Trả lời bạn xem truyền hình ngày 09/01/2024

Thứ 3, 09.01.2024 | 14:27:02
2,143 lượt xem

Câu 1. Ông Vi Văn Chung trú tại phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn hỏi: Quyền và nghĩa vụ của thành viên góp vốn gồm những gì? Thành viên góp vốn của công ty hợp danh có phải chịu trách nhiệm với khoản nợ của công ty không?

Trả lời

Tại Điều 187 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định quyền và nghĩa vụ của thành viên góp vốn như sau:

- Thành viên góp vốn có quyền sau đây:

+ Tham gia họp, thảo luận và biểu quyết tại Hội đồng thành viên về việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty, sửa đổi, bổ sung các quyền và nghĩa vụ của thành viên góp vốn, về tổ chức lại, giải thể công ty và nội dung khác của Điều lệ công ty có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của họ;

+ Được chia lợi nhuận hằng năm tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp trong vốn điều lệ của công ty;

+ Được cung cấp báo cáo tài chính hằng năm của công ty; có quyền yêu cầu Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên hợp danh cung cấp đầy đủ và trung thực thông tin về tình hình và kết quả kinh doanh của công ty; xem xét sổ kế toán, biên bản, hợp đồng, giao dịch, hồ sơ và tài liệu khác của công ty;

+ Chuyển nhượng phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác;

+ Nhân danh cá nhân hoặc nhân danh người khác tiến hành kinh doanh ngành, nghề kinh doanh của công ty;

+ Định đoạt phần vốn góp của mình bằng cách để thừa kế, tặng cho, thế chấp, cầm cố và các hình thức khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty; trường hợp chết thì người thừa kế thay thế thành viên đã chết trở thành thành viên góp vốn của công ty;

+ Được chia một phần giá trị tài sản còn lại của công ty tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp trong vốn điều lệ công ty khi công ty giải thể hoặc phá sản;

+ Quyền khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều lệ công ty.

- Thành viên góp vốn có nghĩa vụ sau đây:

+ Chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp;

+ Không được tham gia quản lý công ty, không được tiến hành công việc kinh doanh nhân danh công ty;

+ Tuân thủ Điều lệ công ty, nghị quyết và quyết định của Hội đồng thành viên;

+ Nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều lệ công ty.

Theo Điều 177 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về công ty hợp danh, trong đó cũng nêu rõ về thành viên góp vốn như sau:

- Công ty hợp danh là doanh nghiệp, trong đó:

+ Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn;

+ Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;

+ Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.

- Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

- Công ty hợp danh không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.

Như vậy, theo quy định nêu trên, thành viên góp vốn là tổ chức hoặc cá nhân, và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết.


Câu 2: Bà Đặng Thị Vân, trú tại thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về việc giải quyết khiếu nại lao động?

Trả lời

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 24/2018/NĐ-CP ngày 27/02/2018 của Chính phủ quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, việc làm, an toàn, vệ sinh lao động, thì khiếu nại về lao động là việc người lao động, người học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động, người thử việc theo thủ tục quy định tại Nghị định 24/2018/NĐ-CP yêu cầu người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại về lao động xem xét lại quyết định, hành vi về lao động của người sử dụng lao động khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật lao động, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Các hình thức khiếu nại về lao động quy định tại Điều 6 Nghị định 24/2018/NĐ-CP như sau:

- Khiếu nại thực hiện bằng hình thức gửi đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp, được quy định như sau:

+ Khiếu nại bằng hình thức gửi đơn thì trong đơn khiếu nại ghi rõ nội dung sau đây: ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại (nếu có) và yêu cầu giải quyết khiếu nại. Đơn khiếu nại do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ;

+ Khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận khiếu nại ghi lại đầy đủ nội dung khiếu nại theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định 24/2018/NĐ-CP và yêu cầu người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ vào văn bản.

- Trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung thì thực hiện như sau:

+ Khiếu nại bằng hình thức gửi đơn thì trong đơn ghi đầy đủ nội dung quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, có chữ ký của những người khiếu nại và cử người đại diện để trình bày khi có yêu cầu của người giải quyết khiếu nại;

+ Khiếu nại trực tiếp thì cơ quan có thẩm quyền tổ chức tiếp và đề nghị cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại; người tiếp nhận khiếu nại ghi lại đầy đủ nội dung khiếu nại theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định 24/2018/NĐ-CP và yêu cầu người đại diện ký tên hoặc điểm chỉ vào văn bản.

- Trường hợp khiếu nại được thực hiện thông qua người đại diện thì người đại diện phải có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của việc đại diện và thực hiện khiếu nại theo quy định của Nghị định 24/2018/NĐ-CP.

Thẩm quyền giải quyết khiếu nại về lao động quy định tại Điều 15 Nghị định 24/2018/NĐ-CP như sau:

- Người sử dụng lao động có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định, hành vi về lao động, an toàn, vệ sinh lao động của mình bị khiếu nại.

- Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai đối với khiếu nại về lao động, an toàn, vệ sinh lao động khi người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu theo quy định tại Điều 23 hoặc đã hết thời hạn quy định tại Điều 20 Nghị định 24/2018/NĐ-CP mà khiếu nại không được giải quyết.

- Thẩm quyền giải quyết khiếu nại về điều tra tai nạn lao động theo quy định tại Điều 17 Nghị định 39/2016/NĐ-CP.

Thời hạn thụ lý giải quyết khiếu nại lần đầu về lao động quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định 24/2018/NĐ-CP như sau:

- Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc phạm vi, thẩm quyền giải quyết của mình, người giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý giải quyết và thông báo bằng văn bản về việc thụ lý giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại và Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính;

- Trường hợp khiếu nại do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác chuyển đến, ngoài việc thông báo theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 19 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, người giải quyết khiếu nại lần đầu phải thông báo bằng văn bản về việc thụ lý giải quyết khiếu nại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chuyển khiếu nại đến.

- Trường hợp khiếu nại về điều tra tai nạn lao động thì giải quyết theo quy định tại Điều 17 Nghị định 39/2016/NĐ-CP.

Câu 3. Ông Hà Văn Tin trú tại xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn hỏi: Việc kinh doanh pháo hoa của Bộ quốc phòng cần đảm bảo những điều kiện gì?

Theo điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 137/2020/NĐ-CP thì pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.

Theo khoản 2 Điều 14 Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh pháo hoa của Bộ Quốc phòng như sau:

- Chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được kinh doanh pháo hoa và phải được cơ quan Công an có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; bảo đảm các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường;

- Kho, phương tiện vận chuyển, thiết bị, dụng cụ phục vụ kinh doanh pháo hoa phải phù hợp, bảo đảm điều kiện về bảo quản, vận chuyển, phòng cháy và chữa cháy;

- Người quản lý, người phục vụ có liên quan đến kinh doanh pháo hoa phải được huấn luyện về kỹ thuật an toàn;

- Chỉ được kinh doanh pháo hoa bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định.

  • Từ khóa