Học viện Chính trị: Lấy người học làm trung tâm

Thứ 5, 26.10.2023 | 08:41:45
566 lượt xem

Bám sát phương châm "Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị", thời gian qua, Học viện Chính trị đã đổi mới phương pháp giảng dạy của đội ngũ giảng viên; điều chỉnh giảm thời lượng lý thuyết, tăng thời lượng thực hành, tập bài, thảo luận, hội thảo và tăng cường hình thức thi vấn đáp, thực hành…

Chính những điều này sẽ tạo nên sự tự giác của người học và họ là những người nhận ra giá trị của tri thức, từ đó chủ động tạo không khí lớp học sôi nổi, hấp dẫn, tránh tình trạng người học chỉ ngồi nghe, không cần tham gia học tích cực.

Lấy người học làm trung tâm

Những ngày đầu tháng 10 năm 2023, lớp 20C Hệ 3 nhập môn công tác Đảng, công tác chính trị. Đại tá, Tiến sĩ Uông Thiện Hoàng đảm nhiệm lên lớp. Đây là môn chuyên ngành dành cho đối tượng Chính ủy cấp Trung (lữ) đoàn và tương đương nên từng học viên luôn xác định rõ trách nhiệm, ý thức trong học tập.

Sau phần giới thiệu và các thủ tục của bài giảng, Đại tá Uông Thiện Hoàng lưu ý các học viên là kiến thức của môn học rộng, khối lượng lớn, liên quan đến nhiều nội dung cơ bản cả về lý luận và thực tiễn. Do đó, những kiến thức liên quan trực tiếp đến chuyên đề mà các học viên đã được trang bị trước đây thì chỉ giới thiệu khái quát; vận dụng phương pháp nêu vấn đề, trao đổi, tương tác với học viên và gợi mở, định hướng những vấn đề liên quan để các học viên tiếp cận, nghiên cứu, phát triển. Trên cơ sở mục tiêu, nguyên tắc, yêu cầu chỉ ra, giảng viên sẽ đi sâu phân tích, đánh giá những vấn đề mới, sát thực tiễn, làm cơ sở để học viên vận dụng vào quá trình công tác gắn với nhiệm vụ, chức trách được giao.

"Đối tượng của chúng ta là bồi dưỡng “tay nghề” hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị cho Chính ủy Trung, lữ đoàn… nên các đồng chí tập trung tư tưởng, nêu cao ý thức, trách nhiệm, kết hợp nghe, ghi theo ý hiểu và tích cực tham gia thảo luận, trao đổi các vấn đề giảng viên đặt ra… Mục tiêu của bài giảng hướng đến việc vận dụng đúng quan điểm, nguyên tắc và yêu cầu, sát với thực tiễn cuộc sống xã hội và quân đội trên cương vị, chức trách của các đồng chí được giao…", Đại tá Uông Thiện Hoàng nhấn mạnh.

Học viện Chính trị: Lấy người học làm trung tâm
Học viên tập bài trong diễn tập chỉ huy cơ quan một bên một cấp, cấp Trung đoàn BB trên bản đồ và thực địa cho học viên đào tạo Chính ủy Trung lữ đoàn.

Xuất phát từ việc xây dựng chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, đòi hỏi trong trong chương trình, kế hoạch của từng khoa mục huấn luyện, gắn với việc xác định chính xác phương pháp, đối tượng lên lớp của đội ngũ giảng viên đã có liên thông, liên kết chặt chẽ logic và khoa học. Bám sát phương châm “lấy người học làm trung tâm”, tích cực đổi mới hình thức, phương pháp dạy học tích cực, tăng cường trao đổi, thảo luận, hội thảo… nhất là đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn. Đối với các môn khoa học Quân sự, học viên được tăng thời gian tập bài, nhập vai, xử lý tình huống do giảng viên đặt ra.

Trong tiến hành thảo luận, hội thảo, giảng viên chỉ đóng vai nêu vấn đề, định hướng các ý kiến tham gia thảo luận. Ở các giờ thảo luận, học viên là chủ của lớp học. Thậm chí giảng viên có thể định hướng những ý kiến trái chiều, phản biện để học viên được bày tỏ quan điểm, thái độ của mình, từ đó tạo ra sự tranh luận, phản biện sôi nổi trong lớp học. Vấn đề quan trọng chính là giảng viên là người kết luận, định hướng vấn đề để học viên có cơ sở không những vận dụng vào quá trình công tác mà cả trong quá trình đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch…

Trung tá Nguyễn Anh Phương, Lớp 58E, Hệ 1 đánh giá: "Là học viên năm thứ 2 học tập rèn luyện tại học viện, chúng tôi nhận thấy việc lấy người học làm trung tâm đã được triển khai sâu rộng đến cả quá trình giảng dạy của đội ngũ giảng viên cũng như cách tiếp cận phương pháp học tập tích cực của học viên, việc tăng thời lượng thực hành, tập bài và tăng cường hình thức thi vấn đáp, thực hành đã giúp chúng tôi chủ động trong nghiên cứu, phát huy khả năng sáng tạo trong học tập, nghiên cứu khoa học, làm chủ tri thức, nâng cao kết quả học tập, rèn luyện kỹ năng, tay nghề công tác Đảng, công tác chính trị, phục vụ có hiệu quả cho quá trình công tác sau khi tốt nghiệp ra trường tại đơn vị…”.

Hướng tới chuẩn đầu ra

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Đỗ Huy Hà, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Chính trị cho biết: “Thực hiện Đề án “Đổi mới quy trình, chương trình đào tạo cán bộ các cấp trong Quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”, chúng tôi đã tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện chỉ đạo các phòng, khoa thường xuyên cập nhật, bổ sung, hoàn thiện chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng các đối tượng theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, liên thông, tích hợp tri thức, khắc phục triệt để sự trùng lặp về nội dung giữa các cấp học, bậc học và môn học. Gắn đào tạo theo chức vụ với trình độ học vấn, bảo đảm tính hệ thống, kế thừa, liên thông giữa các trình độ đào tạo; xây dựng, hoàn thiện và cập nhật kho dữ liệu số trên mạng nội bộ…”.

Theo đó, trên cơ sở xác định rõ chuẩn đầu ra về năng lực đối với từng đối tượng, mỗi khoa và bộ môn xác định rõ những nội dung cốt lõi và nội dung liên quan trong các khối kiến thức cơ bản, cơ sở và chuyên ngành với thời lượng phù hợp cần cung cấp và phương thức cung cấp cho người học. Riêng đối với các khoa giảng viên, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng tăng cường phương pháp dạy học mới, dạy học tích cực, hiện đại, phù hợp với mỗi đối tượng, loại hình đào tạo nhằm phát huy toàn diện phẩm chất, năng lực, nhất là năng lực lãnh đạo, chỉ huy, huấn luyện và thực hành nghề nghiệp tương xứng với trình độ học vấn và chức danh đào tạo.

Học viện Chính trị: Lấy người học làm trung tâm

Học viên Lớp đào tạo hoàn thiện Đại học cấp Sư đoàn thực hành tác chiến trên bản đồ tại Học viện Chính trị.  

Cũng theo Đại tá Uông Thiện Hoàng: Để có một bài giảng chất lượng, đội ngũ giảng viên chúng tôi ngoài việc nâng cao kỹ năng sư phạm bảo đảm sát đối tượng thì phần cập nhật kiến thức mới, kiến thức thời sự, chính trị - xã hội phải thường xuyên, liên tục để đưa vào bài giảng; kiến thức đó phải phù hợp với từng đối tượng học viên, sát với vấn đề nghiên cứu. Tận dụng tính ưu việt của khoa học công nghệ hiện nay, từ các thông tin trên báo chí, các cơ quan truyền thông chính thống, chúng tôi có thể sử dụng hình ảnh, video-clip, bài nói, bài viết của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội để đưa vào trực tiếp giáo án điện tử… như vậy sẽ bảo đảm tính sinh động, tính thuyết phục cho vấn đề nghiên cứu.

Từ đó, đi đến mục đích là hình thành và phát triển ở người học những năng lực chung và năng lực chuyên biệt, có khả năng thích ứng tốt nhất, nhanh nhất, tạo không khí dân chủ và yêu cầu người học phải vận dụng kiến thức, kinh nghiệm để xử lý các tình huống đặt ra trong học tập và công tác…

Đến nay, Học viện Chính trị đã và đang triển khai xây dựng chuẩn đầu ra 38 chương trình đào tạo chặt chẽ, nghiêm túc, đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng tốt. Tiến hành mở mới 1 ngành đào tạo tiến sĩ Hồ Chí Minh học; điều chỉnh, bổ sung, cập nhật 8 chương trình đào tạo tiến sĩ; chủ động, tích cực xây dựng mới 11 chương trình đào tạo chức vụ; điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị bảo đảm tính hệ thống, kế thừa, liên thông; khắc phục triệt để sự giao thoa, trùng lặp về nội dung giữa các cấp học, bậc học, môn học và đến từng chuyên đề cụ thể; đồng thời điều chỉnh giảm thời lượng lý thuyết, tăng thời lượng thực hành, tập bài và tăng cường hình thức thi vấn đáp, thực hành.

Tích cực mời lãnh đạo, chỉ huy ở các đơn vị, các nhà khoa học truyền thụ kinh nghiệm thực tiễn và thông tin khoa học chuyên đề cho cán bộ, giảng viên, học viên của Học viện; tích cực đổi mới phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học; chú trọng nâng cao chất lượng bài giảng chuyên đề và chuyên sâu, kịp thời cập nhật những quan điểm mới trong nghị quyết đại hội đảng các cấp vào giảng dạy cho các đối tượng. Công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện học viên ngày càng chặt chẽ; chất lượng học tập, rèn luyện của học viên ngày càng được nâng lên.

Việc không ngừng đổi mới hình thức, phương pháp dạy học theo hướng hiện đại, động viên tính tự giác, tích cực, chủ động, sáng tạo, khả năng tự học, tự nghiên cứu của học viên. Qua đó đã thu được nhiều kết quả tích cực, tạo tiền đề để nâng cao một bước chất lượng giáo dục và đào tạo tại Học viện Chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong giai đoạn hiện nay.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/hoc-vien-chinh-tri-lay-nguoi-hoc-lam-trung-tam-748558

  • Từ khóa