Đào tạo học sinh giỏi mất dần sức hút

Thứ 6, 19.05.2023 | 08:49:50
705 lượt xem

Dù số lượng học sinh giỏi cấp thành phố, quốc gia khối trung học mỗi năm một tăng nhưng việc bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ này đang mất dần sức hút

Không chỉ dừng lại ở khó khăn về kinh phí, đội ngũ giáo viên (GV), việc bồi dưỡng, đào tạo học sinh giỏi (HSG) như hiện nay mất nhiều thời gian, công sức nhưng hầu như lại không được ưu tiên trong các kỳ tuyển sinh khiến HS thiệt thòi và buông dần.

Giỏi không được ưu tiên

Dù con đam mê môn lịch sử nhưng chị Thanh Uyên - phụ huynh tại TP Thủ Đức, TP HCM - cho hay chị không muốn cho con vào đội tuyển thi HSG môn học này. "Năm sau, con thi vào lớp 10. Vào đội tuyển sẽ không có thời gian ôn luyện các môn thi lớp 10, trong khi theo quy chế thi, những HS đạt HSG không được ưu tiên gì" - chị Uyên nói.

Phụ huynh không muốn cho con vào đội tuyển thi HSG là chuyện có thật, xảy ra ở nhiều địa phương tại TP HCM. Theo lý giải của hiệu trưởng một trường THCS, những em thi HSG là những em thật sự đam mê môn học đó, vì đam mê nên để được vào đội tuyển dự thi HSG cấp thành phố, các em phải trải qua nhiều cuộc sàng lọc như thi cấp trường, cấp quận. Để tiếp tục được học chuyên sâu, các em chỉ có thể chọn thi vào lớp 10 chuyên. Thế nhưng, quy chế thi tuyển sinh lớp 10 hiện nay không có chế độ ưu tiên nào cho các em đạt HSG này.

Đào tạo học sinh giỏi mất dần sức hút - Ảnh 1.

Thí sinh dự một kỳ thi học sinh giỏi tại TP HCM

Điều này khiến các phụ huynh ngại ngần, bởi nếu thi HSG, nhiều em chỉ tập trung cho môn thi mà học lệch, ảnh hưởng đến các môn khác, nhất là những môn trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10.

Tại quận Tân Bình, một trong những quận luôn duy trì tốp đầu ở TP HCM trong công tác đào tạo, bồi dưỡng HSG nhưng theo ông Phan Văn Quang, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quận, địa phương này cũng gặp những khó khăn. "Phụ huynh và HS còn tâm lý lo sợ thời gian học bồi dưỡng kéo dài sẽ ảnh hưởng việc học các môn thi tuyển sinh lớp 10, do vậy kết quả một số môn chưa cao như lịch sử, vật lý.

Ngoài ra còn khó khăn ở đội ngũ giảng dạy, đa số GV tham gia bồi dưỡng HSG là những GV cốt cán, tổ trưởng, nhóm trưởng chuyên môn, kiêm nhiệm nhiều công tác tại trường nên ảnh hưởng đến thời gian dạy bồi dưỡng HSG" - ông Quang thông tin.

Quy chế đào tạo cần thay đổi

Nhiệm vụ phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ HSG không chỉ là nhiệm vụ của mỗi nhà trường mà còn là phương thức để tạo nên "màu cờ sắc áo" của từng đơn vị. Thế nhưng, theo lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục, công tác này cần thay đổi nhiều. Ông Nguyễn Công Phúc Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), cho rằng việc bồi dưỡng HSG hiện nay nên đi đúng vào thực chất là HS phải yêu thích bộ môn đó và GV phải truyền đam mê môn học cho HS. Muốn vậy, với thực tế hiện nay, đề thi HSG của thành phố cũng nên đi vào hướng phát hiện năng khiếu của HS, cũng như năng lực vận dụng cho HS, tránh đi quá sâu vào kiến thức hàn lâm để còn nguồn cho hệ THPT.

Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng cần thay đổi quy định cộng điểm ưu tiên trong quy chế thi tuyển sinh lớp 10 để khuyến khích, động viên những em tham gia bồi dưỡng HSG. Theo lý giải của một cán bộ Sở GD-ĐT TP HCM, quy chế tuyển sinh lớp 10 không được cộng điểm khuyến khích do Bộ GD-ĐT quy định từ nhiều năm nay, chỉ duy nhất năm học 2021-2022 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, TP HCM phải chuyển sang xét tuyển toàn bộ lớp 10, kể cả hệ lớp 10 chuyên. "Chuyển từ thi sang xét tuyển nên thành phố được phép chủ động trong phương án xét tuyển. Vì vậy, chỉ năm học này, HS thi lớp 10 chuyên nếu trong diện được cộng điểm khuyến khích thì được cộng" - vị này thông tin.

Dù TP HCM đã tăng mức khen thưởng cho các HSG tùy theo cấp độ thành phố, quốc gia, khu vực, quốc tế nhưng việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ này vẫn gặp những bất cập. Ở cấp THPT, ông Lâm Triều Nghi, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình), cho rằng hiện nay nhiều đơn vị phải "nài nỉ" thì các em mới chịu vào đội tuyển HSG.

Ông Nghi cho rằng trước đây việc trúng tuyển vào đại học còn khó khăn, HSG được tuyển thẳng thì các em còn hào hứng. Còn hiện nay, việc trúng tuyển vào đại học quá dễ dàng, dễ hơn kỳ thi tuyển sinh lớp 10, trong khi việc đào tạo HSG mang tính chuyên sâu tốn nhiều thời gian, phải đầu tư nên HS không thiết tha. "Nhà trường và thầy cô phải động viên các em về cái hay, cái đẹp của môn học thì HS mới chịu tham dự. Đó là chưa kể nhiều em phải giấu phụ huynh tham dự vì phụ huynh không muốn con mình tốn công sức đi thi" - ông Nghi nêu thực tế.


Đặng Trinh/nld.com.vn

https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/dao-tao-hoc-sinh-gioi-mat-dan-suc-hut-2023051820350742.htm 

  • Từ khóa