Duy trì, nâng hạng sản phẩm OCOP: Phát huy vai trò của chủ thể

Thứ 2, 04.09.2023 | 08:59:48
409 lượt xem

Sau gần 4 năm triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trên địa bàn tỉnh đã phát triển được nhiều sản phẩm OCOP góp phần nâng cao giá trị nông sản. Để tiếp tục duy trì và nâng hạng các sản phẩm này, các chủ thể đã không ngừng chủ động thực hiện nhiều giải pháp.

Nhân viên cơ sở chế biến dầu lạc Linh Khôi dán nhãn cho sản phẩm dầu lạc (đạt OCOP 3 sao)

Thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình OCOP giai đoạn 2018 – 2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1533/QĐ-UBND ngày 13/8/2019 về việc phê duyệt Đề án “Chương trình OCOP tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến năm 2030″. Việc triển khai thực hiện chương trình OCOP là giải pháp để thúc đẩy kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm. Trọng tâm của chương trình là phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ nổi bật ở mỗi xã, từ đó giúp đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn. Xác định rõ mục đích, ý nghĩa của chương trình như vậy nên các cấp, ngành, chủ thể sản phẩm đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để xây dựng các sản phẩm OCOP.

Nhờ đó, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều sản phẩm được tiêu chuẩn hóa, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Cụ thể, đến ngày 24/8/2023 số lượng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh là 94 sản phẩm (10 sản phẩm giấy chứng nhận hết hiệu lực 36 tháng). Đối với các sản phẩm này, các chủ thể đã chủ động hoàn thiện hồ sơ để đăng ký với cơ quan chuyên môn nhằm đánh giá lại các tiêu chí và cấp giấy chứng nhận OCOP.

Cùng với việc xây dựng sản phẩm OCOP, các chủ thể còn chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp để duy trì, nâng hạng các sản phẩm OCOP đã được đánh giá. Từ đó, tiếp tục xây dựng thương hiệu sản phẩm ngày một mạnh hơn, sức cạnh tranh ngoài thị trường lớn hơn như: tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô bằng cách đầu tư trang thiết bị máy móc, cải thiện mẫu bao bì, học tập kinh nghiệm ở một số nơi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ…

Bà Bế Thị Lan Anh, chủ cơ sở sản xuất bún khô Thuận Anh (huyện Đình Lập) cho biết: Năm 2019, được sự quan tâm tạo điều kiện của UBND huyện, tôi đã đưa sản phẩm bún ngô mang thương hiệu Thuận Anh tham gia xây dựng sản phẩm OCOP và đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. Nhận thấy tầm quan trọng của sản phẩm khi được “gắn sao”, sau khi được cấp chứng nhận, cơ sở đã chú trọng mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm, cải tiến bao bì, máy móc, thiết bị để tăng năng suất cũng như chất lượng sản phẩm. Đến nay, cơ sở có 10 máy móc phục vụ sản xuất bún ngô, sản lượng trung bình 4 – 5 tấn/tháng và được tiêu thụ trong hệ thống siêu thị và các tỉnh khác, doanh thu đạt 120 – 150 triệu/tháng.

Bên cạnh việc duy trì, các chủ thể sản xuất sản phẩm còn quan tâm nâng sao OCOP cho sản phẩm mình. Điển hình là cơ sở sản xuất rượu men lá Mỏ Heo (huyện Hữu Lũng) đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2019. Ông Vũ Huy Tùng, chủ cơ sở sản xuất rượu Mỏ Heo cho biết: Nhận thấy việc nâng sao OCOP sẽ có sức cạnh tranh lớn hơn nên thời gian qua, cơ sở không chỉ chú trọng việc duy trì sao mà còn tìm hiểu, thực hiện các giải pháp để nâng sao như: cải thiện, thay thế mẫu bao bì sản phẩm đảm bảo tiêu chí thân thiện với môi trường và bắt mắt hơn; bố trí, mở rộng khu vực sản xuất đảm bảo yêu cầu; nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm từ quy trình sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn HACCP (hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát trọng yếu trong quy trình chế biến thực phẩm)… Đến cuối năm 2020, qua đánh giá và phân hạng lại, sản phẩm của cơ sở đã đạt 4 sao cấp tỉnh.
Nhờ sự chủ động nỗ lực của các chủ thể, hiện nay toàn tỉnh có 92 sản phẩm OCOP, trong đó, có 2 sản phẩm được nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao gồm: na Chi Lăng của Hợp tác xã dịch vụ và sản xuất nông nghiệp Đồng Bành, thị trấn Chi Lăng và sản phẩm rượu men lá Mỏ Heo của cơ sở sản xuất rượu Mỏ Heo huyện Hữu Lũng. Hiện tất cả những sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP đều duy trì được các điều kiện như về mẫu mã, chất lượng sản phẩm cũng như các tiêu chí đặt ra ban đầu. Các sản phẩm hầu hết đều tăng sản lượng tiêu thụ và được khách hàng đánh giá cao. Đặc biệt, một số sản phẩm đã kết nối, trưng bày tại các siêu thị, trung tâm thương mại và xuất khẩu ra nước ngoài như: bột thạch đen, chè Ô Long, chè Bát Tiên, tinh dầu hồi…

Ông Lý Việt Hưng, Giám đốc Sở NN&PTTN cho biết: Thời gian qua, việc duy trì và nâng hạng OCOP đã được các chủ thể chú trọng và chủ động thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh. Cùng với sự chủ động của các chủ thể, thời gian tới, các cấp, ngành liên quan sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho thực hiện chương trình OCOP; triển khai có hiệu quả các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP… Từ đó, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho các chủ thể, góp phần thực hiện mục tiêu chương tình OCOP theo đúng kế hoạch đã đề ra.

Có thể khẳng định rằng, việc duy trì, nâng hạng sao OCOP đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển sản xuất. Sao OCOP là đại lượng đo chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, góp phần khẳng định thương hiệu, đưa sản phẩm ngày càng phát triển, vươn ra thị trường và mang lại niềm tin cho người tiêu dùng.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/kinh-te/608178-duy-tri-nang-hang-san-pham-ocop-phat-huy-vai-tro-cua-chu-the.html

  • Từ khóa