Giải pháp giữ vững đà tăng của xuất khẩu

Thứ 2, 05.09.2022 | 08:49:49
752 lượt xem

Vượt qua những khó khăn, trở ngại, nhất là ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, suy giảm thương mại toàn cầu, xuất khẩu (XK) 8 tháng của Việt Nam vẫn giữ được đà tăng trưởng ấn tượng.

Tuy nhiên, rủi ro, thách thức với hoạt động XK còn lớn, bởi triển vọng kinh tế thế giới sẽ tiếp tục chịu chi phối bởi xung đột địa chính trị; tác động tiêu cực từ giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào vẫn ở mức cao, thiếu hụt lao động cục bộ... Điều này đòi hỏi các giải pháp tháo gỡ khó khăn của cơ quan quản lý, cũng như sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp.

Xuất siêu gần 4 tỷ USD

Dấu hiệu phục hồi của kinh tế Việt Nam ngày càng rõ nét khi XK 8 tháng tiếp tục tăng cao, số mặt hàng XK tỷ USD giữ vững đà tăng trưởng giúp cán cân thương mại duy trì xuất siêu. Trong tháng 8, kim ngạch XK ước đạt 33,38 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng trước và tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2022, kim ngạch XK hàng hóa sơ bộ đạt 250,8 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.

Bức tranh XK 8 tháng cũng cho thấy, XK của khu vực kinh tế trong nước tăng mạnh (ước đạt 66,14 tỷ USD, chiếm 26,4% tổng kim ngạch XK và tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước), đạt mức tăng cao hơn so với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (đạt 184,66 tỷ USD, tăng 17%, chiếm 73,6%). Điều này cho thấy, sự nỗ lực vượt bậc của các doanh nghiệp trong nước trong việc khôi phục sản xuất, kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn phức tạp. 

Giải pháp giữ vững đà tăng của xuất khẩu
Hoạt động sản xuất tại Tổng công ty May 10, Hà Nội. Ảnh: NAM QUANG 

Đáng chú ý, việc tham gia sâu rộng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng, tiếp cận thị trường toàn cầu, kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, gia tăng giá trị XK. Báo cáo của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng vừa qua, với kim ngạch ước đạt 77,7 tỷ USD, chiếm 31% tổng kim ngạch XK của cả nước và tăng 25,6% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 34,3 tỷ USD, tăng 2,7%.

Ngoài ra, thị trường Liên minh châu Âu (EU) đạt 31,9 tỷ USD, tăng 23,6%; thị trường ASEAN đạt 23,4 tỷ USD, tăng 27%; Hàn Quốc đạt 16,4 tỷ USD, tăng 15,9%; Nhật Bản đạt 15,5 tỷ USD, tăng 16,6%. Với kết quả này, cán cân thương mại hàng hóa tháng 8 xuất siêu 2,42 tỷ USD. Tính chung 8 tháng, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 3,96 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,52 tỷ USD).

Chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương nhận định, xuất nhập khẩu đã trở thành động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế. Đặc biệt, cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu của chúng ta hiện nay có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Trước đây, Việt Nam XK chủ yếu là nông, lâm, thủy sản, nguyên liệu thô thì hiện nay, Việt Nam XK chủ yếu nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo với tỷ lệ gần 90% cơ cấu hàng XK. Việt Nam cũng đã trở thành một trong những nước XK hàng đầu thế giới với nhiều sản phẩm như gạo, cà phê, dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ... Tuy nhiên, ông Lê Quốc Phương cũng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những mặt được, mặt chưa được là XK của chúng ta chưa bền vững. Cơ cấu nhóm hàng XK chuyển dịch mạnh mẽ, song chủ yếu là hàng công nghiệp chế biến, chế tạo, gia công lắp ráp. Điều này cho thấy, hiện chúng ta vẫn phụ thuộc rất lớn vào các doanh nghiệp FDI.

Doanh nghiệp với hàng loạt nỗi lo

Dự báo của các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp cũng cho thấy, thời gian tới, rủi ro, thách thức với hoạt động XK còn rất lớn. Những thách thức này đến từ xu hướng lạm phát tăng cao tại các thị trường XK quan trọng của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU... khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, ảnh hưởng tới đơn hàng XK; diễn biến phức tạp của xung đột Nga-Ukraine khiến giá nguyên, phụ liệu liên tục tăng cao bào mòn lợi nhuận, sức chống chịu của doanh nghiệp. Ở trong nước, khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải tới từ tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ, giá cước vận tải ở mức cao tạo thêm khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu... 

Đề cập đến những khó khăn cụ thể, ông Vương Đức Anh, Chánh văn phòng Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam chia sẻ nỗi lo giảm đơn hàng XK sang Mỹ. “Tỷ lệ lạm phát tăng cao, nền kinh tế Mỹ dự kiến tăng trưởng chậm trong quý III và quý IV-2022 dẫn đến nhu cầu mua sắm thời trang giảm. Dự báo đơn hàng hai quý tới có thể giảm do tỷ lệ hàng tồn kho của thị trường Mỹ cao", ông Vương Đức Anh nhận định.

Còn ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) nhấn mạnh rằng, ngành thủy sản đang đối mặt với nhiều khó khăn trong cả khai thác và nuôi trồng thủy hải sản. Giá xăng dầu tăng tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp, đối với doanh nghiệp thủy sản, tình trạng các tàu dừng đi biển đã xuất hiện. Trong khi đó, nuôi trồng thủy sản cũng giảm sản lượng, do giá vật tư đầu vào tăng mạnh khiến người nuôi không đẩy mạnh đầu tư, nguy cơ thiếu nguyên liệu cho chế biến thủy sản đang hiện hữu. Đồng thời, chi phí logistics tăng cao đang ảnh hưởng xấu đến hoạt động chế biến thủy sản, nhất là cho XK.

Ngành XK chủ lực khác của Việt Nam là da giày cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Theo Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giầy và Túi xách Việt Nam Phan Thị Thanh Xuân, hiện nay, tổng lượng tồn kho đối với mặt hàng thời trang nói chung và mặt hàng giày dép nói riêng còn rất lớn; nguồn cung nguyên phụ liệu bị hạn chế, gián đoạn và thiếu nguồn lao động... Bà Phan Thị Thanh Xuân cũng cho rằng, trong hoạt động sản xuất và thương mại, việc kết nối thông tin là vô cùng quan trọng. Theo đó, doanh nghiệp mong muốn tiếp nhận nhanh nhất, chính xác nhất về thông tin thị trường, các quy định, chính sách mới của các nước để điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, tận dụng tốt nhất các cơ hội để phát triển thị trường, thúc đẩy XK.

Kết nối thông tin, linh hoạt điều chỉnh chiến lược kinh doanh

Liên quan tới giải pháp kéo giảm chi phí logistics, Tổng thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam Nguyễn Duy Minh kiến nghị, các bộ, ngành liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính cần làm việc với các hãng tàu để bình ổn giá cước và phụ phí vận tải quốc tế. Giải pháp dài hạn chính là quy hoạch ngành hàng, chuỗi giá trị và quy hoạch vùng. Cùng với đó, hỗ trợ chuyển đổi số mạnh cho ngành dịch vụ logistics cũng sẽ giúp cắt giảm chi phí.

Đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp để triển khai và tận dụng hiệu quả các giải pháp xúc tiến thương mại, hướng tới XK bền vững, ông Lê Quốc Phương cho rằng, doanh nghiệp cần nâng cao tính chủ động trong tìm hiểu thông tin, cơ chế chính sách, nghiên cứu thị trường, thẩm định đối tác hoặc phối hợp với các tổ chức xúc tiến thương mại để xây dựng kế hoạch và tham gia triển khai.

Giải pháp giữ vững đà tăng của xuất khẩu
Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Daikin Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long II, Hưng Yên). Ảnh: VŨ DUNG 

Đề cập đến giải pháp thúc đẩy XK trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, hiện nay, thương mại toàn cầu (gồm cả đa phương và song phương) đang diễn biến phức tạp, đòi hỏi sự kết nối, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp và người sản xuất. Bộ Công Thương xác định trong những tháng cuối năm sẽ tập trung đẩy mạnh XK, thúc đẩy phát triển sản xuất thông qua hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến XK, tận dụng cam kết trong các hiệp định thương mại tự do đã ký kết; thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới; khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo để tạo ra các sản phẩm mới... Song, ở góc độ các doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ những quy định, chính sách của Nhà nước, hướng dẫn của các bộ, ngành trong tổ chức sản xuất, kinh doanh và hoạt động xuất nhập khẩu, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, quy trình quy định, yêu cầu điều kiện của các thị trường ngoài nước.


Vũ Dung/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/giai-phap-giu-vung-da-tang-cua-xuat-khau-704469

  • Từ khóa