Chế tài chưa đủ mạnh, người lao động còn thiệt thòi

Thứ 6, 29.03.2024 | 14:27:36
354 lượt xem

Việc doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động không chỉ ảnh hưởng quyền lợi của người lao động mà còn làm giảm nghiêm trọng hiệu quả chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành chưa có quy định tách biệt, định nghĩa rõ ràng về hành vi chậm đóng và hành vi trốn đóng BHXH, dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng biện pháp xử lý. Chế tài hiện không đủ mạnh, sẽ còn xuất hiện nhiều doanh nghiệp chây ỳ, triền miên nợ và trốn đóng BHXH.

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Fujikin Bắc Ninh, Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh. (Ảnh: ANH SƠN)

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết tháng 12/2023, tổng số tiền chậm đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) của các cơ quan, doanh nghiệp lên tới khoảng 13.356 tỷ đồng. Việc chậm đóng BHXH này ảnh hưởng quyền lợi của hàng trăm nghìn người lao động.

Có thể kể vài thí dụ điển hình như: Công ty Khóa Minh Khai nợ đọng BHXH kéo dài, từ năm 2019 đến nay số tiền chậm đóng là hơn 13,4 tỷ đồng; Công ty cổ phần Dệt 19.5 Hà Nội, Chi nhánh Hà Nam (Công ty Dệt 19.5) không đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động từ năm 2019; đến ngày 8/3/2024, công ty chậm đóng BHXH hơn 14 tỷ đồng. Chánh Thanh tra Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính cả hai công ty này, tuy nhiên đến nay cả hai vẫn chưa đóng tiền phạt.

Từ năm 2018 đến hết tháng 12/2023, toàn ngành BHXH Việt Nam gửi 417 hồ sơ kiến nghị khởi tố sang cơ quan điều tra. Đến nay, mới có 15 hồ sơ được khởi tố, trong đó 8 bản án đã có hiệu lực pháp luật với số tiền cá nhân, tổ chức phải thi hành án hơn 2,69 tỷ đồng, số tiền cơ quan BHXH đã thu hồi được từ thi hành án đạt hơn 2,381 tỷ đồng. 220 hồ sơ không khởi tố được, do cơ quan công an xác định hành vi chậm đóng chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, không có yếu tố gian dối hoặc thủ đoạn khác.

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, cơ quan BHXH không còn thẩm quyền khởi kiện đòi BHXH, quyền này được chuyển cho tổ chức công đoàn. Tuy nhiên, vấn đề này đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc do tổ chức công đoàn chỉ được tham gia khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm khi được người lao động ủy quyền. Cá nhân người lao động phải là chủ thể đứng đơn.

Đối với những doanh nghiệp đông công nhân có tới vài chục nghìn người lao động, việc ủy quyền sẽ tăng thêm thủ tục hành chính, tốn thời gian, công sức và ảnh hưởng đến tính khả thi. Cho nên, nếu chỉ cần người lao động đề nghị tổ chức công đoàn thay mặt họ khởi kiện là đủ, thì việc giải quyết sẽ dễ dàng hơn, bởi công đoàn là tổ chức đại diện đương nhiên cho người lao động theo Điều 10 Hiến pháp và Điều 1 Luật Công đoàn.

Chia sẻ tại tọa đàm với chủ đề: “Chế tài không đủ mạnh, sẽ còn nhiều doanh nghiệp chây ỳ, nợ và trốn đóng BHXH” do Báo Lao Động tổ chức vừa qua, nguyên Chủ tịch Công đoàn Nhà máy Dệt thuộc Công ty cổ phần Dệt 19.5 Hà Nội, Chi nhánh Hà Nam (Công ty Dệt 19.5) Lê Thị Hiền cho biết: Việc Công ty Dệt 19.5 nợ BHXH của người lao động kéo dài khiến đời sống, việc làm của hơn 200 người lao động gặp rất nhiều khó khăn; trong đó có những người không được chốt sổ về hưu; không được đóng nối BHXH; không có thẻ BHYT.

Do vậy, khi mắc bệnh người lao động không được hưởng chế độ BHYT, chi phí khám, chữa bệnh rất tốn kém; không được hưởng BHTN... Mặc dù bà Hiền và nhiều công nhân khác nhiều lần gửi đơn tới các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Nam nhưng sự việc vẫn “giậm chân tại chỗ”. Mới đây nhất, bà Hiền nhận được thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Duy Tiên đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ việc có dấu hiệu trốn đóng BHXH cho người lao động tại Công ty Dệt 19.5.

Các đại biểu tham gia tọa đàm đều bày tỏ việc hàng trăm trường hợp doanh nghiệp chậm đóng BHXH hàng chục tỷ đồng nhưng không bị xử lý hình sự bởi còn gặp vướng mắc sẽ dẫn tới hậu quả các công ty khác coi thường quy định của pháp luật, không thực hiện nghĩa vụ đối với người lao động. Phó Trưởng ban Chính sách, Pháp luật Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng cho rằng, nguyên nhân tình trạng doanh nghiệp chậm, trốn đóng BHXH là do ý thức tuân thủ pháp luật của chủ sử dụng lao động kém; việc thanh tra, kiểm tra chưa kịp thời; xử lý chưa nghiêm minh, chưa đủ sức răn đe.

Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn, Liên đoàn Luật sư Việt Nam Lê Hồng Lam cho rằng, ngoài việc chuyển hồ sơ có dấu hiệu hình sự các doanh nghiệp chậm, trốn đóng BHXH sang cơ quan công an theo Điều 216, Bộ luật Hình sự, tổ chức công đoàn cũng có thể đại diện cho người lao động khởi kiện doanh nghiệp; còn người lao động khởi kiện chủ sử dụng lao động về lĩnh vực lao động. Nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động ở những doanh nghiệp có chủ bỏ trốn, phá sản, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cần nêu đề xuất, khi thanh lý tài sản của doanh nghiệp phá sản, cần ưu tiên nguồn tài chính trả lương nợ và nộp BHXH cho người lao động.

Nhằm hạn chế tình trạng doanh nghiệp chậm đóng BHXH kéo dài, cơ quan BHXH và tổ chức công đoàn cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động, giúp họ hiểu rõ về quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi tham gia BHXH; tích cực tham gia giám sát việc thực hiện đóng BHXH của doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tố giác hành vi chây ỳ của doanh nghiệp, đồng thời bảo vệ quyền lợi của họ khi tố giác hành vi trên.

Để bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHXH, các chuyên gia lao động, công đoàn cho rằng cần bổ sung một số biện pháp, chế tài như khấu trừ tiền nợ BHXH tại các tài khoản ngân hàng sau khi đã có thông báo đôn đốc của cơ quan BHXH đưa ra trong thời gian nhất định, công khai danh tính các đơn vị nợ BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời, cần có các quy định đồng bộ, khả thi nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra hiện nay trong việc khởi kiện dân sự và khởi tố hình sự đối với người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH.

Tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, một trong những nội dung được quan tâm, góp ý là vấn đề xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc. Dự thảo luật chỉnh lý không chỉ tăng cường trách nhiệm của cơ quan BHXH, Ủy ban nhân dân các cấp mà còn cả các bộ, ngành, cơ quan có liên quan trong việc đôn đốc người sử dụng lao động thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH, góp phần hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH; bổ sung quy định cơ chế đặc thù để góp phần bảo vệ quyền lợi của người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng BHXH.

Dự thảo luật dự kiến chỉnh lý theo hướng làm rõ và tách riêng các điều về xác định chậm đóng, trốn đóng; xử lý chậm đóng, trốn đóng BHXH. Góp ý nội dung này, các đại biểu đồng tình đề nghị bổ sung chế tài xử lý, khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự đối với hành vi trốn đóng BHXH.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/che-tai-chua-du-manh-nguoi-lao-dong-con-thiet-thoi-post802142.html

  • Từ khóa