Yêu thương đúng cách, tạo đề kháng cho trẻ

Thứ 5, 12.01.2023 | 14:38:53
1,149 lượt xem

Muốn trẻ em có sức đề kháng chống lại những thông tin xấu độc trên mạng xã hội (MXH) thì cần phải trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng, định hướng, trong đó, trách nhiệm của giáo dục gia đình và nhà trường là quan trọng nhất.

Trang bị kỹ năng an toàn cho trẻ em

Việc trang bị “giáp phòng hộ” cho trẻ em trên MXH là rất cần thiết nhưng thực hiện như thế nào và bằng cách nào lại là vấn đề chưa có lời giải. Chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, bà Trần Thị Phương Lan, Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa-Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho hay, điều cốt yếu của việc bảo vệ trẻ em trên MXH là phải đề cao việc giáo dục gia đình, giáo dục xã hội và tự giáo dục. Bà Lan cho hay: “Ngày xưa, thế hệ chúng tôi lớn lên bằng ca dao, tục ngữ của cha ông và luôn thấm nhuần đạo làm người qua những lời dạy bảo của bố mẹ. Bây giờ, thông tin mở trên MXH, việc dạy con trở nên khó khăn hơn với nhiều gia đình. Nhiều trẻ em giờ tiếp xúc thông tin một cách thụ động và thiếu định hướng trong cuộc sống. Chúng ta phải tạo nên một bầu không khí giáo dục và tạo ra sức đề kháng cho học sinh, không thể buông cho xã hội được. Tôi lo ngại nhất là khi không quản lý được MXH thì chúng ta sẽ cấm. Mà cấm chưa chắc đã mang lại hiệu quả, thậm chí còn phản tác dụng”.

Lo ngại trước tác động tiêu cực của MXH đến trẻ em, bà Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, thời gian qua, nhiều kẻ xấu đã lợi dụng MXH để xâm hại học sinh về mặt tinh thần, làm lệch lạc về mặt nhận thức. Trách nhiệm của cha mẹ là rất lớn ngay từ khi sinh con ra những năm đầu đời, từ giáo dục tuổi nằm nôi cho tới đủ 6 tuổi, giai đoạn từ 7 tuổi trở đi, các em được đi học cấp 1. Những năm này, trách nhiệm của cha mẹ ngoài cho con học chữ phải cho con học kỹ năng ứng xử trong gia đình với ông bà, bố mẹ, anh chị em, họ hàng, xóm giềng... cho tới bên ngoài xã hội, ví như ở cộng đồng tham gia giao thông, học tập trên lớp...

Bài 4: Yêu thương đúng cách, tạo đề kháng cho trẻ (Tiếp theo và hết)
Một tiết mục cổ động của học sinh Trường Phổ thông Năng khiếu Thể dục Thể thao Hà Nội. Ảnh: NGÂN HÀ. 

Là người đã tham gia ứng cứu khẩn cấp nhiều vụ xâm hại trẻ em trên MXH, bà Đinh Thị Như Hoa, Trưởng phòng Kiểm định, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam cho rằng, chúng ta chỉ nên cho trẻ em sử dụng MXH khi trẻ đủ tuổi sử dụng theo khuyến cáo nguyên tắc cộng đồng của các nền tảng MXH. Hãy lưu ý, độ tuổi cho phép sử dụng MXH là 13 tuổi. Đồng thời, phía gia đình cần nhắc nhở các em bảo mật thông tin cá nhân bằng cách như: Không nên tiết lộ thông tin cá nhân qua mạng hoặc qua điện thoại; không truy cập vào các đường link gắn kèm trong nội dung tin nhắn lạ; không thực hiện thao tác trên điện thoại theo các cú pháp được hướng dẫn bởi người lạ; kiểm tra địa chỉ email và các đường dẫn cẩn thận trước khi cung cấp thông tin. “Những kẻ lừa đảo thường tạo cảm giác cấp bách để chúng có thể vượt qua khả năng nhận định của trẻ em. Vì vậy, trẻ em hãy dành thời gian và đặt câu hỏi để tránh bị dồn vào tình huống xấu. Ngoài ra, phía gia đình và nhà trường cần trang bị cho trẻ em các giải pháp bảo vệ an toàn thông tin trên những thiết bị sử dụng như các phần mềm phòng, chống mã độc, virus, các giải pháp chặn lọc thông tin xấu, sản phẩm giám sát và ngăn chặn các thông tin độc hại khi trẻ vô tình truy cập”, bà Đinh Thị Như Hoa đề xuất.

Lấy cái đẹp dẹp cái xấu

Trước biển thông tin hỗn độn trên MXH, trẻ em cần phải sớm được định hướng để chọn lọc tin tức bổ ích và tránh xa thông tin độc hại. Tuy nhiên, vấn đề định hướng trẻ em sử dụng MXH an toàn vẫn là bài toán khó, chưa có hướng dẫn cụ thể và đồng nhất nào từ các cơ quan quản lý nhà nước. Đề cập đến vấn đề này, PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng: "Chúng ta phải định hướng thông tin, truyền thông trên MXH để trẻ em có nhận thức đúng đắn và hành vi phù hợp. Để làm như vậy cần có nhiều giải pháp khác nhau như nâng cao nhận thức sử dụng MXH; tiếp cận thông tin, những thông tin nào nên tiếp cận, thông tin không nên tiếp cận. Chúng ta phải ban hành cơ chế về luật pháp, định hướng thông qua các bộ quy tắc ứng xử trên MXH, nhà trường, gia đình và không gian khác nhau. Từ đó, chúng ta có bộ công cụ, từ luật pháp đến định hướng nhận thức, giúp trẻ em có được những kênh tiếp cận thông tin bổ ích".

Ngoài việc nên có hình thức xử phạt làm gương những trường hợp vi phạm trên MXH, rất cần có một chiến lược truyền thông với nguyên tắc “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, lấy thông tin tích cực lấn át thông tin tiêu cực. Ngoài ra, các đơn vị, đoàn thể cần thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa giúp trẻ em có thêm tương tác ngoài xã hội, hạn chế những tác động tiêu cực trên MXH. “Trong thời gian tới, chúng ta nên có thêm những trang MXH của người Việt Nam, cho người Việt Nam và vì người Việt Nam. Zalo là một ví dụ mà chúng ta có thể tự hào. Tự hào hơn nữa nếu Zalo phát triển hơn, mang nhiều nội dung Việt Nam hơn giúp quảng bá văn hóa-lịch sử, giá trị truyền thống con người Việt Nam để từ đó hình thành nên bản lĩnh cho trẻ em trên MXH. Khi người dùng có bản lĩnh đón nhận thông tin trên MXH thì tức là khi ấy, các em đã tự tạo ra sức đề kháng chống lại những thông tin độc hại”, PGS, TS Bùi Hoài Sơn nhận định.

Bàn về vấn đề định hướng trẻ em trên MXH, PGS, TS Trịnh Hòa Bình, Phó tổng thư ký Hội Xã hội học Việt Nam cho rằng: “Chúng ta cần phải trang bị cho trẻ em sức mạnh, tinh thần nội tại đủ mạnh để chống lại những thông tin độc hại trên MXH. Đây sẽ là một cuộc đấu tranh mang tính chất "kéo co" giữa thông tin tích cực và tiêu cực. Ngay từ phía cơ quan nhà nước, cộng đồng, tất cả những người có trách nhiệm, sản xuất cung ứng, truyền bá, lan truyền thông tin tích cực để tạo ra một sự đối ứng, mạnh hơn cả những thông tin tiêu cực. Điều đó cũng giúp cho giới trẻ trong quá trình kiếm tìm thông tin trên MXH có sự lựa chọn tốt hơn, thái độ tích cực hơn, ứng xử phù hợp hơn”.

Để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của MXH đến việc giáo dục, nuôi dưỡng, phát triển hoàn thiện nhân cách và lối sống tốt đẹp của trẻ em thì không chỉ nhà trường mà còn là trách nhiệm của mỗi gia đình, các tổ chức, cơ quan, đoàn thể, đơn vị, chính quyền địa phương cùng vào cuộc.  Cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho các em về vai trò, tác dụng cũng như những bất cập của việc tham gia và sử dụng các ứng dụng MXH. Trong đó, nhà trường làm tốt công tác giáo dục, hướng dẫn trẻ em hiểu rõ về các trang MXH, thấy được những tiện ích và hạn chế của nó để chủ động tham gia, sử dụng một cách tích cực, hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho sinh hoạt, học tập.

Ông Nguyễn Xuân An Việt, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đề xuất: “Bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao hiểu biết cho trẻ em về các trang mạng thì phải hướng dẫn, tư vấn cho các em những kiến thức, kỹ năng sử dụng MXH. Gia đình, nhà trường và các tổ chức, đoàn thể cần chỉ dẫn cho trẻ em biết cách ứng xử, từ đó tạo khả năng miễn dịch khi tiếp xúc với những thông tin xấu độc; đồng thời giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm xã hội để các em làm chủ và kiểm soát được các hành vi của bản thân”.


Lê Hữu Trưởng/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/bai-4-yeu-thuong-dung-cach-tao-de-khang-cho-tre-tiep-theo-va-het-716415

  • Từ khóa