Tự chủ con giống: Hiệu quả kép trong chăn nuôi lợn

Thứ 3, 14.06.2022 | 09:03:48
700 lượt xem

Trong phát triển chăn nuôi, yếu tố về con giống đóng vai trò rất quan trọng. Do vậy, các hợp tác xã, trang trại và một số hộ chăn nuôi lợn trong tỉnh đã chủ động sản xuất con giống và hình thành chuỗi khép kín trong chăn nuôi, qua đó, tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp An Hồng, xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn là một trong những HTX hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực chăn nuôi lợn. Để có được kết quả đó là do HTX đã chủ động được con giống trong sản xuất, cùng với chú trọng đầu tư xây dựng trang trại bài bản và quan tâm công tác phòng, chống dịch bệnh.

Người dân xã Hòa Bình, huyện Chi Lăng kiểm tra đàn lợn của gia đình

Bà Lưu Thu Hiền, Giám đốc HTX cho biết: Đi vào hoạt động từ năm 2019, HTX đã áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi khép kín theo chuỗi từ nuôi lợn nái, sản xuất lợn con đến chăn nuôi lợn thịt, do đó, đàn lợn luôn duy trì ổn định. Hiện HTX luôn duy trì nuôi 200 con lợn nái và 2.000 con lợn thịt mỗi năm, đem lại thu nhập từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm sau khi trừ chi phí.

Ngoài HTX trên, các HTX chăn nuôi lợn và một số hộ chăn nuôi lợn theo quy mô trang trại, gia trại trên địa bàn tỉnh cũng đã chú trọng sản xuất con giống đảm bảo, phục vụ phát triển chăn nuôi lợn thịt. Như anh Nguyễn Hồng Minh, thôn Cã Trong, xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng đã đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi lợn theo hướng trang trại khép kín. Anh Minh chia sẻ: Từ năm 2015, tôi đầu tư xây chuồng, trại đảm bảo có đầy đủ các trang thiết bị, công nghệ hiện đại và tách thành 2 khu riêng biệt để nuôi lợn nái và lợn thịt. Theo đó, tôi nuôi 100 con lợn nái để chủ động được con giống cho chăn nuôi lợn thịt. Tôi đã sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo để tạo ra những con giống tốt, trung bình mỗi năm, tôi xuất bán hơn 2.000 con lợn giống, 200 con lợn thịt, đem lại thu nhập khoảng 400 triệu đồng/năm sau khi đã trừ chi phí. Với cách làm này, tôi tự chủ được con giống, hạn chế được dịch bệnh khi mua lợn giống từ bên ngoài.

Trong vài năm trở lại đây, dịch bệnh trên đàn lợn diễn biến phức tạp, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại về kinh tế cho các hộ chăn nuôi. Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y, sau khi dịch cơ bản được kiểm soát, người chăn nuôi bắt đầu tái đàn lợn. Tuy nhiên, đối với các hộ thực hiện tái đàn lợn mà không tự chủ được con giống sẽ rất khó khăn trong việc đảm bảo được lợi nhuận, khi chi phí con giống cũng như chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao. Trước thực trạng đó, các HTX, trang trại và một số hộ chăn nuôi lợn trong tỉnh đã chủ động trong việc sản xuất con giống đem lại hiệu quả kép, vừa phòng, chống dịch vừa giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận.

Theo số liệu từ Cục Thống kê tỉnh, tính đến trung tuần tháng 6/2022, ước tổng đàn lợn toàn tỉnh hiện có trên 166.000 con, tăng 44,76% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, đàn lợn nái hơn 16.200 con, chiếm hơn 10% tổng đàn lợn, tăng 18,04% so với cùng kỳ. Số lượng lợn nái phần lớn tập trung ở các doanh nghiệp, HTX, các trang trại và hộ chăn nuôi có quy mô lớn, đủ điều kiện áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học và kiểm soát tốt dịch bệnh.

Ngoài các HTX, các trang trại, hộ chăn nuôi lợn với quy mô lớn, tập trung tại các huyện: Hữu Lũng, Cao Lộc, Bắc Sơn, Văn Quan, còn có một bộ phận các hộ chăn nuôi lợn nái với quy mô nhỏ từ 3 đến 10 con để cung ứng lợn giống cho gia đình và cho các hộ dân trong khu vực khi có nhu cầu chăn nuôi lợn thịt.

Ông Dương Doãn Doanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Để đảm bảo chăn nuôi bền vững, chúng tôi tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi khi mua lợn nái hay lợn giống cần phải lựa chọn những cơ sở uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, không sử dụng con giống trôi nổi trên thị trường. Trước khi tái đàn, cần tiến hành phun tiêu độc khử trùng tại khu vực chăn nuôi, áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch như: hạn chế người lạ tiếp tục với khu vực nuôi, vệ sinh sạch sẽ khu vực nuôi, đảm bảo thoáng mát.

Từ đầu năm 2022 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn xảy ra rải rác trên địa bàn tỉnh, theo nhận định của ngành chuyên môn, trong thời gian tới, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn hiện hữu. Nguyên nhân là do vi rút lưu cữu trong môi trường thời gian dài, nguồn lây truyền bệnh đa dạng khó kiểm soát, do vậy, người chăn nuôi nên mua con giống có nguồn gốc và áp dụng triệt để các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.


CẨM HÀ/baolangson.vn

https://baolangson.vn/kinh-te/506321-tu-chu-con-giong-hieu-qua-kep-trong-chan-nuoi-lon.html

  • Từ khóa