Bảo vệ hạnh phúc gia đình trẻ trong cuộc sống bình thường mới

Chủ nhật, 07.11.2021 | 14:40:26
584 lượt xem

Những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 không chỉ đang tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế, mà còn gây hàng loạt hệ lụy lên đời sống tinh thần của người dân mà cụ thể là các gia đình - hạt nhân xã hội, đặt ra yêu cầu về những giải pháp, chính sách cụ thể từ phía các cơ quan quản lý, chức năng.

Các chuyên gia, đại biểu chia sẻ ý kiến tại Diễn đàn.

Sáng 7/11, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn “Gia đình trẻ - Thách thức với cuộc sống bình thường mới”. Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu đã chia sẻ nhiều vấn đề liên quan đến giá trị đời sống, văn hóa ở mỗi gia đình dưới tác động của dịch bệnh.

Nhiều chuyên gia đã đề cập hàng loạt thông tin thực tế đáng lo ngại mà các gia đình gặp phải trong thời gian giãn cách xã hội. Qua đây, cung cấp những kiến thức, kỹ năng xử lý các vấn đề trong gia đình, đề xuất nhiều giải pháp thiết thực để các cơ quan chức năng xem xét nghiên cứu, triển khai thành chính sách cụ thể trong trạng thái bình thường mới.

Những con số báo động

Theo đồng chí Khuất Văn Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), việc giãn cách xã hội đã khởi dậy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong các gia đình: thành viên trong nhà được bên nhau nhiều hơn trong vui chơi, học tập, giải trí… Tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian phát sinh không ít khó khăn xuất phát từ ảnh hưởng dịch bệnh như việc làm, thu nhập. 

Điều tra trên 500 hộ gia đình triển khai trong tháng 7 vừa qua cho thấy: 88% trường hợp khảo sát khẳng định đã mất việc hoặc bị tạm thời cho nghỉ việc, giảm thu nhập trong đại dịch. Trong đó, có tới hơn 40% bị mất việc; lượng giảm thu nhập hộ gia đình cũng đều không dưới 30%. Như hệ quả tất yếu, chất lượng cuộc sống của các gia đình đã giảm đáng kể. Hơn 52% trường hợp khảo sát đã phải giảm số bữa ăn hoặc khẩu phần ăn trong ngày.

Báo cáo khác của Liên hợp quốc khẳng định: tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 đã khiến tỷ lệ trẻ em, trẻ vị thành niên và phụ nữ có nguy cơ bị bóc lột, bạo hành, xâm hại trong gia đình cao hơn. Tương tự, trong thời gian giãn cách xã hội, số lượng cuộc gọi đến đường dây nóng của “Ngôi nhà Bình yên” (Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) để “kêu cứu” vì bạo lực gia đình đã tăng gấp đôi. 

“Đáng ngại hơn, chúng ta không loại trừ khả năng còn nhiều trường hợp không có cơ hội tiếp cận hỗ trợ do đang sống cùng người gây bạo hành nên không thể gọi điện”, đồng chí Khuất Văn Quý nhấn mạnh. 

Cũng theo các thống kê của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, số nạn nhân của bạo lực gia đình được hỗ trợ giải cứu và tiếp nhận vào Ngôi nhà Bình yên đã tăng tới 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 cũng đã ghi nhận số lượng tăng đột biến về trẻ em gặp khó khăn, áp lực, bị mắng, bị đánh trong khi học trực tuyến. 

Tìm kiếm giải pháp từ chính sách

Thực tế, những hệ quả tiêu cực từ bạo lực, bạo hành đã vượt ra khỏi khuôn khổ các mái ấm gia đình. Kết quả Điều tra quốc gia lần thứ 2 về bạo lực đối với phụ nữ ở nước ta cho biết: bạo lực gia đình đối với phụ nữ gây thiệt hại tới 1,8% GDP của Việt Nam. Trong đó, trung bình mỗi người phụ nữ bị chồng bạo lực về thể xác hoặc tình dục mất khoảng 26% thu nhập hằng năm để khắc phục hậu quả. 

TS Trịnh Thu Nga, Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), cho rằng, để từng bước giải quyết những vấn đề mà các gia đình phải đối mặt trong đại dịch, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ người lao động, nhất là đối với lao động trẻ chưa được hưởng các chính sách ngắn hạn của Chính phủ. 

Song song với đó, cần khuyến khích người lao động trở lại các khu đô thị, khu công nghiệp, chế xuất để làm việc, gắn với sự hỗ trợ, động viên cụ thể từ chính quyền các địa phương, doanh nghiệp; tăng cường vai trò của hệ thống dịch vụ việc làm ở mỗi địa phương cũng như tổ chức Đoàn, Hội nhằm giải quyết việc làm cho thanh niên. 

“Vai trò của các trung tâm dạy nghề, giới thiệu việc làm của Đoàn thanh niên cần được phát huy mạnh mẽ trong thời gian tới trong phối hợp các đơn vị liên quan triển khai các kênh mới như hội chợ, ngày hội, sàn giao dịch việc làm trực tuyến, rút ngắn thời gian tìm việc của các bạn trẻ”, TS. Trịnh Thu Nga gợi mở. 

“Bản thân thanh niên cũng cần tự tin hơn trong làm chủ, tự tạo việc làm. Muốn khuyến khích điều này, cần gỡ bỏ bớt những rào cản trong thủ tục đăng ký kinh doanh, vay vốn, lãi suất, nguồn lực hỗ trợ lập nghiệp, khởi nghiệp, đồng thời đẩy mạnh đào tạo, nâng cao các kỹ năng liên quan gắn với bối cảnh bình thường mới”, TS Trịnh Thu Nga nói.

LINH PHAN/nhandan.vn

https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/bao-ve-hanh-phuc-gia-dinh-tre-trong-cuoc-song-binh-thuong-moi-672910/

  • Từ khóa