“Điểm tựa” của đồng bào vùng biên

Thứ 3, 04.01.2022 | 00:00:00
539 lượt xem

Một ngày cuối tháng 12-2021, biết tin cán bộ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 207, Quân khu 5, về thăm, già làng A Lăng Rương, nguyên Chủ tịch MTTQ xã, Bí thư chi bộ thôn Pa Lan, xã La Êê (Nam Giang, Quảng Nam) chọn mặc bộ quần áo đẹp nhất để đón bộ đội về làng.

Trước ngôi nhà mới còn thơm mùi sơn vữa, già A Lăng Rương nắm chặt tay từng người, khuôn mặt ngời lên niềm vui. Câu chuyện làm ăn trong năm 2021 được già khoe với mọi người là kết quả thu hoạch vụ đầu tiên cây cam Vinh. Chỉ tay ra vườn cam xanh tốt mới được làm cỏ, xới đất, bón phân, già cho biết, từ 50 gốc cam đã thu về hơn 5 triệu đồng. Xong, già hồ hởi kéo mọi người ra chuồng lợn và không giấu được niềm vui: “Sắp đẻ lứa thứ hai rồi đấy. Lứa đầu được 7 con, thu hơn 10 triệu đồng. Già  dành một cặp lợn con hỗ trợ gia đình khác trong thôn. Sang năm sẽ xây chuồng mới, rộng hơn!”.

Gia đình già A Lăng Rương là một trong số hàng trăm hộ đồng bào được Đoàn KT-QP 207 hỗ trợ cây giống, vật nuôi theo các mô hình dự án giúp dân thoát nghèo được đơn vị triển khai. Đại tá Phạm Văn Thành, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Đoàn KT-QP 207 cho biết: “Chúng tôi tập trung nguồn lực phát triển các mô hình sản xuất giúp thôn Pa Lan trở thành điểm sáng về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu để nhân rộng. Không chỉ hỗ trợ cây giống, con giống phù hợp, đoàn còn hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ kinh phí; cầm tay chỉ việc, kết hợp tuyên truyền, vận động để giúp bà con từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Được biết, để thực hiện các dự án giúp dân giảm nghèo trên địa bàn 12 xã miền núi biên giới đặc biệt khó khăn thuộc 3 huyện Nam Giang, Tây Giang và Phước Sơn (Quảng Nam), song song với đầu tư xây dựng mẫu các mô hình phát triển sản xuất tập trung, Đoàn KT-QP 207 đã triển khai nhiều mô hình giảm nghèo cho hộ gia đình đạt kết quả tốt, giúp bà con tăng thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần giúp địa phương giảm tỷ lệ hộ đói, nghèo 2-3% /năm.

“Điểm tựa” của đồng bào vùng biên
Cán bộ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 207 hướng dẫn người dân vùng dự án chăm sóc cây cam Vinh.

Theo Đại tá Văn Phú Diệp, Đoàn trưởng Đoàn KT-QP 207, để triển khai thực hiện mô hình phát triển kinh tế hộ, hàng năm đơn vị phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, thôn vùng dự án để chọn các gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo có đủ nhân lực, đất canh tác. Đồng thời, chỉ đạo các đội sản xuất nông lâm đứng chân tại các địa bàn theo dõi, hướng dẫn bà con về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, bảo đảm cây trồng, vật nuôi phát triển tốt. Các con giống, cây giống triển khai được thử nghiệm phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết ở các vùng thực hiện dự án.

Với mô hình nuôi bò sinh sản giống địa phương, đoàn đã cấp cho 60 hộ đồng bào các xã La Êê, Chơ Chun (Nam Giang) 60 con bò cái 18-20 tháng tuổi; hỗ trợ thuốc thú y, đá liếm ban đầu, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Đến nay đàn bò đã sinh trưởng được 22 con (đạt 36,6%).

Thực hiện mô hình nuôi heo đen giống địa phương, năm 2020 đã cấp 60 con giống (15-17kg/con); hỗ trợ vaccine ngừa bệnh, thức ăn ban đầu (15kg cám gạo, bắp, bột cá), vật liệu làm chuồng (trụ bê tông, tôn) và hướng dẫn bà con cách chăn nuôi. Để phát triển cây cam Vinh, từ kết quả trồng đối chứng, đơn vị đã cấp 5.000 cây giống cho 100 hộ ở các xã Chà Vàl, Đắk Tôi, La Êê (huyện Nam Giang) cộng với hỗ trợ vật tư, phân bón, dụng cụ nông nghiệp và hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc. Ngoài cây cam Vinh còn có các mô hình trồng bưởi da xanh, chanh không hạt...

Để giúp người dân tiêu thụ sản phẩm, đoàn tổ chức Cửa hàng Thương mại miền núi cung tiêu hai đầu, vừa cung ứng hàng hóa bình ổn giá, dự trữ lương thực, thực phẩm trong vùng, vừa thu mua nông sản để giải quyết đầu ra, kích thích phát triển sản xuất.

Ngoài ra, đơn vị còn đầu tư trên 450 triệu đồng để nâng cấp hệ thống nước lọc cung cấp cho 392 hộ dân thuộc hai xã Chà Vàl và La Êê; lắp đặt 300 tủ thuốc y tế cho các gia đình trên địa bàn; xây dựng, nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng 3 nhà tình nghĩa, 1 nhà đồng đội với số tiền hơn 320 triệu đồng; hằng ngày tổ chức “Bữa cháo dinh dưỡng” và nấu cơm trưa phục vụ 31 cháu thuộc Điểm trường Mẫu giáo thôn Pa Lan, xã La Êê với mức 12.000 đồng/người/ngày...

Trước thềm năm mới, ông Zơ Râm Thất, Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã La Êê phấn khởi: “Từ ngày Đoàn KT-QP 207 về với bà con, điện, đường, trường, trạm được xây dựng. Bộ đội đã hỗ trợ đồng bào giống cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn cách thức sản xuất, thay đổi tập quán sinh hoạt, làm ăn. Nhờ đó, nhiều người dân có đời sống tốt hơn; địa phương giải được bài toán khó trong phát triển kinh tế, xã hội”.

Nơi vùng sơn cước, mây trắng bồng bềnh vắt qua đỉnh núi, trẻ em ríu rít đến trường, người dân phấn khởi vì đời sống ngày càng khá lên, buôn làng đổi mới và tình cảm quân dân nồng ấm, Đoàn KT-QP 207 thực sự là điểm tựa vững chắc của đồng bào vùng biên.  


PHAN ĐỊNH/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/quoc-phong-toan-dan/diem-tua-cua-dong-bao-vung-bien-682374

  • Từ khóa