Nâng cao chất lượng công tác tham mưu khoa học ở Viện Khoa học xã hội và Nhân văn Quân sự

Thứ 3, 09.01.2024 | 00:00:00
707 lượt xem

Với tính chất của một viện nghiên cứu khoa học đa ngành có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, tổng kết, phát triển và ứng dụng tri thức khoa học xã hội nhân văn vào lĩnh vực quân sự, những năm qua Viện Khoa học xã hội và Nhân văn Quân sự (Học viện Chính trị) luôn hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Đóng góp vào thành tích chung đó có vai trò của công tác tham mưu khoa học trên cả ba mặt là nghiên cứu khoa học, quản lý khoa học và phục vụ nghiên cứu khoa học.

Theo đó, công tác tham mưu khoa học đã tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, Hội đồng Lý luận Trung ương và Học viện Chính trị về các vấn đề quốc phòng, an ninh liên quan đến khoa học xã hội nhân văn quân sự; nắm bắt kế hoạch, nội dung nghiên cứu khoa học của cấp trên để triển khai thành kế hoạch nghiên cứu khoa học cụ thể của Viện; thực hiện các hoạt động phối hợp như nghiên cứu, in ấn, phát hành các sản phẩm nghiên cứu với các cơ quan chức năng, các cơ sở đào tạo có liên quan.

Hội nghị ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024 của Đảng ủy Viện Khoa học xã hội và Nhân văn Quân sự.

Các nhiệm vụ, chương trình, nội dung, kế hoạch nghiên cứu khoa học kể cả ngắn và dài hạn đều được tổ chức thảo luận, lấy ý kiến, thực hiện quy chế dân chủ về khoa học, nhằm phát huy trí tuệ tập thể cán bộ, nhân viên toàn Viện. Các ý tưởng, đề tài, các vấn đề nghiên cứu, các nội dung hội thảo, tọa đàm đều được các ban và đội ngũ cán bộ, nhân viên đề xuất, trên cơ sở tình hình thực tiễn phù hợp với năng lực của các ban, của các nhóm cán bộ nghiên cứu và khả năng thực hiện của Viện, nhằm đạt đến tính khoa học, tính thực tiễn và tính khả thi trong công tác tham mưu khoa học. Công tác tham mưu khoa học đã thực hiện tốt các khâu, các bước như phát hiện, xác định các đề tài, vấn đề nghiên cứu; lập kế hoạch và phê chuẩn nghiên cứu tổng thể của Viện và kế hoạch cụ thể cho từng ban, từng nhóm, từng cán bộ nghiên cứu; triển khai và chỉ đạo thực hiện bảo đảm đúng quy trình, thời gian, tiến độ, bảo đảm chất lượng cũng như khả năng đi trước, đón đầu mà các đề tài, vấn đề nghiên cứu hướng tới, góp phần vào thành công chung về nghiên cứu khoa học của Viện.

Trong 25 năm qua, hoạt động của công tác tham mưu khoa học có hiệu quả tốt, bám sát định hướng nghiên cứu của trên, đã đề xuất các chủ trương, phương pháp nghiên cứu, hướng nghiên cứu tích cực được cơ quan chủ quản đánh giá cao. Điều đó cho thấy, chức năng tham mưu của Viện là đa dạng, với diện rộng, đòi hỏi phải thường xuyên nâng cao năng lực tham mưu, sáng tạo, có phương pháp tư vấn tốt, độ tin cậy cao, mới có thể hoàn thành nhiệm vụ, Viện luôn tìm tòi, nghiên cứu và phát triển nội dung và hình thức hoạt động quản lý khoa học, từng bước đưa hoạt động quản lý khoa học vào nền nếp chính quy, có chất lượng và hiệu quả tốt trên cả 3 mặt: Tham mưu, quản lý và phục vụ nghiên cứu. Tiến hành công tác quản lý khoa học, là nhằm tạo dựng nền nếp hoạt động cả về nội dung và hình thức; thực hiện mục đích kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện kế hoạch nghiên cứu, bảo quản và phát huy các thành tựu, các giá trị của sản phẩm nghiên cứu khoa học mà cán bộ, nhân viên đã lao động, sáng tạo nên. Làm tốt công tác quản lý khoa học sẽ giúp các nhóm đề tài, các cán bộ nghiên cứu thuận tiện trong công tác nghiên cứu; đồng thời nâng cao tầm giá trị của các sản phẩm, đưa sản phẩm đến với bạn đọc, đến với các đơn vị cơ sở để ứng dụng trong toàn quân.

Hội thảo đề cương chi tiết xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tinh nhuệ về chính trị trong tình hình mới do Viện Khoa học xã hội  và Nhân văn Quân sự chủ trì thực hiện.

Từ thực tiễn và kinh nghiệm đã đạt được, để nâng cao chất lượng công tác tham mưu khoa học, thời gian tới cần vận dụng, phát triển sáng tạo lý luận Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội, về bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Nhận thức đúng về Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, làm rõ những giá trị bền vững, những vấn đề cần bổ sung, phát triển, nhất là lý luận chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân, phù hợp với thực tiễn bối cảnh đất nước hiện nay.

Nghiên cứu về chiến lược quốc phòng, tiềm lực quốc phòng, khả năng quốc phòng của đất nước, lý luận về chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, chính sách đối nội, đối ngoại, chính sách kinh tế xã hội và chiến lược về biển đảo. Nghiên cứu về xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, chú trọng nghiên cứu vị thế, vai trò của dân quân tự vệ, trong thế trận chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng; vấn đề xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, luật về dân quân tự vệ. Nghiên cứu về tổ chức và hiệu quả hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị trong các doanh nghiệp quân đội và việc quân đội tham gia làm kinh tế. Về mối quan hệ đoàn kết quân dân và các chương trình mà quân đội tham gia như chống đói nghèo, tăng cường cán bộ cấp xã ở các đơn vị Bộ đội Biên phòng; nghiên cứu về khuôn mẫu, chuẩn mực  của Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới.

Nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn công tác Đảng, công tác chính trị về xây dựng quân đội, về quốc phòng an ninh, trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghiên cứu các vấn đề phát sinh như phân tầng xã hội, phân hóa giàu nghèo và tác động của nó đến quốc phòng, an ninh, đến đời sống và hoạt động quân sự. Nghiên cứu về công tác xây dựng lực lượng, các yếu tố chính trị xã hội có ảnh hưởng tới công tác giáo dục, đào tạo cán bộ quân đội, tạo nguồn nhân lực cho quân đội cả trước mắt và lâu dài.

Lễ phát động thi đua năm học 2023-2024 của Viện Khoa học xã hội và Nhân văn Quân sự. 

Nghiên cứu các vấn đề chính trị xã hội, các chủ trương, quan điểm, nghị quyết của Đảng và chiều hướng tác động tới quốc phòng, an ninh. Hệ thống chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước về quốc phòng, an ninh, về hậu phương quân đội, chính sách cho quân nhân, việc thực thi chính sách cho đội ngũ sĩ quan, lực lượng chủ yếu để xây dựng quân đội.

Nghiên cứu về văn hóa Việt Nam, nhất là văn hóa dựng nước và giữ nước, các giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa xã hội chủ nghĩa, văn hóa bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đi sâu nghiên cứu văn hóa quân sự, nhu cầu, đời sống văn hóa quân nhân, mối quan hệ tương tác giữa văn hóa xã hội, văn hóa cộng đồng với văn hóa quân sự. Nghiên cứu các yếu tố như đời sống vật chất, tinh thần, trạng thái tâm lý, tình cảm, hệ thống thái độ, hành vi, hành động của con người xã hội quân nhân trong giai đoạn hiện nay.

Tiếp tục hoàn thiện các quy chế hoạt động khoa học, đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, đề cao tính Đảng, tính tư tưởng, tính giai cấp, tính chiến đấu, tính khoa học trong nghiên cứu khoa học. Mạnh dạn chỉ đạo đột phá trong nghiên cứu để có nhận thức mới, đồng thời kết hợp giữa nghiên cứu lý luận và nghiên cứu thực tiễn, giữa nghiên cứu lý thuyết và nghiên cứu ứng dụng, giữa nghiên cứu chuyên ngành và nghiên cứu liên ngành.

Đổi mới, nâng cao năng lực của đội ngũ chuyên gia về khả năng thẩm định, đánh giá, nghiệm thu khoa học đối với các đề tài, các công trình nghiên cứu, các luận văn, luận án. Khuyến khích tinh thần say mê, sáng tạo của lực lượng cán bộ nghiên cứu khoa học, đề cao giá trị của những đột phá mới về nội dung, phương pháp nghiên cứu. Chú trọng tổng kết, đánh giá hoạt động khoa học theo định kỳ và hiệu quả các công trình nghiên cứu, các bài viết; quan tâm phát hiện các nhân tố mới, biểu dương, khen thưởng kịp thời cho các tổ chức, cá nhân trong nghiên cứu khoa học.    

Để thực hiện tốt phương hướng trên, cần bám sát các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách và luật pháp của Nhà nước, nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, của Học viện Chính trị và của Đảng ủy, chỉ huy Viện. Thực hiện tốt chức năng tham mưu, tư vấn và đề xuất các nội dung, kế hoạch nghiên cứu khoa học cho cấp trên, cho Viện, cho các Ban và cho cán bộ nghiên cứu, nhân viên phục vụ nghiên cứu thực hiện. Chủ động nắm chắc các kế hoạch và điều hành thực hiện các kế hoạch một cách linh hoạt và sáng tạo. Chú trọng công tác sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm theo từng thời điểm, từng giai đoạn và cả quá trình nghiên cứu khoa học; làm tốt công tác biểu dương, khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích; kịp thời phê bình các biểu hiện trì trệ, yếu kém trong nghiên cứu khoa học.

Lãnh đạo Viện Khoa học xã hội và Nhân văn Quân sự trao khen thưởng tại hội nghị tổng kết năm học 2022-2023. 

Tích cực quản lý khoa học trên cả hai mặt quản lý nghiên cứu và quản lý ứng dụng, nắm và cung cấp thông tin phản hồi bổ sung trong quá trình nghiên cứu. Quản lý có hệ thống các đầu sách, các báo cáo đề tài, các bài báo, tạp chí đã được công bố phục vụ cho việc nghiên cứu tham khảo, qua đó khắc phục biểu hiện nghiên cứu, viết lách trùng lặp theo lối mòn, khuyến khích sự sáng tạo, đột phá, tìm tòi chủ đề, nội dung, phương pháp mới. Tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác giảng dạy, nghiên cứu, trao đổi học thuật với các cơ quan, đơn vị về giáo dục đào tạo, về nghiên cứu khoa học cả trong và ngoài quân đội. Qua đó nâng cao trình độ nghiên cứu khoa học toàn diện, vững chắc cho cán bộ, nhân viên và khả năng, triển vọng quan hệ, hợp tác nghiên cứu khoa học của Viện. Làm tốt việc lựa chọn các nhóm nghiên cứu dựa trên trình độ, năng lực và sự phối hợp, cộng tác nhóm. Khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý số liệu nghiên cứu bảo đảm độ chính xác, tin cậy. Đồng thời làm tốt công tác tham mưu nhằm tạo và phát huy nguồn lực, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu, nhân viên phục vụ của Viện ngang tầm với vị thế, vai trò và chức năng, nhiệm vụ, xứng đáng là Viện nghiên cứu đầu ngành khoa học xã hội và nhân văn quân sự.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/nang-cao-chat-luong-cong-tac-tham-muu-khoa-hoc-o-vien-khoa-hoc-xa-hoi-va-nhan-van-quan-su-760614

  • Từ khóa