Kịch bản xảy ra khi xung đột Nga - Ukraine sắp bước sang năm thứ 3

Thứ 2, 15.01.2024 | 14:29:40
390 lượt xem

Các chuyên gia đã đưa ra nhận định về các kịch bản có thể xảy ra với cuộc xung đột Nga - Ukraine khi chiến dịch phản công của Kiev không đạt kết quả như kỳ vọng.

Kịch bản xảy ra khi xung đột Nga - Ukraine sắp bước sang năm thứ 3 - 1

Pháo của lực lượng Ukraine khai hỏa ở Donetsk (Ảnh: Reuters).

Philip Breedlove, cựu tư lệnh lực lượng đồng minh NATO ở châu Âu, đã đưa ra 3 kịch bản cho cuộc xung đột tại Ukraine và hai trong số đó liên quan đến chiến thắng của Nga.

"Nếu chúng ta không làm bất cứ điều gì khác với những gì chúng ta đang làm bây giờ thì cuối cùng, Ukraine sẽ thua vì lực lượng Nga có nhiều quân và quy mô lớn hơn Ukraine", ông Breedlove nói với Newsweek.

"Nếu phương Tây từ bỏ Ukraine, họ vẫn sẽ chiến đấu dũng cảm, nhưng sẽ có thêm hàng chục nghìn người Ukraine thiệt mạng và cuối cùng Nga sẽ kiểm soát toàn bộ Ukraine", ông Breedlove cho biết thêm.

Tuy nhiên, theo ông Breedlove, vẫn còn một con đường mang lại hy vọng cho Ukraine.

"Nếu phương Tây chọn trao cho Ukraine những gì họ cần để giành chiến thắng, Ukraine sẽ thắng trong cuộc chiến này. Cuộc chiến này sẽ kết thúc đúng như cách các nhà hoạch định chính sách phương Tây mong muốn", cựu tư lệnh NATO nhận định.

Nhu cầu cần thêm vũ khí phương Tây khiến Tổng thống Ukraine Volodymr Zelensky gấp rút đưa ra lời kêu gọi vào tuần trước rằng cuộc chiến chống lại Nga không chỉ là cuộc chiến của Kiev.

Lời cảnh báo của ông Zelensky được đưa ra trong bối cảnh các nhà lập pháp Mỹ quay trở lại Washington sau khi một nhóm nghị sĩ trong đảng Cộng hòa phản đối gói viện trợ quân sự trị giá 61,4 tỷ USD cho Ukraine trước Giáng sinh.

Trong thời gian quốc hội Mỹ tạm nghỉ, Ukraine đã hứng chịu các cuộc tập kích liên tiếp của Nga trong 5 ngày vào dịp năm mới. Hơn 500 tên lửa và máy bay không người lái đã phóng vào các mục tiêu trên khắp Ukraine, phá hủy một bệnh viện, trường học, các căn hộ và khiến ít nhất 45 người thiệt mạng.

Tom Malinowski, cựu giám đốc cấp cao Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) và cựu trợ lý ngoại trưởng trong chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, cho rằng việc phe Cộng hòa cản trở gói viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine đã khiến cơ hội giành chiến thắng của Nga cao hơn.

"Câu hỏi dành cho ban lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện là liệu họ có muốn bị đổ lỗi vì Nga đã giành chiến thắng trong cuộc chiến không? Họ cần trả lời câu hỏi đó ngay bây giờ", ông Malinowski nói.

Khi cuộc chiến chuẩn bị bước sang năm thứ 3, ngày càng có nhiều lời kêu gọi từ một số nhà lập pháp Mỹ về việc Tổng thống Zelensky cần tham gia đàm phán và nhượng bộ lãnh thổ cho Nga. Tuy nhiên, đánh giá của Viện Nghiên cứu Chiến tranh, tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, vào tháng 12 năm ngoái đã mô tả những hậu quả thảm khốc của việc đóng băng xung đột, hoặc thậm chí tệ hơn là chiến thắng dành cho Nga.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh cũng cho rằng một cuộc xung đột bị đóng băng sẽ còn tồi tệ hơn việc tiếp tục giúp đỡ Ukraine, vì kịch bản đóng băng xung đột sẽ cho phép Nga có thêm thời gian chuẩn bị cho nỗ lực chiến tranh mới và đối đầu với NATO.

"Cuộc chiến của Ukraine là cuộc chiến của Mỹ. Chúng ta không muốn thấy Nga giành chiến thắng. Dù Ukraine, Mỹ và các đồng minh của chúng ta quyết định làm gì để đưa cuộc chiến này đi đến một kết thúc có lợi trong năm tới, tất cả đều phụ thuộc vào việc phê chuẩn khoản viện trợ này. Bởi vì nếu không làm như vậy, Nga sẽ có được sự tự tin, động lực và đòn bẩy để tiếp tục cuộc chiến", ông Malinowski nhận định.

Chiến dịch phản công của Ukraine bắt đầu vào tháng 6 năm ngoái với mục đích giành lại các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát đã không mang lại kết quả như Kiev và các đồng minh mong muốn.

"Xung đột bắt đầu với ưu thế trên không. Chúng ta chưa trao cho Ukraine những gì họ cần để thiết lập ưu thế trên không. Chúng ta chưa mang đến cho họ những gì họ cần để giành chiến thắng", cựu tư lệnh Philip Breedlove nói.

Ngoài ra, theo Gustav Gressel, chuyên gia chính sách cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu (ECFR), cuộc phản công của Ukraine đã bị cản trở bởi sự chậm trễ trong việc cung cấp các phương tiện cơ động bọc thép.

Không chỉ việc thiếu sự yểm trợ trên không đã làm ảnh hưởng đến cuộc phản công của Ukraine, ông Gressel còn cho rằng, "phương Tây đã đánh giá thấp khả năng tác chiến điện tử của Nga trong việc đối phó với loại đạn chính xác được điều khiển bằng GPS và khiến nó kém hiệu quả hơn".

"Tôi vô cùng lo lắng cho năm nay vì đây sẽ là một năm rất khó khăn đối với Ukraine. Chúng ta chưa tăng cường sản xuất đạn dược cho ngay cả các loại đạn pháo và súng cối đơn giản để có thể mang lại cho Ukraine ưu thế về hỏa lực", ông Gressel nói, đồng thời hy vọng năm 2025 sẽ khả quan hơn nếu chuỗi cung ứng vũ khí và huấn luyện cho quân đội Ukraine được cải thiện.

Theo Viktor Kovalenko, một nhà phân tích quốc phòng và cựu quân nhân Ukraine, "đã đến lúc các đối tác phương Tây của Ukraine chuyển sang chiến lược đã được chứng minh hiệu quả trong Chiến tranh Lạnh". Điều này có nghĩa là ngăn chặn và kiềm chế Nga "bất cứ nơi nào cần thiết ở Ukraine và dọc biên giới NATO".

Các nhà phân tích cho rằng, giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến, vốn định hình an ninh châu Âu trong vài thập niên tới, không chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ của Mỹ. Thủ tướng Hungary Viktor Orban hồi tháng trước đã phủ quyết gói viện trợ trị giá 50 tỷ euro (55 tỷ USD) của Liên minh châu Âu (EU) cho Ukraine.

Nếu không có gói viện trợ của EU, Tổng thống Zelensky cho rằng Kiev sẽ khó tồn tại khi chiến tranh bước sang năm thứ 3 vào ngày 24/2 tới.

"Sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine nên tập trung lại vào việc xây dựng các công sự và khả năng phòng thủ đa tầng ở Ukraine, huấn luyện tân binh và thúc đẩy sản xuất vũ khí, để bất kỳ nỗ lực nào của Nga nhằm tấn công hoặc giành thêm lãnh thổ sẽ gặp phải hỏa lực và cơn thịnh nộ", chuyên gia Kovalenko nói.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/the-gioi/kich-ban-xay-ra-khi-xung-dot-nga-ukraine-sap-buoc-sang-nam-thu-3-20240115130748609.htm

  • Từ khóa