Một năm sau những mất mát vì đại dịch Covid-19: Gieo mầm nhân ái

Chủ nhật, 21.08.2022 | 09:12:42
579 lượt xem

Vào thời điểm này cách đây đúng một năm, cả nhân loại, trong đó có người dân Việt Nam đang phải hứng chịu những tai họa khủng khiếp do đại dịch Covid-19 gây ra. Theo số liệu thống kê, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 43.103 người qua đời vì đại dịch Covid-19 (trên tổng số 11,4 triệu người nhiễm bệnh); riêng tháng 8/2021 là tháng có số người chết vì dịch bệnh cao nhất. Năm nay, những ngày tháng 8 này trở thành ngày giỗ đầu nhiều nạn nhân đại dịch, trong đó đông nhất là tại các địa phương

                              Tòa nhà FPT Smart Nano tromg khu FPT City Đà Nẵng, nơi học sinh trường Hy Vọng được bố trí ăn, ở. (Ảnh: VÂN ANH)
                                      Tòa nhà FPT Smart Nano tromg khu FPT City Đà Nẵng, nơi học sinh trường Hy Vọng được bố trí ăn, ở. (Ảnh: VÂN ANH)


Ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An... những ngày này đang diễn ra lễ cầu siêu và các hoạt động tưởng nhớ nạn nhân đại dịch Covid-19. Bên cạnh việc tưởng nhớ người đã mất, các hoạt động chăm lo cho những trẻ mồ côi sau đại dịch cũng được đặc biệt quan tâm. Tính đến tháng 4/2022, đại dịch Covid-19 đã khiến 4.461 em nhỏ mồ côi, trong đó số trẻ mất cả cha và mẹ là 193; số trẻ mất cha hoặc mẹ là 4.268 em. Chăm lo cho tương lai các em là trách nhiệm và cũng là mệnh lệnh trái tim của toàn xã hội. Và từ đây đã xuất hiện những tổ chức, cá nhân "gieo mầm nhân ái".

Từ tháng 10/2021, trong những ngày đại dịch Covid-19 đang diễn biến căng thẳng, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phát động phong trào "Mẹ đỡ đầu" để kết nối, chăm sóc và hỗ trợ trẻ mồ côi. Sau 10 tháng phát động, đã có gần 11 nghìn trẻ mồ côi, trong đó hơn 2 nghìn trẻ mồ côi vì Covid-19 nhận được hỗ trợ hoặc cam kết hỗ trợ của các bà mẹ trên cả nước. Thật xúc động khi biết nhiều bà mẹ không hẳn là những người dư dả về kinh tế. Họ là người đã về hưu, công nhân, tiểu thương... nhưng đều đã mở lòng yêu thương các bé "như con đẻ của mình". Tùy điều kiện, có những người mẹ trực tiếp đỡ đầu, có những người mẹ hỗ trợ gián tiếp, giúp các em tìm thấy chỗ dựa và niềm tin bước tiếp hành trình cuộc đời.

Khi đã có mái ấm gia đình, các em cần một môi trường sống, học tập, vui chơi, rèn luyện, trang bị kỹ năng, kiến thức để khi lớn lên có thể tự nuôi sống bản thân và đóng góp cho xã hội. Cách đây không lâu, chúng tôi tới thăm Trường Hope School - Trường nội trú Hy Vọng dành cho trẻ mồ côi vì Covid-19, tọa lạc trong khu đô thị FPT, thành phố Ðà Nẵng. Giữa sân trường vang lên tiếng đàn piano cùng dàn đồng ca nhí. Những gương mặt sáng, tươi vui, lạc quan và tràn đầy sức sống. Chúng tôi đã cùng trò chuyện, hát, đọc thơ với học sinh. Không hề có bất cứ biểu hiện nào của những đứa trẻ cách đây không lâu đã mất gia đình, phải trông chờ vào sự cưu mang của người khác.

Ðiều đáng nói, một trong các mục tiêu của dự án Trường nội trú Hy Vọng là cố gắng để các học sinh không thấy đây là trường của trẻ mồ côi. Thông qua các hoạt động, nhà trường muốn mang lại cho các em một cuộc sống bình thường và bình đẳng như bao trẻ em khác, không để các em nghĩ mình là đối tượng được xã hội ưu tiên, cần được cảm thông. Ðây là nơi các em được yêu thương và cũng phải dành tình thương lại cho mọi người; nơi các em được làm tất cả để phát triển bản thân và có trách nhiệm với cuộc sống.

Bắt đầu đón học sinh từ tháng 2/2022, đến tháng 8/2022, Trường nội trú Hy Vọng nhận thêm 200 học sinh là trẻ mồ côi vì đại dịch Covid-19, đưa tổng số học sinh lên khoảng 250 em. Các thầy đang tất bật làm thủ tục cho các em bước vào năm học mới.

Những "mầm nhân ái" được gieo trong môi trường như thế, chắc chắn sẽ mạnh mẽ, vững vàng trưởng thành.

Trên đây chỉ là những dẫn chứng chưa đầy đủ về những người gieo mầm nhân ái, đang làm những công việc thầm lặng và cao cả ở khắp nơi trên đất nước chúng ta, để những mầm nhân ái nở thành cây hy vọng. Ánh sáng mặt trời tuy rực rỡ và mạnh mẽ, cũng chỉ chiếu sáng được một nửa hành tinh. Nhưng có một ánh sáng kỳ diệu soi rọi tới mọi ngóc ngách thế gian, bao gồm cả những góc tối tăm nhất, thương tâm nhất, đó là ánh sáng từ tâm, ánh sáng của lòng trắc ẩn và tình yêu thương con người. Tháng 8 năm nay, đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát, cuộc sống đã trở lại trạng thái "bình thường mới", tưởng nhớ những người đã khuất cũng là việc chúng ta cùng nhau đóng góp những điều có thể để những nạn nhân của đại dịch vượt lên đau thương, mất mát bằng những hạt mầm nhân ái.


La Phù/nhandan.vn

https://nhandan.vn/mot-nam-sau-nhung-mat-mat-vi-dai-dich-covid-19-gieo-mam-nhan-ai-post711427.html


  • Từ khóa