Lộc Bình: Xã hội hoá tu bổ, phục hồi di tích

Thứ 4, 22.09.2021 | 14:45:44
756 lượt xem

Huyện Lộc Bình là một trong những địa phương có nhiều di tích trên địa bàn tỉnh. Những năm qua, huyện đã có nhiều giải pháp trong tuyên truyền, vận động toàn dân cùng thực hiện công tác bảo quản, xã hội hóa để tu bổ, phục hồi các di tích. Qua đó, các di tích được khoác lên mình diện mạo mới khang trang và bảo tồn, lưu giữ được giá trị vốn có.

Tháng 11/2020, công trình chùa Bản Chu, xã Khuất Xá được khánh thành và trở thành niềm tự hào của người dân trong xã. Ông Dương Văn Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Khuất Xá cho biết: Đây là ngôi chùa được xây dựng trong khoảng những năm 1830-1905. Trải qua hàng trăm năm lịch sử, chùa Bản Chu đã hư hỏng nặng và trở thành phế tích.  Đầu năm 2019, chúng tôi đã lấy ý kiến của người dân về việc xã hội hóa để phục dựng lại chùa và được Nhân dân hoàn toàn nhất trí. Từ tháng 2/2019 cho đến khi khởi công xây dựng chùa (10/2019) và trong suốt quá trình xây dựng, 260 hộ thuộc hai thôn: Bản Chu A, Bản Chu B đã đóng góp được trên 90 triệu đồng. Không chỉ vậy, thời gian này, người dân trong thôn còn chủ động liên lạc với người thân sinh sống ngoài địa bàn hướng về “cội nguồn”, các mạnh thường quân đóng góp, qua đó huy động được trên 1 tỷ 300 triệu đồng.

Người dân thôn Bản Chu A dọn dẹp vệ sinh môi trường trong khuôn viên chùa Bản Chu

Bà Hoàng Thị Hoa, thôn Bản Chu A, xã Khuất Xá cho biết: Khi được cán bộ xã và trưởng thôn vận động, dù gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng tôi đã cố gắng đóng góp 200.000 đồng vào tháng 12/2019 với mong muốn lưu giữ giá trị văn hóa của địa phương. Sau khi ngôi chùa được phục dựng khang trang, hằng tháng, tôi cùng bà con trong xóm thường xuyên quét dọn để giữ cho khuôn viên chùa luôn sạch sẽ.

Chùa Bản Chu là một trong những di tích được “hồi sinh” từ nguồn vốn xã hội hóa của Nhân dân. Hiện nay, huyện Lộc Bình có 2 khu di tích và 19 điểm di tích nằm trong danh mục kiểm kê theo Quyết định số 73/QĐ-UBND ngày 10/01/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn về việc phê duyệt và công bố danh mục kiểm kê di tích trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Trong đó, 11 di tích đã được xếp hạng.

Bà Phạm Minh Huệ, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Lộc Bình cho biết: Qua thời gian, hầu hết các di tích trên địa bàn huyện có dấu hiệu xuống cấp và có nguy cơ bị phá hủy trong khi kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn còn hạn chế. Do đó, công tác xã hội hóa trong tu bổ, bảo vệ di tích được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm. Bên cạnh việc đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, huyện còn hướng dẫn các xã thực hiện một số giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác này.

Từ năm 2012 đến nay, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện; UBND các xã, thị trấn đã thực hiện tuyên truyền trên 1.000 cuộc với gần 50.000 lượt người nghe. Bên cạnh đó, huyện đã chỉ đạo các trường học tổ chức cho các em học sinh trải nghiệm, học tập tại các điểm di tích trên địa bàn huyện với tổng số 262 cuộc với khoảng 12.000 lượt học sinh tham gia. Qua đó, nâng cao ý thức của Nhân dân và học sinh trên địa bàn về việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa.

Cùng với tuyên truyền, UBND các xã còn cử cán bộ làm công tác vận động người dân tham gia đóng góp kinh phí và thực hiện các hình thức như: gửi thư ngỏ kêu gọi hỗ trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp, các mạnh thường quân hỗ trợ cho công tác tu bổ, phục hồi di tích tại địa phương. Qua đó, từ năm 2012 đến nay, với trên 3,1 tỷ đồng từ công tác xã hội hóa, 6 di tích đã được tu bổ, phục dựng; 2 di tích được bổ sung đồ thờ tự.

Hiện nay, toàn huyện vẫn còn khoảng 50% di tích cần được tôn tạo, tu bổ. Do đó, trong giai đoạn tới, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện là tiếp tục chú trọng và đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm huy động sức dân trong bảo tồn và lưu giữ giá trị các di tích.


Hoàng Như/baolangson.vn

https://baolangson.vn/van-hoa/450070-loc-binh-xa-hoi-hoa-tu-bo-phuc-hoi-di-tich.html

  • Từ khóa