Làng không nuôi hổ nhưng nông dân đổi đời nhờ ảnh chúa sơn lâm khắp nơi

Thứ 3, 26.03.2024 | 14:43:02
346 lượt xem

Wanggongzhuang ở Hà Nam, Trung Quốc từng là ngôi làng nghèo nhưng nhờ những bức ảnh về chúa sơn lâm, cuộc sống của người dân nơi đây đã thay đổi từng ngày.

Trong khi nhiều địa phương giàu có nhờ sản xuất nông nghiệp, xây dựng nhà máy, mở khu công nghiệp, làng Wanggongzhuang ở Hà Nam, Trung Quốc lại giàu lên nhờ nghệ thuật.

Đây được mệnh danh là ngôi làng chuyên vẽ tranh hổ đẹp nhất Trung Quốc. Việc vẽ tranh của người dân trong làng để bán bắt đầu từ những năm 1950. Dân làng nơi đây chuyên vẽ tranh các vị thần để mọi người treo trong dịp Tết.

Làng không nuôi hổ nhưng nông dân đổi đời nhờ ảnh chúa sơn lâm khắp nơi - 1

Hình ảnh chúa sơn lâm ở khắp mọi nơi trong các gia đình của làng này (Ảnh: PP).

Từ những năm 1980, một số người dân trong làng đã vẽ các bức tranh hổ và dần trở nên nổi tiếng. Anh Xiao Yanqing - một trong những người vẽ tranh hổ đẹp nhất ở ngôi làng này, cho biết, vì hoàn cảnh nghèo, nên cách đây vài chục năm, tranh của anh là nguồn thu nhập của gia đình.

Con hổ đại diện cho sự uy quyền, oai phong nên nhiều gia đình thích treo tranh hổ với cầu mong may mắn, tài lộc... 

Năm 1998 là năm con hổ theo lịch Âm, khách hàng đặt mua tranh hổ rất nhiều, nhờ vậy bản thân anh có nguồn thu nhập lớn. Từ đó, Xiao Yanqing chỉ tập trung vào việc vẽ tranh hổ, dù công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ và nhiều chi tiết.  

Một năm sau đó, kinh tế của gia đình Xiao Yanqing được cải thiện nhờ các bức tranh về hổ được khách mua nhiều. Gia đình anh là hộ đầu tiên trong làng mua được tivi màu.

Làng không nuôi hổ nhưng nông dân đổi đời nhờ ảnh chúa sơn lâm khắp nơi - 2

Nhiều bức tranh hổ của làng đã được bán ra nước ngoài (Ảnh: SN).

Năm 2002, tác phẩm của Xiao Yanqing được bán sang Singapore. Đây là lần đầu tiên tranh hổ ở làng này được bán ra nước ngoài. Từ sự thành công của anh, nhiều người trong làng đã học vẽ tranh hổ.

Các bức tranh hổ được khách khắp nơi đặt mua góp phần thay đổi bộ mặt của làng. Nhiều hộ không chỉ xây nhà cửa khang trang mà còn mua ô tô, sắm nhiều món đồ gia dụng cho người thân. Dù ngôi làng không có hộ dân nào nuôi hổ song người ta thấy hình ảnh của chúa sơn lâm hiện diện ở khắp nơi.

Năm 2007, chính quyền địa phương đã đăng ký nhãn hiệu tranh hổ giúp tác phẩm của người dân được bảo hộ bản quyền.

Nhằm đạt được thành công, cư dân ở đây xác định hai yếu tố quan trọng là mời các họa sĩ giỏi về làng dạy cách vẽ, đồng thời quảng bá tác phẩm ra thị trường thông qua các cuộc triển lãm.

Tiếng lành đồn xa nên có nhiều bức tranh của người dân trong làng được bán với giá 400.000 tệ (hơn 1,3 tỷ đồng), thậm chí có những bức tranh còn đắt hơn thế. Tuy vậy, việc vẽ tranh hổ không hề đơn giản.

Những họa sĩ của làng phải trau chuốt từng đường nét, giúp toát lên sự oai phong, uy quyền, sức mạnh của loài hổ góp phần đưa căn nhà của khách hàng có màu sắc ấn tượng nhất. 

Làng không nuôi hổ nhưng nông dân đổi đời nhờ ảnh chúa sơn lâm khắp nơi - 3

Bộ mặt của làng đã thay đổi hoàn toàn nhờ vẽ tranh (Ảnh: PP).

Anh Wang Jianhui - người vẽ tranh hổ nổi tiếng của làng Wanggongzhuang cho hay, về cơ bản, dân làng đã thoát nghèo. Trung bình ở đây, người dân bán 100.000 bức tranh hổ mỗi năm, tổng doanh thu gần 100 triệu tệ (hơn 340 tỷ đồng).

Được biết, hiện có 900 trong số 1.366 cư dân của làng làm công việc liên quan đến vẽ tranh cùng các ngành liên quan. Trong đó có 2 người là thành viên của Hiệp hội Nghệ thuật Trung Quốc, còn 48 người là thành viên của Hội Nghệ thuật tỉnh Hà Nam.

Khi nhu cầu mua hàng online nhiều hơn, cư dân ở đây cũng nắm bắt xu hướng, bán tranh trên Internet. Họ lập kênh bán hàng qua mạng, mỗi năm có 1/3 số tranh của làng này được mua qua các kênh mua sắm trực tuyến, doanh thu đưa về không hề nhỏ. 

Sự nổi tiếng của ngôi làng này đã thu hút mọi người đến học hỏi kinh nghiệm. Thậm chí, nhiều gia đình còn mở xưởng dạy vẽ tranh giúp truyền nghề cho mọi người gần xa.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/du-lich/lang-khong-nuoi-ho-nhung-nong-dan-doi-doi-nho-anh-chua-son-lam-khap-noi-20240326111845844.htm

  • Từ khóa