Cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em trong 1.000 ngày đầu đời

Thứ 3, 27.06.2023 | 14:54:26
601 lượt xem

Nhận thức được tầm quan trọng của chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời đối với sự phát triển toàn diện của trẻ, từ năm 2022 đến nay, ngành y tế đã triển khai nhiều hoạt động nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em, góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực người dân trên địa bàn tỉnh.

Giai đoạn 1.000 ngày đầu đời được tính từ khi trẻ hình thành trong bụng mẹ cho đến khi trẻ tròn 2 tuổi. Đây là giai đoạn vàng giúp trẻ phát triển chiều cao tốt và nhanh nhất nên còn được gọi là “1.000 ngày vàng”. Theo các nhà nghiên cứu, dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời đóng góp tới 80% trọng lượng não bộ và dự phòng các bệnh mãn tính khi trưởng thành.

  Đẩy mạnh truyền thông

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Kiều Oanh, Phó trưởng Khoa phụ  trách Khoa Phòng, chống bệnh không lây nhiễm và dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (KSBT) cho biết: Để triển khai Chương trình “Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời” theo Quyết định số 1896/QĐ-TTg ngày 25/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ”, sau 2 năm dồn lực chống dịch COVID-19, từ năm 2022 đến nay, khoa đã tham mưu Trung tâm KSBT tỉnh phối hợp với trung tâm y tế các huyện, thành phố tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho nhân viên y tế các tuyến, tăng cường hiệu quả truyền thông, thay đổi hành vi về chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời, làm mẹ an toàn và chăm sóc trẻ sơ sinh, kiến thức nuôi con bằng sữa mẹ… Đồng thời, triển khai toàn diện các can thiệp về chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ trong 1.000 ngày đầu đời phấn đấu đạt mục tiêu: giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 22%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 15% vào năm 2025.

Nhân viên Trạm Y tế xã Thiện Tân, huyện Hữu Lũng cho trẻ uống Vitamin A

Theo đó, các cán bộ y tế phụ trách dinh dưỡng các tuyến được cập nhật kiến thức chuyên môn thông qua các lớp tập huấn về chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời như: phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng; hướng dẫn nuôi con bằng sữa mẹ, cách bổ sung thức ăn hợp lý cho trẻ; kỹ năng tư vấn, truyền thông cách chăm sóc dinh dưỡng thiết yếu 1.000 ngày đầu đời; các can thiệp dinh dưỡng và thực phẩm sẵn có; hướng dẫn kỹ thuật cân, đo, điều tra nhân trắc; phát hiện, quản lý và điều trị suy dinh dưỡng cấp tính tại cộng đồng. Từ năm 2022 đến nay, các đơn vị trực thuộc ngành y tế tỉnh tổ chức được 28 lớp tập huấn cho hơn 1.320 cán bộ y tế tuyến huyện, trạm y tế tuyến xã và cộng tác viên y tế thôn bản.

Có kiến thức, kỹ năng cần thiết, cán bộ trạm y tế các xã, phường, thị trấn đã đẩy mạnh công tác truyền thông về dinh dưỡng dưới nhiều hình thức như: tư vấn trực tiếp cho các bà mẹ mang thai và nuôi con dưới 2 tuổi; truyền thông lồng ghép tại các đợt khám thai định kỳ, tiêm chủng; phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh tuyên truyền về chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em, thực hiện Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng trên địa bàn tỉnh, “Tuần lễ Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ”… Đặc biệt, để công tác truyền thông hiệu quả hơn, một số trung tâm y tế huyện đã triển khai xây dựng góc dinh dưỡng ở các trạm y tế xã với những thông điệp hình ảnh trực quan, sinh động, dễ hiểu.

Với việc đẩy mạnh truyền thông, từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh có trên 90% phụ nữ mang thai được tư vấn về chế độ dinh dưỡng hợp lý, chế độ nghỉ ngơi, bổ sung viên sắt, viên đa vi chất phòng, chống thiếu máu thiếu sắt. Việc tư vấn cho phụ nữ được cán bộ y tế thực hiện tại trạm y tế xã trong các đợt khám thai định kỳ. Cùng đó, trên 60% bà mẹ có con dưới 2 tuổi được tham gia các lớp, buổi thực hành dinh dưỡng hợp lý cho trẻ. Trên 60% bà mẹ có con dưới 5 tuổi được cung cấp kiến thức dinh dưỡng hợp lý và chăm sóc trẻ.

Qua tuyên truyền, các bà mẹ được nâng cao nhận thức về chăm sóc trẻ. Chị Hoàng Thu Hoài, xã Thiện Tân, huyện Hữu Lũng cho biết: Khi mang thai đến tháng thứ 4, tôi đến Trạm Y tế xã khám thì được cán bộ tư vấn, hướng dẫn cách nhận biết, phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng; hướng dẫn nuôi con bằng sữa mẹ, cách bổ sung dinh dưỡng từ các loại thực phẩm sẵn có trên địa bàn. Tôi tiêm phòng, uống bổ sung vi chất cho mẹ đầy đủ. Khi con được 6 tháng, tôi bắt đầu chế biến thức ăn, tập cho trẻ ăn dặm theo hướng dẫn. Đến nay, con tôi được 14 tháng phát triển khỏe mạnh, cân nặng và chiều cao đều trội hơn các cháu cùng lứa.

  Can thiệp toàn diện

Cùng với những hoạt động trên, các cơ sở y tế trên địa bàn đã triển khai can thiệp dinh dưỡng sớm, phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng cho trẻ em, phụ nữ mang thai và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ gắn với Chương trình phòng, chống thiếu Vitamin A, Chiến dịch uống bổ sung Vitamin A liều cao; duy trì theo dõi tăng trưởng cho trẻ dưới 5 tuổi; bổ sung viên đa vi chất cho phụ nữ mang thai và phụ nữ trong tuổi sinh đẻ… triển khai tại 11/11 huyện, thành phố, trong đó ưu tiên các huyện nghèo gồm Bình Gia, Văn Quan. Trung bình mỗi năm, toàn tỉnh có hơn 90% phụ nữ mang thai tại các huyện nghèo được bổ sung viên đa vi chất.

Thông qua Chiến dịch Ngày vi chất vào tháng 6 hằng năm, trẻ dưới 5 tuổi được cân và đo chiều cao để đánh giá tình trạng dinh dưỡng. Những trẻ bị suy dinh dưỡng được theo dõi và có các biện pháp can thiệp. Hằng năm, Trung tâm KSBT tỉnh phối hợp với các trạm y tế xã, phường, thị trấn tổ chức khám cho trẻ và tư vấn cho người nuôi dưỡng. 100% trẻ dưới 2 tuổi suy dinh dưỡng được cân và theo dõi biểu đồ tăng trưởng. Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi được cân, đo 1 lần/năm đạt trên 95%. Cùng đó, hằng năm, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã triển khai 2 đợt bổ sung Vitamin A liều cao (tháng 6 và tháng 12) cho trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi. Kết quả, mỗi năm có hơn 34.500 trẻ trẻ từ 6 đến 36 tháng được uống bổ sung Vitamin A liều cao, đạt 99,2%, trong đó có hơn 18.300 trẻ dưới 2 tuổi.

Nhằm thúc đẩy và hỗ trợ tốt việc nuôi con bằng sữa mẹ, Trung tâm KSBT tỉnh đã phối hợp với trung tâm y tế các huyện tổ chức các lớp tập huấn về nuôi con bằng sữa mẹ và hướng dẫn thực hành dinh dưỡng bằng thực phẩm sẵn có. Hằng năm có 77,1% trẻ dưới 6 tháng tuổi được bú mẹ hoàn toàn. Bình quân mỗi năm có 3.600 trẻ từ 6 đến 23 tháng tuổi được ăn bổ sung đúng và đủ. Qua đó, các hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm xuống còn 15,6% (giảm 1,6% so với năm 2019); tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng chiều cao 22,8% (giảm 2% so với năm 2019).

Điều dưỡng Nguyễn Quang Hùng, Phó Trưởng Khoa KSBT, HIV/AIDS – An toàn thực phẩm – Y tế công cộng và Dinh dưỡng, Trung tâm Y tế huyện Bình Gia cho biết: Từ năm 2022 đến nay, khoa đã tham mưu Trung tâm Y tế huyện đã tổ chức được 10 lớp tập huấn về nuôi con bằng sữa mẹ và hướng dẫn thực hành dinh dưỡng bằng thực phẩm sẵn có cho gần 400 cán bộ tham gia; tổ chức hướng dẫn thực hành dinh dưỡng bằng thực phẩm sẵn có tại 19/19 xã, thị trấn với 380 bà mẹ. Nhờ đó, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cân nặng trên địa bàn huyện giảm từ 13,7% (năm 2021) xuống còn 12,6%, suy dinh dưỡng chiều cao giảm từ 17,9% (năm 2021) còn 16,2%.

Để công tác chăm sóc dinh dưỡng trẻ em đạt kết quả tốt hơn nữa, thời gian tới cần sự phối hợp tốt hơn nữa của các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và các sở, ban, ngành liên quan trong việc tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò của phụ nữ trong chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ trong 1.000 ngày đầu đời. Từ đó giúp trẻ có sự phát triển toàn diện, góp phần giảm gánh nặng bệnh tật cho Lạng Sơn nói riêng, cả nước nói chung và cải thiện thể lực, tầm vóc người Việt Nam.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/xa-hoi/592477-cai-thien-tinh-trang-dinh-duong-tre-em-trong-1-000-ngay-dau-doi.html

  • Từ khóa