Còn dư địa giảm lãi suất cho vay

Thứ 6, 01.09.2023 | 09:45:00
147 lượt xem

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, những ngày cuối tháng 8 này, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước đồng loạt thông báo hạ lãi suất huy động, xuống mức thấp nhất hệ thống, tạo động lực cho các ngân hàng thương mại cổ phần tiếp tục trên đà giảm lãi suất.

Khách hàng giao dịch tại chi nhánh Ngân hàng Agribank.

Việc giảm lãi suất huy động nhằm giúp ngân hàng có cơ sở điều chỉnh giảm thêm lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế. Từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh liên tục giảm các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 0,5-2%/năm hỗ trợ các tổ chức tín dụng giảm chi phí đầu vào có điều kiện thuận lợi tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Tiếp đà giảm mạnh lãi suất huy động

Theo công bố của các ngân hàng, từ ngày 23/8, ba ngân hàng Vietcombank, VietinBank và BIDV đồng loạt giảm lãi suất huy động cao nhất xuống còn 5,8%/năm, thay vì mức 6,3%/năm như trước đó. Đây là mức lãi suất áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên tại các ngân hàng này. Lãi suất kỳ hạn 1 và 3 tháng cũng giảm 0,3%/năm xuống mức 3%/năm và 3,8%/năm; kỳ hạn 6 tháng còn 4,7%/năm. Ngân hàng Agribank cũng điều chỉnh lãi suất các kỳ hạn giảm từ 0,3-0,5%/năm, với mức cao nhất 5,8%/năm chỉ áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 13 tháng trở lên tại Agribank chỉ còn 5,5%/năm. Kỳ hạn 1 tháng, 3 tháng và 6 tháng tương tự 3 ngân hàng kể trên.

Động thái của “Big Four” (4 ngân hàng lớn) đã có hiệu quả tức thì. Ngay sau đó một ngày, hàng loạt ngân hàng thương mại cổ phần cũng công bố giảm lãi suất huy động. Đáng chú ý có những ngân hàng vốn duy trì lãi suất trên 7%/năm ở một vài kỳ hạn như ABBank, PVCombank cũng đồng loạt đưa lãi suất về dưới 7% ở tất cả các kỳ hạn. Một số ngân hàng như Eximbank, VIB, MB, ACB,… cũng giảm sâu lãi suất huy động. So với mức đỉnh từ 9-10%/năm hồi đầu năm, lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại đã giảm sâu sau 4 đợt điều chỉnh lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước.

Đại diện lãnh đạo Agribank cho biết, với đợt giảm lãi suất huy động này, lãi suất huy động của Agribank đã giảm từ 1,9 đến 4,5% các kỳ hạn kể từ đầu năm. “Động thái này của ngân hàng nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về việc yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới”, lãnh đạo Agribank nêu rõ.

Việc giảm lãi suất huy động sẽ giúp các ngân hàng có cơ sở điều chỉnh giảm thêm lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế. Trong báo cáo mới đây, các chuyên viên phân tích Công ty chứng khoán VNDirect kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ giảm mạnh trong các quý tiếp theo, nhờ chi phí vốn của các ngân hàng đang giảm nhanh. “Chúng tôi dự báo lãi suất cho vay có thể giảm thêm 100-150 điểm cơ bản trong những quý tới và đây sẽ là động lực chính cho sự phục hồi trong tiêu dùng tư nhân và đầu tư”, VNDirect nhận định.

Tạo dư địa giảm thêm lãi vay

Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, số lượng doanh nghiệp vay vốn ngân hàng kể từ đầu năm 2023 tới nay đã giảm hơn 1.000 đơn vị. Có những doanh nghiệp hoạt động nhờ 90-100% vốn vay ngân hàng và tỷ lệ vay vốn cao như vậy trong điều kiện hiện nay, rõ ràng là rất khó khăn.

Chia sẻ thêm về những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải hiện nay, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10, Thân Đức Việt cho hay, trong 30 năm trở lại đây, 2023 là năm bất thường nhất. “Thời điểm hiện nay, chúng tôi xuất khẩu hàng may mặc đi 66 quốc gia, trong đó có 3 thị trường chính là Mỹ, EU và Nhật Bản. Ngay cả những khách hàng là các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới cũng không có câu trả lời khi nào thị trường hồi phục. Họ chỉ nói khi nào tồn kho giảm thì mới hồi phục, trong khi lượng tồn kho hiện nay đang rất lớn”, ông Thân Đức Việt băn khoăn.

Trong khi đó, tại thị trường trong nước, dù đang là mùa tựu trường, chuẩn bị bước vào năm học mới và ngay sau đó là dịp mua sắm cuối năm, nhưng theo nhận định của ông Việt thì “tình hình có vẻ cũng không mấy khả quan. Chúng tôi không biết chờ đợi kiểu gì. Không biết có trụ nổi để nuôi 12 nghìn công nhân lao động với chi phí lương khoảng 70 tỷ đồng/tháng hay không”. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp dệt may nói chung cần nhất là nguồn vốn ngắn hạn để chi trả chi phí nguyên vật liệu, tiền lương cho người lao động và chi phí vận hành doanh nghiệp.

Nhu cầu vốn ngắn hạn chiếm hơn 80% tổng nhu cầu vốn của các doanh nghiệp trong ngành. “Công ty chúng tôi không gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, sáu tháng đầu năm nay, lãi suất các khoản vay ngân hàng tăng so với cùng kỳ năm 2022”, đại diện May 10 bày tỏ.

Thực tế cũng cho thấy, lãi suất cho vay trên thị trường hiện nay đang dần đi xuống so với đầu năm, nhưng vẫn bị đánh giá ở mức cao. Theo nhận định của Công ty Chứng khoán SSI, tốc độ giảm của lãi suất cho vay đã nhanh hơn trong tháng 7, song vẫn xuất hiện sự phân hóa khá rõ rệt. Cụ thể, với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có chất lượng tín dụng tốt, lãi suất cho vay đã giảm về khoảng 8-10%. Trong khi đó, các doanh nghiệp có chất lượng tín dụng kém hơn, vẫn phải đi vay với mức lãi suất 12-15%.

Đó cũng là lý do chính khiến Thủ tướng Chính phủ vừa qua đã quyết liệt yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh điều kiện cho vay thuận lợi hơn, tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay. Đến ngày 15/8, Ngân hàng Nhà nước ra văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5-2%/năm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Còn dư địa giảm lãi suất cho vay ảnh 1

Khách hàng giao dịch tại Livebank của Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank). (Ảnh: MINH HÀ)

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, thanh khoản trong các ngân hàng hiện nay đang rất dồi dào. Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục sử dụng các công cụ hỗ trợ lãi suất để hỗ trợ vốn cho ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cũng cắt giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, để hỗ trợ doanh nghiệp, Trưởng Khoa Kinh tế học (Trường đại học Kinh tế Quốc dân-NEU) Phạm Thế Anh khuyến nghị, Nhà nước cần khuyến khích đầu tư tư nhân thông qua việc tiếp tục hạ lãi suất cho vay như giảm chi phí vốn, tăng khả năng tiếp cận vốn trên thị trường chứng khoán, kích thích được tiêu dùng nhờ sự hồi phục của thị trường tài sản, sử dụng tín dụng thuế đầu tư ngắn hạn…

“Tuy nhiên, cần kiểm soát tăng trưởng cung tiền quanh 10% và tránh nôn nóng hạ lãi suất chính sách dồn dập; nên ưu tiên sử dụng các biện pháp tài khóa”, ông Thế Anh lưu ý thêm.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/con-du-dia-giam-lai-suat-cho-vay-post770378.html

  • Từ khóa