Tạo thế cho Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968

Chủ nhật, 10.01.2021 | 00:00:00
1,015 lượt xem

Sau hai lần họp vào tháng 10 và 12-1967, Bộ Chính trị thông qua phương án tổng công kích, tổng khởi nghĩa do Bộ Tổng Tham mưu soạn thảo đã được Quân ủy Trung ương nhất trí.

Phương án xác định chiến trường trọng điểm là Sài Gòn-Gia Định, Đà Nẵng, Huế, hướng phối hợp chiến lược quan trọng là Đường 9-Khe Sanh. Mục tiêu chiến lược của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy là “đánh bại ý chí xâm lược của Mỹ”. Để tạo thế cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, việc tổ chức bố trí, triển khai lực lượng, vũ khí, trang bị hậu cần, kỹ thuật được thực hiện từ năm 1966 đến 1968, với tư tưởng chỉ đạo, kế hoạch phải thật tỷ mỉ, hợp đồng phải thật ăn khớp, bí mật phải thật tuyệt đối.

Về lực lượng, năm 1967, hơn 94.000 cán bộ, chiến sĩ ở miền Bắc biên chế thành từng trung đoàn, sư đoàn bộ binh và binh chủng kỹ thuật đã hành quân vào bổ sung cho Trị-Thiên, Khu 5, Tây Nguyên và Nam Bộ, nâng tổng số Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam lên 220.000 quân chủ lực và 57.000 quân địa phương (chưa kể dân quân, du kích). Như vậy, bộ đội chủ lực, địa phương của Quân Giải phóng đã được bố trí có trọng tâm, trọng điểm và rộng khắp trên các mặt trận của toàn chiến trường miền Nam. Đây là bước tạo thế hết sức quan trọng cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, bởi vì, bộ đội chủ lực, địa phương là lực lượng nòng cốt của thế trận chiến tranh nhân dân, là lực lượng có khả năng thực hiện các đòn đánh quyết định làm rung chuyển toàn bộ hệ thống quân sự, chính trị của Mỹ-ngụy, đã được thiết lập. Với lực lượng lên đến 277.000 quân, được huấn luyện kỹ lưỡng từ miền Bắc và tại chỗ, có vũ khí, trang bị tương đối mạnh, đồng bộ, Quân Giải phóng đã tạo ra một sức mạnh quân sự đáng kể trên chiến trường. Đó là thế trận cốt lõi ban đầu, hết sức quan trọng của một chiến dịch quân sự mang tầm chiến lược.

                              Tạo thế cho Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968
Đội vũ trang Ban Tuyên huấn Đặc khu Sài Gòn-Gia Định (T4) trước giờ xuất kích tham gia Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu. 

Về vũ khí, trang bị, hậu cần, kỹ thuật, trong hai năm 1967, 1968, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam và các lực lượng cách mạng miền Nam đã nhận được 118.923 tấn vũ khí, lương thực, thực phẩm và thuốc chữa bệnh thông qua vận chuyển bằng đường Hồ Chí Minh trên bộ và trên biển; cùng số lượng lớn vật chất, tiền mặt được viện trợ quá cảnh qua cảng Sihanouville (Campuchia) trong 3 năm (1966, 1967, 1968). Đây là một sự chuẩn bị rất quan trọng cho thế trận tác chiến, bởi vì, trận đánh có quy mô càng lớn, tính chất quyết liệt cao, thì lượng vật chất tiêu tốn vô cùng lớn. Sự chuẩn bị càng đầy đủ, tỷ mỉ và chu đáo, thì thế trận càng vững chắc, khả năng giành chiến thắng càng lớn.

Về thế trận chiến tranh nhân dân, Quân Giải phóng đã huy động được lực lượng lớn nhân dân trên địa bàn các tỉnh miền Đông Nam Bộ tham gia phục vụ cho Tổng tiến công và nổi dậy. Nhiệm vụ của lực lượng này là vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm vào nội đô cất giấu trước, cứu thương, tải thương khi chiến sự nổ ra và xây dựng “hũ gạo nuôi quân”. Lực lượng quần chúng kết hợp với các đơn vị vận tải đã vận chuyển được hàng trăm tấn hàng từ vùng Mỏ Vẹt xuống Tây Nam Sài Gòn. Quân Giải phóng đã huy động hàng trăm xe bò từ Mỏ Vẹt chở hàng xuống Hóc Môn, Gò Vấp. Các huyện đều thành lập đội cung cấp chuyên lo việc huy động lương thực, thực phẩm phục vụ Tổng tiến công và nổi dậy. Mỗi xã đều có ban quân lương, đội cứu thương, tải thương. Các gia đình đều đào sẵn hầm để nuôi giấu thương binh và cất giấu vũ khí. Có gia đình ở Trảng Bàng, Tây Ninh đào hầm cất giấu tới 45 tấn vũ khí, cách vị trí đóng quân của quân Mỹ chỉ khoảng 1km. Trước khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy nổ ra, Quân Giải phóng đã xây dựng được 19 cơ sở chính trị với 325 gia đình, 12 kho vũ khí, 400 điểm ém quân, phần lớn ở gần địa điểm sẽ tiến công. Lực lượng Biệt động Sài Gòn có 300 quân, trong đó có 100 tay súng tinh nhuệ, đã lên kế hoạch đánh 7 trung tâm đầu não quân sự, chính trị của Mỹ-ngụy giữa lòng Sài Gòn, như: Dinh Độc Lập, đài phát thanh, tòa đại sứ Mỹ, bộ tổng tham mưu, bộ tư lệnh hải quân... Chính thế trận chiến tranh nhân dân đã bảo đảm yếu tố bí mật, bất ngờ cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, diễn ra đúng giờ G.

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, để bảo đảm thống nhất lãnh đạo, chỉ huy trên toàn miền Nam, Trung ương Cục miền Nam và Bộ chỉ huy Miền quyết định thành lập hai bộ tư lệnh tiền phương: Bộ tư lệnh tiền phương cánh Bắc và Bộ tư lệnh tiền phương cánh Nam. Các bộ tư lệnh: Quân khu 5, Bắc Quảng Trị-Khe Sanh, Huế, Đà Nẵng... được thành lập. Ngày 30-1-1968 (đêm Ba mươi, rạng sáng Mồng Một Tết) các lực lượng vũ trang trên toàn chiến trường miền Nam được sự hỗ trợ của nhân dân bắt đầu tiến hành đồng loạt cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, đánh vào hầu hết sào huyệt của kẻ thù. Đây là đòn đánh dũng mãnh, quyết liệt, làm choáng váng 535.000 quân Mỹ và gần 1 triệu quân ngụy Sài Gòn, làm rung chuyển Lầu Năm Góc, thức tỉnh lương tri nhân dân Mỹ và nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới; phong trào phản chiến phát triển lớn mạnh chưa từng thấy, buộc đế quốc Mỹ phải ngồi vào đàm phán Hội nghị Paris và phá sản chiến lược "Chiến tranh cục bộ" của Mỹ ở miền Nam nước ta.


QDND.VN

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/tao-the-cho-tong-tien-cong-va-noi-day-xuan-1968-648759

  • Từ khóa