Đề nghị bổ sung chế tài xử lý người trúng đấu giá bỏ cọc

Thứ 5, 28.03.2024 | 10:18:16
330 lượt xem

Góp ý vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cụ thể và xử lý hình sự đối với những trường hợp bỏ cọc sau khi trúng đấu giá.

Chiều 27/3, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Đây là dự án luật được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 và dự kiến trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp tháng 5 sắp tới.

Chế tài với trường hợp người trúng đấu giá một số loại tài sản mà vi phạm nghĩa vụ thanh toán dẫn đến quyết định công nhận kết quả đấu giá bị hủy là nội dung được bổ sung trong dự thảo luật lần này.

Theo cơ quan thẩm tra là Ủy ban Kinh tế, có một số ý kiến đề nghị bổ sung chế tài cụ thể để xử lý người trúng đấu giá bỏ cọc. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, đấu giá tài sản là quan hệ dân sự nên không xử lý hành chính, hình sự. Ý kiến này đồng thời đề nghị quy định người trúng đấu giá được từ chối kết quả trúng đấu giá do có sự kiện bất khả kháng.

Đề nghị bổ sung chế tài xử lý người trúng đấu giá bỏ cọc - 1

Biển số 30K-999.99 có mức tiền trúng đấu giá kỷ lục hơn 75,2 tỷ đồng nhưng người trúng đấu giá đã bỏ cọc (Ảnh chụp màn hình).

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cụ thể và xử lý hình sự đối với những trường hợp bỏ cọc không thực hiện kết quả trúng đấu giá, có dấu hiệu thao túng, gây rối trật tự, ảnh hưởng xấu đến an ninh kinh tế.

Thường trực Ủy ban Kinh tế cho biết dự thảo được tiếp thu theo hướng bổ sung trường hợp người trúng đấu giá quyền sử dụng đất mà vi phạm nghĩa vụ thanh toán, dẫn đến quyết định công nhận kết quả đấu giá bị hủy, sẽ bị cấm tham gia đấu giá đối với loại tài sản đó trong thời hạn từ 6 tháng đến 5 năm, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.

Theo cơ quan thẩm tra luật, việc bổ sung quy định này nhằm ngăn chặn các hành vi tiêu cực, gây lũng đoạn thị trường, ngăn chặn tình trạng bỏ cọc hoặc thổi phồng giá trị tài sản để trục lợi trong đấu giá tài sản.

Báo cáo của cơ quan thẩm tra nêu rõ Điều 218 của Bộ luật Hình sự đã có quy định về chế tài hình sự đối với hành vi thông đồng, dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản. Đồng thời, Nghị định số 82 của Chính phủ cũng  quy định cụ thể về chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm tương ứng, trong đó có hành vi thông đồng, dìm giá.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng tại Nghị định số 82 chưa có quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi bỏ cọc. Vì vậy, ý kiến này đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 82 hoặc sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật Đấu giá tài sản về chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi bỏ cọc với mức xử phạt phù hợp, đủ sức răn đe và ngăn ngừa.

Nếu xác định được gây mất an ninh, trật tự, gây thiệt hại về người và tài sản thì cần thiết phải bổ sung cả chế tài hình sự.

Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung 41 điều, khoản của Luật Đấu giá tài sản (Luật hiện hành), bổ sung 2 điều mới và bỏ 1 điều; tăng 16 điều, khoản so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/xa-hoi/de-nghi-bo-sung-che-tai-xu-ly-nguoi-trung-dau-gia-bo-coc-20240327141557539.htm

  • Từ khóa