Mô hình đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở: Tăng về lượng, nâng về chất

Thứ 4, 25.10.2023 | 14:37:52
743 lượt xem

Thời gian qua, mô hình tự phòng, tự quản về an ninh trật tự (ANTT) tại cơ sở ngày càng tăng về số lượng, phù hợp với từng địa bàn, chất lượng hoạt động cũng được nâng cao. Qua đó, góp phần đẩy mạnh, lan tỏa phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (BVANTQ).

Công an xã Nhất Tiến, huyện Bắc Sơn và Trưởng thôn Tiến Hậu trao đổi thông tin thực hiện mô hình “Tổ tự quản về ANTT”

Huyện Văn Quan có 122 thôn, bản, khu phố, đa số bà con là dân tộc Tày, Nùng; 100% khu dân cư có hội hiếu. Dựa vào phong tục tập quán, các cấp, ngành, lực lượng chức năng của huyện đã xây dựng và nhân rộng mô hình “Hội hiếu tự quản về ANTT”. Mô hình này được xây dựng từ năm 2019, ban đầu thực hiện ở 4 thôn thuộc các xã: Yên Phúc, Tú Xuyên và Trấn Ninh. Mô hình nhằm tăng cường tình đoàn kết trong Nhân dân về đảm bảo ANTT, gắn nội dung phòng, chống vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội vào nội quy hội hiếu.

Ông Nông Văn Trên, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khòn Coọng, xã Tú Xuyên, huyện Văn Quan cho biết: Trước đây, trong thôn thường có tình trạng vứt rác bừa bãi xuống suối gây ô nhiễm môi trưởng, đồng thời xảy ra nhiều vụ trộm cắp vặt, nhiều người say rượu gây mất an ninh, mất đoàn kết trong cộng đồng. Năm 2020, thôn đã điều chỉnh lại các nội dung, điều khoản trong quy ước hội hiếu. Trong đó có quy định cấm các hành vi và mức xử phạt như: trộm cắp, phá hoại cây trồng, vứt rác cạnh bờ suối, nơi công cộng; gia đình có thành viên từ đủ 18 tuổi trở lên trộm cắp tài sản lần 1 thì xem xét đưa ra khỏi hội hiếu, thử thách trong 3 đám, đến đám thứ tư mới được tham gia trở lại; nếu vi phạm lần 2 thì gia đình đó sẽ bị xóa tên khỏi danh sách hội hiếu… Quy định có tính răn đe cao, góp phần tạo sự chuyển biến trong các gia đình, từng bước khắc phục được những tồn tại trước đây ở thôn.

Theo tìm hiểu, từ những hiệu quả mang lại, đến nay có 24 thôn, bản trên địa bàn huyện Văn Quan đã vận dụng mô hình “Hội hiếu tự quản về ANTT” để thực hiện, góp phần huy động quần chúng Nhân dân tham gia phòng ngừa tội phạm, giữ gìn ANTT, xây dựng nếp sống văn minh ở khu dân cư.

Không chỉ mô hình trên, thời gian qua, rất nhiều mô hình về đảm bảo ANTT tại cơ sở ở các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã được thành lập, đặt dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, quản lý và điều hành của chính quyền cơ sở. Mỗi mô hình với tên gọi, quy chế hoạt động khác nhau, phù hợp với tình hình ANTT, phong tục tập quán và đời sống Nhân dân từng địa bàn, qua đó đem lại hiệu quả thiết thực.

Thiếu tá Lành Thị Hồng Phượng, Đội trưởng Đội hướng dẫn xây dựng phong trào Toàn dân BVANTQ, Phòng Tham mưu Công an tỉnh cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có 92 mô hình đảm bảo ANTT tại cơ sở, tăng 7 mô hình so với cuối năm 2022. Các mô hình đa dạng, phong phú, phù hợp với từng địa bàn cơ sở. Để hiệu quả, hằng năm, Công an tỉnh nghiên cứu xây dựng kế hoạch hướng dẫn và phối hợp tổ chức phát động phong trào, ra mắt các mô hình. Thường sau một năm hoạt động, Công an tỉnh sẽ sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả hoạt động của mô hình, xem xét nhân rộng mô hình hiệu quả hoặc dừng triển khai mô hình không hiệu quả, không còn phù hợp với tình hình thực tiễn.

Qua các mô hình đã huy động sức dân tham gia giữ gìn ANTT, phát hiện và phối hợp giải quyết các sự việc ngay từ cơ sở, ngăn chặn phức tạp xảy ra; cung cấp nguồn tin có giá trị giúp lực lượng chức năng điều tra khám phá án. Đơn cử, từ đầu năm 2023 đến nay, quần chúng Nhân dân đã cung cấp trên 700 nguồn tin có giá trị giúp lực lượng chức năng đấu tranh phòng, chống tội phạm, điều tra các vụ việc; trong đó đã góp phần bắt giữ và vận động đầu thú 38 đối tượng truy nã; điều tra làm rõ hơn 100 vụ phạm pháp hình sự; lập hồ sơ đưa 12 đối tượng vào cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng…

Bên cạnh đó, các mô hình còn góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân trong xây dựng nếp sống văn minh, tạo điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế, nâng cao mọi mặt đời sống…

Ông Vũ Biền, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Thanh Long, huyện Văn Lãng cho biết: Trên địa bàn có mô hình “Vận động quần chúng Nhân dân tham gia đảm bảo ANTT, gắn với phát triển kinh tế, văn hoá – xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh” (triển khai từ năm 2016), ban đầu thực hiện tại 4 thôn, nay đã nhân rộng ra 11/12 thôn, mục đích nhằm vận động Nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, kéo giảm tệ nạn ma túy, nâng cao đời sống Nhân dân. Thông qua mô hình và các biện pháp khác, đến nay, tình hình ANTT trên địa bàn đã chuyển biến đáng kể, giảm trên 100 người nghiện ma túy so với năm 2015, không phát sinh người nghiện mới; đồng thời tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm đáng kể so với trước đây.

Có thể khẳng định, mô hình tự phòng, tự quản về ANTT tại cơ sở trên địa bàn tỉnh ngày càng được các cấp, ngành, lực lượng chức năng phối hợp quan tâm xây dựng, nhân rộng, hiệu quả hoạt động ngày càng được nâng cao, đi vào thực chất. Qua đó, lan tỏa phong trào Toàn dân BVANTQ, huy động sức dân tham gia giữ gìn ANTT, phòng ngừa những vấn đề phức tạp xảy ra tại cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/an-ninh-quoc-phong/619249-mo-hinh-dam-bao-an-ninh-trat-tu-tai-co-so-tang-ve-luong-nang-ve-chat.html

  • Từ khóa