Đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử

Thứ 4, 25.05.2022 | 15:10:03
650 lượt xem

Triển khai thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường điện tử là một trong những nội dung quan trọng, liên quan trực tiếp đến 2 chỉ số thành phần của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đó là: chi phí thời gian; chi phí không chính thức. Chính vì vậy, thời gian qua, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền các cấp… đẩy mạnh giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, góp phần nâng cao chỉ số PCI.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thu, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho biết: Trong những năm qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch nhằm đẩy mạnh cải cách TTHC để phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Một trong số đó là UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai, thực hiện các nội dung theo Nghị định số 45 ngày 8/4/2020 của Chính phủ về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử. Theo đó, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, các cấp có thẩm quyền quản lý Nhà nước đã triển khai thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử theo đúng quy trình, quy định, bảo đảm việc phân công khoa học, các nội dung phản hồi cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chính xác và đúng thời hạn.

Công chức bộ phận “một cửa” Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận hồ sơ TTHC của người dân.  Ảnh: HOÀNG HIẾU

Điển hình như năm 2021, các đơn vị thực hiện lựa chọn TTHC để tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả theo cơ chế “4 tại chỗ” tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đạt 32,49%, vượt 14,49% so với yêu cầu tối thiểu 20% của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, năm 2021, số hồ sơ TTHC được xử lý trực tuyến chiếm đến 58% trong tổng số hồ sơ tiếp nhận (73.107/110.851 hồ sơ). Việc đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử đã giúp người dân, doanh nghiệp, tổ chức liên quan có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau, qua đó tiết kiệm chi phí và thời gian, tăng tính công khai, minh bạch của TTHC.

Ông Nguyễn Đình Đại, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Trong năm 2021, Sở Công Thương tiếp nhận 10.272 hồ sơ TTHC, trong đó, số hồ sơ xử lý trực tuyến là 10.098 hồ sơ. Để có kết quả đó, thời gian qua, sở đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để cung cấp thông tin, tương tác trực tuyến với doanh nghiệp và người dân. Toàn bộ thông tin hồ sơ TTHC luôn được nhập đầy đủ trên phần mềm một cửa điện tử để xây dựng cơ sở dữ liệu khách hàng, sẵn sàng cung cấp thông tin, giới thiệu dịch vụ công và lấy ý kiến khi cần thiết.

Không chỉ Sở Công Thương, việc triển khai thực hiện TTHC trên môi trường điện tử của các cơ quan quản lý Nhà nước, các cấp có thẩm quyền trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã được chú trọng, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Bà Vy Thị Tuyến, Giám đốc Công ty Cổ phần Non Nước (kinh doanh lĩnh vực vận tải xe buýt) chia sẻ: Thời gian qua, doanh nghiệp thực hiện nhiều thủ tục liên quan đến lĩnh vực vận tải. Doanh nghiệp đã lựa chọn thực hiện TTHC trực tuyến, qua đó giúp doanh nghiệp giảm thời gian đi lại, giảm chi phí phát sinh.

Những kết quả trong triển khai thực hiện TTHC trên môi trường điện tử đã góp phần nâng điểm một số chỉ số thành phần PCI cấp tỉnh năm 2021. Cụ thể như chỉ số chi phí thời gian, năm 2020 đạt 7,17 điểm thì năm 2021 đạt 7,82 điểm; chi phí không chính thức năm 2020 đạt 5,98 điểm thì năm 2021 đạt 7,55 điểm. Điều này góp phần nâng hạng chỉ số PCI năm 2021 của tỉnh lên vị trí thứ 36/63 tỉnh, thành.

Để việc triển khai TTHC trên môi trường điện tử đạt hiệu quả cao hơn, góp phần nâng hạng chỉ số PCI của tỉnh, thời gian tới, các cơ quản lý Nhà nước, các cấp có thẩm quyền tiếp tục tập trung triển khai nâng cấp hạ tầng, nền tảng dùng chung; thường xuyên rà soát hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, kịp thời nâng cấp, trang bị mới các thiết bị cần thiết để duy trì việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nhất là đối với các đơn vị cấp xã; triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung cấp tỉnh để kết nối, chia sẻ thông tin giữa các hệ thống, sẵn sàng cho việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Song song với đó, các cấp, ngành tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp. Cùng đó, xây dựng kênh tương tác cho phép người dân và doanh nghiệp đánh giá chất lượng thực hiện TTHC, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ, giải quyết TTHC.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tính hết năm 2021, Cổng dịch vụ công và Hệ thống Một cửa điện tử của tỉnh (gọi tắt là Cổng dịch vụ công trực tuyến -DVCTT của tỉnh) được triển khai đồng bộ, thống nhất đến 228 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh (17 cơ quan cấp tỉnh, 11 huyện, thành phố và 200 xã, phường, thị trấn). Tính đến thời điểm 31/12/2021, Cổng DVCTT của tỉnh đã triển khai cung cấp 1.762 DVCTT, trong đó có 441 DVCTT mức độ 2; 326 DVCTT mức độ 3; 995 DVCTT mức độ 4. Tích hợp, đồng bộ dữ liệu với 1.698 TTHC, cung cấp công khai 457 DVCTT mức độ 3 và mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia phục vụ nhu cầu giải quyết TTHC của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.


TRÍ DŨNG/baolangson.vn

https://baolangson.vn/kinh-te/501825-day-manh-thuc-hien-thu-tuc-hanh-chinh-tren-moi-truong-dien-tu.html

  • Từ khóa