Thừa cân, béo phì ở trẻ: Vấn đề cần quan tâm

Thứ 3, 06.07.2021 | 13:58:04
700 lượt xem

Tình trạng thừa cân, béo phì xuất hiện tương đối nhiều ở trẻ em trên địa bàn tỉnh, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, tinh thần của các em. Thực tế này rất cần các cấp, ngành liên quan và các gia đình, phụ huynh quan tâm.

Bé N.T.H, thị trấn Đình Lập, 10 tuổi, cao 135 cm, nặng hơn 42 kg. Ở xóm, trong lớp có một số bạn đã gắn mác “béo” cho em và thường xuyên trêu đùa khiến em không còn muốn tiếp xúc với người xung quanh. Anh N.T.B, phụ huynh của em H cho biết: Khi mới sinh, cháu nhẹ cân nên chúng tôi sợ cháu suy dinh dưỡng. Vì vậy, gia đình thường động viên cháu ăn nhiều và chiều theo sở thích ăn uống của cháu. Thấy cháu ăn ngon miệng, không kén chọn nên tôi rất mừng. Gần đây, cháu tăng cân nhanh, vợ chồng tôi bắt đầu lo lắng.

Thiếu nhi thành phố Lạng Sơn tham gia hoạt động thể thao để hạn chế tình trạng thừa cân, béo phì

Không riêng gia đình anh N.T.B, gia đình anh T.V.P, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn cũng đang tìm phương pháp giúp con bớt tăng cân. Anh P cho hay: Con lớn nhà tôi 13 tuổi, cao 1,57 m, nặng 60 kg; bé thứ hai 7 tuổi, cao 1,3 m, nặng 36,5 kg. Hơn 2 tháng nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên các con chủ yếu ở nhà, lại thường xuyên gọi đồ ăn vặt, ít vận động, vì thế, cân nặng tăng lên trông thấy. Thấy con có nguy cơ béo phì, vợ chồng tôi cũng lo lắng và thường xuyên nhắc con nên hạn chế ăn chất béo, chất có đường, ăn đêm, năng luyện tập, vận động…

Theo tổng hợp của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, từ năm 2018 đến nay, trong tổng số khoảng 190.000 học sinh các cấp học từ mầm non đến THPT, mỗi năm cả tỉnh có từ 2.500 đến 3.340 trẻ mắc bệnh thừa cân, béo phì. Số trẻ thừa cân, béo phì năm sau luôn cao hơn năm trước. Nguyên nhân khiến trẻ thừa cân, béo phì chủ yếu do chế độ ăn nhiều chất béo, đường, tinh bột, ít vận động và tập luyện thể dục thể thao; một phần là do di truyền, bệnh lý…

Bà Lê Thị Kiều Oanh, cán bộ Khoa Kiểm soát bệnh không lây nhiễm – dinh dưỡng, CDC tỉnh cho biết: Tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ gây ra những vấn đề như: dậy thì sớm, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, viêm khớp, tim mạch, cao huyết áp, bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp… Tình trạng này còn ảnh hưởng đến tâm lý do trẻ dễ bị trêu ghẹo, chế giễu dẫn đến chán chường, ngại giao tiếp, thụ động, không có bạn bè, lâu dần có thể dẫn đến trầm cảm.

Để giảm thiểu tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ, 2 năm qua, ngành y tế, giáo dục và đào tạo đã chủ động phối hợp thực hiện Kế hoạch 153/KH-UBND ngày 6/9/2019 của UBND tỉnh về thực hiện chương trình quốc gia về dinh dưỡng đến năm 2020 của tỉnh Lạng Sơn (Kế hoạch đưa ra một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2020 trên 90% trẻ em dưới 5 tuổi ở cộng đồng được theo dõi cân nặng, chiều cao ít nhất 1 lần/năm để phát hiện và kiểm soát thừa cân, béo phì; khống chế tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi là dưới 5%; 100% cán bộ chuyên trách dinh dưỡng tuyến huyện, xã và cộng tác viên dinh dưỡng được tập huấn, cập nhật kiến thức về chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ). Cụ thể, sau khi kiểm tra chiều cao, cân nặng của trẻ, các nhà trường thông báo cho gia đình về tình hình cân nặng, sức khỏe của trẻ, đồng thời, hướng dẫn các gia đình phương pháp điều chỉnh cân nặng cho trẻ về mức an toàn. Với những trường hợp cân nặng ở mức cao, có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, nhà trường phối hợp với gia đình, cơ sở y tế chuyển trẻ lên cơ sở y tế tuyến trên để theo dõi, quản lý, điều trị (năm 2020, toàn tỉnh có 150 trường hợp). Trong xây dựng bữa ăn, các trường đã chủ động nghiên cứu nhu cầu dinh dưỡng để tổ chức bữa ăn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ… Nhờ các biện pháp này, đến hết năm 2020, 100% trẻ ở các cấp học từ mầm non đến THPT được theo dõi chiều cao, cân nặng hằng năm; tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi thừa cân, béo phì của tỉnh được giữ ở mức 3%.

Từ thực tế trên cho thấy: đảm bảo chế độ dinh dưỡng, vận động hợp lý sẽ hạn chế được tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ. Để làm được điều này, bên cạnh sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, ngành liên quan thì các gia đình, phụ huynh cần thực hiện tốt việc kiểm soát cân nặng của con em mình như: cần xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp, bổ sung nhiều rau xanh và hoa quả tươi vào khẩu phần ăn hằng ngày cho trẻ, khuyến khích trẻ thường xuyên tập luyện thể dục thể thao cũng như hỗ trợ công việc gia đình theo khả năng…

THỤC QUYÊN/baolangson.vn

https://baolangson.vn/xa-hoi/suc-khoe/433104-thua-can-beo-phi-o-tre-van-de-can-quan-tam.html


  • Từ khóa