Lấy yêu thương lấp đầy khiếm khuyết

Chủ nhật, 15.10.2023 | 14:51:42
493 lượt xem

Mới đây, cô giáo Lê Thị Thắm, Trường Tiểu học và THCS Đông Thịnh (xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lựa chọn để vinh danh “Thanh niên sống đẹp” năm 2023. Thật xúc động khi chúng tôi tìm hiểu và biết rằng, ước mơ của “cô giáo không tay” được viết lên bởi nghị lực, niềm khát khao góp ích cho đời cùng tâm niệm lấy yêu thương lấp đầy những khiếm khuyết trên cơ thể.

Những nét viết khó nhọc bằng chân

Ngày Lê Thị Thắm chào đời, thấy em không có đôi tay như những đứa trẻ bình thường khác, lo sợ người mẹ vừa vượt cạn không chịu nổi cú sốc này, người thân của Thắm đành giấu sự thật bằng cách quấn em bé trong khăn tã. Vài ngày sau, cả nhà đi làm đồng, người mẹ thay tã và như chết lặng khi phát hiện con thiếu đôi tay. Nước mắt bà lã chã rơi, đau đớn ôm con gái bé bỏng vào lòng và không ngừng nói lời xin lỗi. Bà tự trách mình, buồn tủi cho gia cảnh nghèo khó khiến bản thân chưa chu toàn trong quá trình thăm khám lúc mang thai. Thế nhưng khi ấy, nụ cười thiên thần của con thơ khiến bà tĩnh tâm trở lại, tự nhủ sẽ làm tất cả để bù đắp thiệt thòi của con.

Mẹ của Thắm không có việc làm ổn định, cả nhà sống dựa vào số tiền đi làm phụ hồ của bố em. Năm Thắm lên 4 tuổi, hoàn cảnh quá khó khăn, người bố tần tảo không thể một mình gánh vác gia đình, tiền thuốc men cho con. Mẹ của Thắm đành gửi con vào nhà trẻ để đi làm thuê. Cũng từ đây, cô bé tí hon chứng minh được nghị lực của bản thân khiến nhiều người khâm phục.

Nhớ về những năm tháng tuổi thơ vật lộn với đôi chân cùng con chữ, Lê Thị Thắm không giấu được nỗi buồn: “4 tuổi rưỡi, trong lớp học mầm non, thấy tất cả các bạn được cô giáo cho tập viết mà chỉ trừ mình ra, tôi cũng đòi bằng được cô cho tập viết. Thấy các bạn kẹp bút vào tay, tôi cũng lấy bút kẹp vào ngón chân trái của mình để tập viết. Vì chân phải ngắn hơn chân trái nên việc kẹp bút để viết thành chữ đã khó lại càng khó hơn. Những ngón chân nhiều hôm trầy xước, phồng rộp khiến tôi rất đau và đêm về chẳng thể ngủ được”. Không nản chí, dù ở lớp hay ở nhà, Thắm đều chăm chỉ tập viết. Lên 5 tuổi, Thắm không chỉ viết thành thạo mà còn đọc được số và chữ cái. 6 tuổi, em vào lớp 1 như bao bạn cùng trang lứa. 

Lấy yêu thương lấp đầy khiếm khuyết
Cô giáo Lê Thị Thắm kèm các em học sinh học bài. 

Những năm tháng tới trường, niềm vui của Thắm song hành với những buồn tủi. Nhìn bạn bè vui cười chơi ô ăn quan, nhảy dây mà em chỉ ngồi một mình, cố nén những giọt nước mắt tủi phận. “Một số bạn chỉ tay và nói “chim cánh cụt kìa”, em chỉ biết về nhà khóc với mẹ”, Thắm kể. 

Người ta thường nói “giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”, để có được kết quả như hiện giờ, Thắm đã trải qua nhiều khó khăn, thử thách trong học tập cũng như cuộc sống. Suốt 12 năm Thắm tới trường cũng là ngần ấy thời gian mẹ em không quản nắng mưa chở con đi học trên chiếc xe đạp cà tàng. Cô gái bé nhỏ nhưng đầy nghị lực đã chứng minh với mọi người về câu nói “tàn nhưng không phế”. 12 năm học phổ thông, em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi và giành nhiều giải xuất sắc tại cuộc thi viết chữ đẹp, thi vẽ của tỉnh Thanh Hóa.

Từ cử nhân tiếng Anh đến cô giáo trường làng

Lê Thị Thắm chưa bao giờ thôi mơ ước một ngày đứng trên bục giảng, cùng những học trò của mình viết nên tương lai tươi sáng. Năm 2016, Thắm thi đỗ vào Khoa Sư phạm tiếng Anh, Trường Đại học Hồng Đức. Tốt nghiệp năm 2020, được một số trung tâm mời làm việc nhưng cô gái trẻ từ chối vì lý do sức khỏe. Thắm về quê mở lớp dạy tiếng Anh cho các em gần nhà.

Thời gian đầu, cô giáo trẻ dạy miễn phí cho học sinh trong làng. Sau đó, một số cha mẹ gửi con học thêm để nâng cao kiến thức nên Thắm quyết định mở lớp dạy thêm tại nhà, xin bố mẹ mua trang thiết bị để thuận tiện cho việc giảng dạy. “Ở quê đa số các em có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ làm nông nghiệp. Mở lớp học thêm, tôi luôn tâm niệm giúp đỡ các em nhỏ là chính. Ngày trước đi học tôi được thầy cô, bạn bè giúp đỡ rất nhiều, bây giờ mình chia sẻ lại, cũng là một cách cảm ơn những người trước đây từng giúp mình. Nhiều học sinh khó khăn, tôi không thu học phí”, cô giáo Thắm bộc bạch. Mỗi lần cô giáo bị ốm, các em lại nháo nhào gọi điện. Nhiều em chạy sang nhà mua sữa, giục cô gắng ăn uống cho nhanh khỏe để tiếp tục lên lớp với học trò.

Tháng 6-2023, Lê Thị Thắm là một trong các gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tham dự Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc do tỉnh Thanh Hóa tổ chức. Tại đây, cô gái trẻ có bài phát biểu cảm động về quá trình học tập, rèn luyện và dạy học miễn phí cho các em học sinh. Thắm bày tỏ nguyện vọng cháy bỏng muốn đứng trên bục giảng với vai trò là cô giáo. Nghe xong phát biểu, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo, giao Huyện ủy, UBND huyện Đông Sơn và ngành giáo dục tỉnh Thanh Hóa xem xét, thực hiện quy trình tuyển dụng đặc cách làm giáo viên đối với Lê Thị Thắm. Ngày 1-8-2023 là mốc thời gian không thể quên của Lê Thị Thắm khi được UBND tỉnh Thanh Hóa tuyển dụng đặc cách vào làm giáo viên Trường Tiểu học và THCS Đông Thịnh. Nhận quyết định với niềm xúc động dâng trào, cô giáo trẻ nguyện trau dồi kiến thức chuyên môn, lấy khó khăn làm động lực để vươn lên và cố gắng hết mình trong giảng dạy. 

"Cứ đi về phía mặt trời, bóng tối sẽ ngả sau lưng bạn. Bây giờ dù bạn đang đứng ở đâu cũng đừng quên rằng bản thân sẽ luôn tiến về phía trước", cô giáo tuổi 25 chia sẻ ý niệm, quyết tâm viết tiếp tương lai của mình.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/lay-yeu-thuong-lap-day-khiem-khuyet-747143

  • Từ khóa