Công ty TNHH MTV Tuấn Nam United phản ánh một số vướng mắc trong kinh doanh, vụ việc đã được TAND tỉnh, TAND huyện Cao Lộc thụ lý giải quyết. Nếu không đồng ý với phán quyết của Tòa án, bà có quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

- Đối với nội dung tố cáo hành vi trái pháp luật của một số cán bộ trong khi thực hiện nhiệm vụ, bà đã có đơn gửi đến cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lạng Sơn, đề nghị bà liên hệ trực tiếp để được giải quyết theo quy định của pháp luật./. 

  • Từ khóa