Giá ca-cao, cà-phê trở lại xu hướng tăng vọt

Thứ 5, 25.04.2024 | 15:51:37
298 lượt xem

Sau 2 phiên giảm, giá ca-cao tăng mạnh gần 5,5%, dẫn dắt xu hướng chung của toàn thị trường hàng hóa. Giá được hỗ trợ bởi triển vọng nguồn cung kém tích cực tại các vùng sản xuất lớn.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)


Bờ Biển Ngà và Ghana đang phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt nguồn cung nặng nề nhất trong lịch sử. Sản lượng ca-cao giảm năm thứ ba liên tiếp khi các khu vực gieo trồng trọng điểm đối diện với tình trạng dịch bệnh do mưa lớn kéo dài. Ủy ban Ca-cao Ghana đang đàm phán với các thương nhân ca-cao lớn để hoãn giao ít nhất 150.000 tấn đến 250.000 tấn ca-cao cho đến mùa vụ sau do thiếu hạt.

Ngoài ra, tính từ đầu vụ 2023-2024 (tháng 10/2023) đến ngày 21/4/2024, lượng ca-cao được vận chuyển đến các cảng tại Bờ Biển Ngà chỉ ở mức 1,33 triệu tấn, giảm mạnh 30% so cùng kỳ vụ trước. Thiếu hụt nguồn cung ra thị trường trong khi nhu cầu vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định đã tạo đà thúc đẩy giá tăng.

Bên cạnh đó, sản lượng nghiền ca-cao quý I ở Bắc Mỹ tăng 9,3% so quý trước và 3,7% so cùng kỳ lên 113.683 tấn.

Trước tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường, Citigroup Inc. dự báo giá ca-cao sẽ tiếp tục tăng lên tới 12.500 USD trong vài tháng tới. Đồng thời Andurand đã dự báo hợp đồng tương lai của ca-cao sẽ phá vỡ mức 20.000 USD trong năm nay.

Giá ca-cao, cà-phê trở lại xu hướng tăng vọt ảnh 1

Thị trường cà-phê hồi phục mạnh sau ngày suy yếu trước đó. Giá Robusta tăng 3,62%, tiếp tục duy trì ở vùng đỉnh 30 năm. Khô nắng kéo dài tại vùng trồng cà-phê chính, đẩy triển vọng nguồn cung cà-phê vụ 24/25 của Việt Nam ngày càng trở nên thu hẹp. Kết hợp cùng lượng cà-phê vụ hiện tại còn thấp, càng khiến nông dân quyết định giữ hàng. Điều này góp phần làm tình trạng thiếu hụt nguồn cung trở nên trầm trọng hơn.

Cùng với đó, hoạt động xuất khẩu cà-phê của Việt Nam đã chững lại, phản ánh tác động từ tình trạng găm cà-phê trước đó của nông dân nước ta. Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải Quan, xuất khẩu cà-phê trong 15 ngày đầu tháng 4 giảm 3,8% so cùng kỳ năm trước, về mức 80.781 tấn.

Ngoài ra, cơ quan nhà nước Uganda cho biết, xuất khẩu cà-phê trong tháng 3 của quốc gia này đã giảm 32% so cùng kỳ năm trước, xuống mức 329.686 bao. Mùa vụ kém khả quan là nguyên nhân chính dẫn đến mức sụt giảm trên.

Hơn thế, sự ảnh hưởng từ các đợt nắng nóng đỉnh điểm tại Brazil vào cuối năm 2023 đang khiến thị trường xuất hiện mối lo năng suất cà-phê Robusta đang thu hoạch thấp hơn những gì đã kỳ vọng trước đó. Jonas Ferrarasso, nhà cà-phê học của Brazil cho biết, sản lượng thu hoạch Robusta có thể thấp hơn một chút so với ước tính của hầu hết các thương nhân. Đồng thời, nhà phân tích Judith Ganes dự đoán lượng cà-phê Robusta của Brazil có thể giảm 5-10%.

Trên thị trường nội địa, giá cà-phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tiếp tục tăng phi mã. Tính đến sáng 24/4, giá thu mua cà-phê trong nước đã tiến sát mốc 130.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 128.500-129.300 đồng/kg. Trước lo ngại nguồn cung toàn cầu nói chung và tại Việt Nam nói riêng, giá cà-phê trong nước hoàn toàn có khả năng hướng đến mức lịch sử mới tại 150.000 đồng/kg.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/gia-ca-cao-ca-phe-tro-lai-xu-huong-tang-vot-post806388.html

  • Từ khóa