Núi liền núi, sông liền sông (Kỳ 1)

Thứ 4, 28.06.2023 | 09:29:27
807 lượt xem

Hiện nay, hợp tác khu vực và toàn cầu hóa đã trở thành một xu thế quan trọng trong sự phát triển kinh tế thế giới. Lạng Sơn (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc) là một trong những tỉnh, khu có vị trí cửa ngõ, tuyến đầu và đầu mối quan trọng thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa Trung Quốc và ASEAN, có vị trí và vai trò chiến lược không thể thay thế trong hợp tác khu vực, trong nước và quốc tế. “Việt Nam Trung Hoa - núi liền núi, sông liền sông”, việc hợp tác giữa hai bên biên giới Việt – Trung (với phạm vi riêng của loạt bài này là tỉnh Lạng Sơn - Việt Nam và khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây - Trung Quốc) không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế, mà còn có ý nghĩa sâu sắc về đời sống xã hội. Nắm rõ các quy luật vận động của sự phát triển, hiểu được các mối quan hệ về mặt xã hội, lịch sử, địa lý, phong tục tập quán hai bên biên giới có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, giao thương của cả hai bên. Đó là một mối quan hệ gắn bó mà dấu tích của nó vẫn đang tồn tại như một lớp trầm tích văn hóa lâu đời.


Trầm tích văn hóa "ruộng lúa nước" ở hai bên biên giới

         Là dân tộc thiểu số có số dân đông nhất trong 55 dân tộc thiểu số Trung Quốc, dân tộc Choang có một lịch sử phát triển và nền văn hóa, văn học lâu đời, đậm đà bản sắc. Mặt khác, vốn có quan hệ về mặt dân tộc và lịch sử lâu đời với dân tộc Choang, dân tộc Tày – Nùng ở Việt Nam có nét tương đồng nhất định trong văn học nói riêng cũng như văn hóa nói chung. Điều này thể hiện khá rõ ở mảng văn hóa vật thể, cụ thể là văn hoá “ruộng lúa nước” của người miền núi hai bên biên giới. 

Trong ngôn ngữ Tày – Nùng Lạng Sơn, “nà” để chỉ ruộng lúa nước. Người Tày, Nùng – từ thuở sơ khai đến bây giờ vẫn chủ yếu lấy nông nghiệp lúa nước làm nghề sản xuất chính. Dân tộc Tày Lạng Sơn thường cư trú ở vùng trũng thuộc lưu vực các con sông lớn, các thung lũng và cánh đồng tương đối bằng phẳng. Địa bàn thuận lợi nên trình độ canh tác lúa nước của người Tày không thua kém người Kinh. Vốn là người bản địa nên dân tộc Tày cũng lập làng ở vị trí thuận lợi hơn các dân tộc khác. Đồng bào Tày thạo việc ươm tơ dệt lụa. Với truyền thống lâu đời, trình độ nông nghiệp ruộng lúa nước của đồng bào Tày tương đối cao. Dân tộc Tày cư trú ở lưu vực các con sông lớn, các thung lũng và các cánh đồng tương đối bằng phẳng nên đã tạo ra những vùng nông nghiệp nổi tiếng như: Bắc Sơn, Bình Gia, Thất Khê, Lộc Bình... Dân tộc Nùng cũng canh tác lúa nước, nhưng do địa bàn cư trú thường là nơi chuyển tiếp giữa vùng thấp và vùng cao, không thuận lợi như người Tày nên làm nương rẫy cũng đóng một vai trò quan trọng trong đời sống nông nghiệp của họ. Văn hóa nông nghiệp lúa nước cũng là văn hóa trung tâm, có vai trò quan trọng trong tổng hòa văn hóa Tày – Nùng. Trên khắp các xã, thôn trên mảnh đất Xứ Lạng, ta dễ dàng bắt gặp cái tên rất quen thuộc: Nà. Đơn cử như hồ Nà Tâm, thôn Nà Chuông, đình Nà Puông, Nà Phu (thành phố Lạng Sơn), thôn Nà Đồng, Nà Pái (xã Tân Văn, Bình Gia); hang Nà Ngụm, Nà Bùa, Nà Nông (huyện Chi Lăng); hang Nà Đán, Nà Mon, đồn Nà Pất, đình Nà Vài, Nà Hán (huyện Cao Lộc); thôn Na Hoa, Na Đâu (huyện Hữu Lũng); thôn Nà Tằm, Nà Kẹt, Nà Thì, thị trấn Na Dương (huyện Lộc Bình); thôn Nà Han, Nà Noọng, Nà Chùa (huyện Tràng Định); thôn Nà Lốc, Nà Bản, Nà Chuông, Nà Ho, Nà Khàng, hang Nà Lả, đình Nà Pẹo, Nà Khuất (huyện Văn Quan); Đồn Nà Lẹng, Nà Cạn, thị trấn Na Sầm, bia đá Nà Mạt, thôn Nà Ngườm, Nà Han, đình Nà Pha, Nà Pàn, chùa Nà Cưởm, hang Nà Hình.v.v. “Nà” như một tiền tố rất dễ bắt gặp ở bất cứ đâu.

Ruộng bậc thang và nhà trình tường của người Nùng tại xã Khánh Khê, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn thể hiện đặc trưng của văn hoá ruộng lúa nước

Trong khi đó, Trung Quốc gọi văn hóa ruộng lúa nước của người Choang cổ là “Na văn hóa” (tiếng Hán là 那文化). Đây cũng là văn hóa trung tâm, là văn hóa nền tảng của văn hóa Choang. 

Trước hết, xin được truy nguyên về nguồn gốc hình thành của dân tộc Choang – những chủ nhân đầu tiên của “Na văn hóa”: Dân tộc Choang vốn là hậu duệ của một bộ phận người Lạc Việt vốn là một nhánh của Bách Việt. Trên phương diện địa lý, phía Bắc tới Liễu Châu, phía Tây tới Bách Sắc, Na Pha, phía Nam tới Hà Nội, Cao Bằng, Hà Giang của Việt Nam, khu vực Tượng Quận cổ đại (ngày nay lấy thành phố Sùng Tả, Quảng Tây làm trung tâm) cho tới khu vực nằm trong bán kính 300 km xung quanh, trong một phạm vi lớn như vậy đã hình thành một quần thể phân bố của dân tộc Lạc Việt. 

Về mặt hình thành, dân tộc Tày – Nùng cũng là hai dân tộc thiểu số có số dân đông nhất Việt Nam, sau dân tộc Kinh. Tày là một trong những dân tộc lâu đời nhất trên đất nước ta. Dân tộc Nùng cũng xuất hiện từ sớm nhưng sau người Tày. Về sau, những người dân tộc Nùng đã sống trước đó sát nhập vào dân tộc Tày, còn những người Nùng hiện nay đang sinh sống mới di chuyển vào Việt Nam cách đây khoảng 200 năm. 

Các tư liệu khảo cổ cho thấy, văn hóa khu vực Lạc Việt - những tiên dân của dân tộc Choang khởi nguyên rất sớm, tổ tiên Lạc Việt từng trải qua xã hội nguyên thủy lâu dài. Số lượng lớn nông cụ được phát hiện, đặc biệt là công cụ sản xuất lương thực như xẻng đá, mâm cối đá, chày đá… cho thấy ba bốn nghìn năm trước, họ đã nắm vững cách trồng lúa nước, là một trong những dân tộc đầu tiên biết trồng lúa nước ở Trung Quốc. Sản xuất nông nghiệp đã trở thành một ngành sản xuất chủ yếu của người đương thời. Phương thức sản xuất nói lên trình độ phát triển văn minh của dân tộc đó. Từ phương thức sản xuất tiên tiến so với xã hội nông nghiệp lúc ấy, cho thấy dân tộc Choang sớm đã có điều kiện để hoài thai và nuôi dưỡng một nền văn hóa, văn học dân gian đặc sắc. Người Choang trồng lúa nước và gọi các ruộng lúa nước là “Na”, họ dùng chữ “Na” để đặt tên cho hầu hết các khu vực lưu vực sông Châu Giang cho tới cả khu Đông Nam Á. Chữ “Na” này cũng bảo lưu nội hàm phong phú của văn hóa tộc người và văn hóa lúa nước của người Choang, trở thành ấn tích lịch sử chung của những cư dân sinh sống tại khu vực này. Trước đây, các nhà nghiên cứu từng gọi vùng văn hóa này là “Na văn hóa” (tức là hình thức văn hóa kết hợp giữa văn hóa canh tác lúa nước với văn hóa của người miền núi). Những tên đất gắn với chữ Na nhiều vô kể. Những địa danh đi kèm với chữ Na, lớn thì là đơn vị huyện, thị trấn, nhỏ hơn có thôn, tên thung lũng, tên ruộng, tạo nên những địa danh mang tính khu vực, cấu thành một hình thái văn hóa ở lưu vực sông Châu Giang. Trong quá trình phát triển lịch sử lâu dài, dân tộc Choang với những tiên dân của họ đã tạo nên hệ thống “Na văn hóa” này. Hình thức sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp canh tác, xây dựng kiến trúc nhà, văn hóa ẩm thực, văn hóa nghệ thuật đều lấy “Na” làm trung tâm, làm gốc rễ. Trong sản xuất nông nghiệp, “Na văn hóa” biểu hiện rõ nhất ở chiếc rìu đá hai lưỡi và xẻng đá – những dụng cụ nông nghiệp trồng lúa nước. Văn hóa xẻng đá lớn được xác định là được sáng tạo từ 6500 năm trước với trung tâm là huyện Long An (Quảng Tây). Cũng tại địa phương này, những dấu tích của “Na văn hóa” tương đối dày đặc: biểu tượng “xẻng đá lớn” trở thành biểu tượng linh thiêng được lập thành đàn thờ, toàn huyện theo thống kê có tới 122 thôn, bản có chữ “Na” trong tên gọi như: Na Đồng, Na Trọng, Na Nguyên, Na Môn, Na Lãng, Na Loan, Na Giáng, Na Liệu, Na Doanh, Na Côn, Na Khả, Na Lâu, Na Qua.v.v.

Như vậy, về mặt ngữ âm và ngữ nghĩa, hai chữ “na – nà” của người Choang và người Tày, Nùng có sự tương đồng. Có thể nói rằng, đây chính là lớp trầm tích văn hóa cổ trong đời sống hiện đại. Qua đó, có thể thấy những địa danh “Na – Nà” còn lại cho đến ngày nay góp phần khẳng định rằng: trồng lúa nước của người miền núi không chỉ là phương pháp canh tác truyền thống, mà còn tạo thành văn hóa vật thể, văn hóa nền của các yếu tố văn hóa khác. Bởi văn minh vật chất là cơ sở của mọi nền văn minh, sự phát triển của lực lượng sản xuất quyết định sự hình thành, phát triển và thay thế lẫn nhau của các hình thái kinh tế - xã hội. 


Ruộng bậc thang ở huyện tự trị dân tộc Long Thắng, Quảng Tây 

(Ảnh: tạp chí điện tử Hoa Biện 花瓣)

Tất nhiên, trong văn hóa lúa nước của người miền núi, việc đặt tên “Na” cho nhiều địa phương chỉ là một khía cạnh, một biểu hiện. Ngoài ra, loại hình văn hóa này còn biểu hiện mạnh mẽ ở những khía cạnh khác (cả vật thể và phi vật thể). Với việc chỉ ra mối liên hệ - giao lưu văn hóa qua sự tương đồng giữa các địa danh nơi sinh sống của người Choang và người Tày Nùng ở hai bên biên giới, khẳng định sức sống mãnh liệt của văn hóa những con người miền núi, trong dòng chảy của dân tộc, cho dù nó nằm ở quốc gia nào, dân tộc nào. Sự độc đáo, đặc sắc của văn hóa dân tộc Tày – Nùng nói riêng cũng như các dân tộc thiểu số nói chung xứng đáng được tìm hiểu, nghiên cứu, thống kê qua những công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc. 


Diệp Hằng - Đài PTTH Lạng Sơn

  • Từ khóa