Chi Lăng: Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Thứ 4, 11.11.2020 | 08:35:32
617 lượt xem

Thời gian qua, người dân huyện Chi Lăng đã chủ động chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn. Hướng đi này góp phần gia tăng giá trị canh tác, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người dân.

Năm 2015, toàn huyện Chi Lăng mới có 1.172 ha na, đến năm 2020, diện tích na của huyện đã lên đến 1.860 ha. Đặc biệt, nếu như trước đây, bà con chủ yếu chỉ trồng na trên các triền núi cao, thì từ năm 2003, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây na, người dân đã mạnh dạn trồng na tại các chân ruộng một vụ.

Người dân thôn Than Muội, thị trấn Đồng Mỏ chăm sóc cà chua

Ông Mã Văn Lét, thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng cho biết: Trước đây, gia đình trồng na trên núi đá. Từ năm 2003, tôi trồng thêm 800 gốc na tại chân ruộng cao, không chủ động được nước. Đồng thời, qua các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, từ năm 2015, tôi bắt đầu sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP, năm 2017, tôi bắt đầu sản xuất na trái vụ. Hiện nay, trung bình mỗi năm, tôi thu hoạch 2 vụ na, mỗi vụ từ 6 đến 7 tấn, trừ chi phí thu nhập từ 300 đến 400 triệu đồng/năm.

Không chỉ gia đình ông Lét, mà hiện nay trên địa bàn huyện Chi Lăng đã và đang có hàng nghìn hộ có thu nhập cao từ cây na. Ngoài cây na, từ năm 2015, người dân tích cực trồng và mở rộng diện tích cây ăn quả như: táo, bưởi, nhãn, ổi… nâng tổng diện tích cây ăn quả của toàn huyện hiện nay lên 3.700 ha, tăng 840 ha so với năm 2015.

Bên cạnh việc phát triển trồng cây ăn quả, từ năm 2010, bà con đã tận dụng các chân ruộng trồng lúa kém hiệu quả để chuyển sang các cây trồng giá trị kinh tế cao hơn như: ớt, lạc, dưa hấu, bí xanh, cà chua, khoai tây, rau bò khai….

Nhanh tay buộc những thân cây cà chua lên giàn, bà Vi Thị Lương, thôn Than Muội, thị trấn Đồng Mỏ cho biết: Gia đình tôi có hơn 1 mẫu đất, trước đây chỉ trồng lúa 1 vụ, còn lại đất bỏ không. Cách đây 10 năm, tôi đã luân canh, tăng vụ trồng thêm rau màu, rau vụ đông. Hiện nay, tôi trồng 3 đến 4 sào cà chua; 4 đến 6 sào ớt và 2 sào rau vụ đông các loại/năm. Nhờ trồng rau màu, gia đình tôi thu nhập bình quân từ 100 đến 120 triệu đồng/năm, cao hơn rất nhiều so với trồng lúa, ngô.

Để tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, hằng năm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề lao động nông thôn cho bà con. Từ năm 2016 đến nay,  các cơ quan, đơn vị ở huyện đã tổ chức được 40 lớp dạy nghề và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho gần 1.400 lượt học viên tham gia.

Cùng với đó, huyện chỉ đạo các xã căn cứ vào đặc điểm tự nhiên để tuyên truyền, định hướng người dân phát triển cây trồng phù hợp. Hiện nay, huyện đã hình thành được một số vùng sản xuất tập trung như: vùng lạc tập trung ở các xã: Bằng Mạc, Bằng Hữu, Vạn Linh; vùng trồng ớt ở các xã: Mai Sao, Nhân Lý, Bắc Thủy, Quan Sơn, thị trấn Đồng Mỏ; vùng trồng rau màu tập trung ở các xã: Mai Sao, Quan Sơn, thị trấn Đồng Mỏ; vùng trồng cây ăn quả ở các xã: Chi Lăng, Mai Sao, Y Tịch, thị trấn Chi Lăng…

Ông Lương Thành Chung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Chi Lăng cho biết: Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng và phát triển bền vững, phòng đã phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND huyện xây dựng quy hoạch các vùng sản xuất; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp liên kết, đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Đến nay, tại huyện đã bước đầu hình thành một số mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm hiệu quả như: mô hình liên kết trồng cây dong riềng tại xã Chiến Thắng; liên kết sản xuất và tiêu thụ lạc hè thu tại xã Bằng Mạc; liên kết sản xuất và tiêu thụ khoai tây tại 8 xã, thị trấn….

Từ sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước kết hợp cùng sự chủ động của người dân, thời gian qua, người dân trên địa bàn huyện Chi Lăng đã chuyển dịch cơ cấu cây trồng hiệu quả. Giá trị sản xuất đạt trên 200 triệu đồng/ha, tăng trên 100 triệu đồng/ha so với năm 2015. Đời sống người dân không ngừng được cải thiện, góp phần thiết thực vào phát triển kinh tế – xã hội của huyện.


TUỆ HƯƠNG/baolangson.vn

http://baolangson.vn/kinh-te/nong-nghiep/323180-chi-lang-hieu-qua-tu-chuyen-doi-co-cau-cay-trong.html


  • Từ khóa