Ngăn ngừa bạo lực học đường: Cần nhiều giải pháp tích cực

Thứ 6, 13.10.2023 | 13:48:04
844 lượt xem

Những năm qua, bạo lực học đường vẫn là một trong những chủ đề “nóng” khi năm học mới bắt đầu, các vụ việc bạo lực học đường đã gây tâm lý bất an cho học sinh và khiến các bậc phụ huynh lo lắng khi cho con đến trường. Bởi vậy, thời gian qua ngành giáo dục đã tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhằm ngăn ngừa bạo lực học đường xảy ra.


Học sinh Trường THPT Hoàng Văn Thụ tham gia hoạt động ngoại khóa giáo dục kỹ năng sống

Theo tìm hiểu về vấn đề bạo lực học đường, dù ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp ngăn chặn như tăng cường tuyên truyền, giáo dục; tổ chức ngoại khóa giáo dục kỹ năng sống; phối hợp với các ban, ngành, lực lượng chức năng phổ biến giáo dục pháp luật…, nhưng tình trạng bạo lực ở lứa tuổi học đường trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn tiếp tục tái diễn. Trăn trở và báo động hơn cả đó là phần lớn các vụ việc liên quan đến bạo lực trong học sinh ở Lạng Sơn được phát hiện thời gian gần đây chủ yếu liên quan đến nữ sinh.

Tái diễn bạo lực học đường

Những năm qua, số vụ việc về bạo lực học đường được phát hiện trên địa bàn tỉnh đã có dấu hiệu thuyên giảm. Theo tìm hiểu từ các trường học, nếu như năm học 2018 – 2019 ghi nhận có 16 vụ việc về bạo lực học đường được phát hiện thì đến năm học 2021 – 2022 chỉ còn ghi nhận có 6 vụ việc và đến năm học 2022 – 2023 vừa qua chỉ còn ghi nhận 2 vụ việc. Song mặc dù đã tích cực tuyên truyền, nhưng hiện nay vẫn chưa thể ngăn chặn triệt để vấn đề bạo lực học đường. Bởi cứ vào đầu năm học lại có ít nhất 1 vụ việc bạo lực học đường gây xôn xao dư luận xảy ra trên địa bàn.

Cụ thể vào đầu năm học 2021 – 2022, ngày 15/9, tại một trường trên địa bàn xã Điềm He, huyện Văn Quan xảy ra sự việc một nhóm 5 học sinh các lớp 8, 9 đánh, tát 1 học sinh nữ lớp 8. Sự việc xảy ra tại lớp học, có 1 học sinh quay clip và clip đã được đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội. Đến đầu năm học 2022 – 2023, cụ thể là cuối tháng 9/2022, tại thị trấn Na Dương, huyện Lộc bình cũng đã ghi nhận một vụ việc nữ sinh đánh nhau và được đưa lên mạng xã hội….

Được biết, nguyên nhân của các vụ bạo lực lứa tuổi học đường thường không xuất phát từ những lý do gì to tát, mà nó được nhen nhóm từ những chuyện nhỏ nhặt, vụn vặt thường là mâu thuẫn tình cảm, trêu đùa quá khích, tẩy chay, nói xấu nhau và những bình luận thái quá trên mạng xã hội… Những nguyên nhân tưởng rất đơn giản, nhưng khi các em chưa nhận thức được, hoặc có nhận thức sai lệch về động cơ của hành động, sẽ dẫn đến việc các em có những hành vi sai lệch trong môi trường học tập và được giải quyết bằng những cuộc ẩu đả.

Cùng đó, những vụ việc trên lại được các em quay clip và đăng lên mạng xã hội. Điều này càng khiến cho câu chuyện bạo lực học đường trở thành vấn đề xã hội được nhiều người quan tâm. Mới đây, vào đầu năm học mới 2023 – 2024 này, cụ thể vào đêm ngày 25/9 trên mạng xã hội lan truyền 1 clip độ dài khoảng 4 phút quay cảnh nhóm học sinh nữ (lớp 9) đánh hội đồng 1 bạn học ngay trong lớp học, vụ việc được ghi nhận tại một trường thuộc xã vùng xa của huyện Bình Gia. Sau khi nhận được thông tin, Ban giám hiệu nhà trường và Phòng GD&ĐT huyện đã nhanh chóng xác minh, phối hợp với lực lượng chức năng xử lý, giải quyết vụ việc. Theo đó, nguyên nhân bạo lực xuất phát từ những bình luận trên mạng xã hội.

Ông Nông Minh Nhường, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bình Gia cho biết: Quan điểm của ngành là xử lý nghiêm vụ việc, bởi vậy ngay khi tiếp nhận thông tin phòng đã chỉ đạo nhà trường nhanh chóng triệu tập học sinh liên quan xác minh, làm rõ. Đồng thời, thành lập hội đồng kỷ luật để có biện pháp xử lý đối với những học sinh có hành vi bạo lực học đường. Cùng đó, yêu cầu nhà trường tăng cường tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, để các em có nhận thức đúng đắn về các hành vi bạo lực học đường, từ đó phòng tránh nguy cơ xảy ra bạo lực học đường.

Các mâu thuẫn dẫn đến các vụ bạo lực học đường rất đơn giản. Tuy nhiên cách xử lý vấn đề của các em học sinh lại bột phát.

Tăng giải pháp để giảm nguy cơ

Trước thực trạng đó, việc tăng cường các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện đã được ngành giáo dục tỉnh quan tâm, chú trọng triển khai, tập trung vào công tác tuyên truyền là chính. Theo đó, hằng năm Sở GD&ĐT đều có các văn bản hướng dẫn đến các nhà trường về tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật và phòng chống bạo lực học đường. Yêu cầu các cơ sở giáo dục trong những tuần học đầu tiên sau khai giảng, các trường phải bố trí dành ra một thời gian thích hợp để trao đổi, phổ biến với học sinh về các kỹ năng sống, trong đó có phòng tránh bạo lực học đường.

Tại Trường THPT Việt Bắc, thành phố Lạng Sơn, ngay đầu năm học nhà trường đã tổ chức tuần sinh hoạt công dân; tổ chức hoạt động ngoại khóa tuyên truyền phổ biến pháp luật cho học sinh toàn trường. Cô Trần Thị Thu Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Việt Bắc cho biết: Là một trường có số lượng học sinh khá lớn trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, toàn trường hiện có gần 1.500 học sinh theo học. Để ngăn chặn hiệu quả các vấn đề về bạo lực học đường, hằng năm nhà trường đều phối hợp với các ngành chức năng tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề, hội thảo liên quan đến chủ đề phòng, chống bạo lực học đường, tệ nạn xã hội… ngoài công tác tuyên truyền, nhà trường còn tích cực tổ chức các hoạt động thể thao, văn nghệ để học sinh tham gia, qua đó giúp các em có thói quen vui chơi lành mạnh, thái độ ứng xử văn hóa… giảm thiểu nguy cơ bạo lực học đường có thể xảy ra.

Tìm hiểu được biết, hằng năm Sở GD&ĐT đều chỉ đạo các trường học trên địa bàn xây dựng và thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, giá trị sống nhằm tạo sự chuyển biến trong thái độ, hành vi chuẩn mực của học sinh, giáo viên trong trường học. Cùng đó, hướng dẫn các đơn vị, trường học triển khai tích cực các đề án, chỉ thị, công văn của cấp trên về xây dựng trường học an toàn, trường học hạnh phúc; phòng chống bạo lực học đường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Thường xuyên nắm bắt tình trạng bạo lực học đường thông qua các phương tiện thông tin mạng xã hội để có những chỉ đạo, định hướng kịp thời.

Em Vũ Hoàng Hiếu, học sinh lớp 9A1, Trường THCS thị Trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng cho biết: Trong thời gian học tại trường, ngoài học tập, chúng em còn thường xuyên được thầy cô, nhà trường tuyên truyền về văn hóa trường học, nhất là xây dựng tình bạn đẹp, xử dụng mạng xã hội văn minh… đó là những bài học rất bổ ích để chúng em có kỹ năng giao tiếp, tránh những hành động, lời nói thị phi không đáng có.

Bên cạnh đó, thực hiện Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT ngày 18/12/2017 của Bộ GD&ĐT về thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông. Hiện nay, 100% trường phổ thông từ tiểu học đến THPT (hơn 420 trường) đã thành lập tổ tư vấn tâm lý học đường để nắm bắt tâm lý, tình cảm của học trò. Tổ này do nhà trường chọn ta những giáo viên có trình độ, năng lực ở các bộ môn khác nhau, có am hiểu kiến thức xã hội tham gia. Các tổ đi vào hoạt động đã bước đầu có hiệu quả. Ghi nhận của các tổ, sau khi tiếp nhận thông tin, mỗi năm có khoảng 1.000 lượt học sinh được thành viên tổ tư vấn tâm lý. Cùng đó, các tổ còn thực hiện phối hợp với đoàn thanh niên trường, tư vấn kỹ năng giao tiếp, ứng xử, hướng nghiệp cho học sinh trong nhà trường.

Trao đổi với chúng tôi, Bà Phan Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh cho biết: Để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục, sở đã chỉ đạo các phòng giáo dục, các cơ sở giáo dục trong tỉnh tăng cường giáo dục pháp luật, giáo dục kỹ năng sống, lồng ghép trong chương trình học và hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, hoạt động Đoàn, Đội của trường. Bên cạnh đó, sở cũng đề nghị các trường chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các vụ bạo lực học đường xảy ra tại đơn vị, địa phương theo quy định của pháp luật.

Tình trạng bạo lực học đường hiện đang là vấn đề đáng lo ngại đặt ra không chỉ với những người làm công tác giáo dục trên địa bàn tỉnh mà cả với các cấp chính quyền, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội. Bởi vậy, để ngăn ngừa tình trạng bạo lực học đường, cần sự chung tay của không chỉ ngành giáo dục, các nhà trường mà cần có sự vào cuộc của gia đình và xã hội. Qua đó góp phần xây dựng trường học an toàn, hạnh phúc, nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/xa-hoi/617055-ngan-ngua-bao-luc-hoc-duong-can-nhieu-giai-phap-tich-cuc.html

  • Từ khóa