Bồi đắp lịch sử truyền thống

Thứ 3, 04.04.2023 | 08:28:34
1,140 lượt xem

Nét nổi bật trong thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 18-1-2018 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trong Đảng bộ Bộ đội Biên phòng (BĐBP), đó là: Các đơn vị đã tích cực triển khai đưa nội dung tuyên truyền lịch sử Đảng vào sinh hoạt chi bộ; lồng ghép giáo dục lịch sử trong các kế hoạch, chương trình giáo dục chính trị tại đơn vị, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả.

Minh chứng như Đồn Biên phòng Leng Su Sìn, BĐBP tỉnh Điện Biên đóng quân trên địa bàn xã Leng Su Sìn (Mường Nhé, Điện Biên), nơi có Khu tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Thọ, "địa chỉ đỏ" về giáo dục lịch sử truyền thống. Để tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cho bộ đội, thời gian qua, đơn vị duy trì thường xuyên các buổi sinh hoạt chuyên đề về ý nghĩa lịch sử, tinh thần chiến đấu, cống hiến của Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Thọ và cán bộ, chiến sĩ biên phòng đối với đồng bào Tây Bắc.

Trung tá Đinh Công Điện, Chính trị viên Đồn Biên phòng Leng Su Sìn cho biết: “Đơn vị còn phối hợp với các tổ chức, đoàn thể tổ chức cho thanh niên gặp gỡ các nhân chứng, tìm hiểu các di tích lịch sử; tham gia chỉnh trang nghĩa trang liệt sĩ, thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ. Đây là hình thức giáo dục lịch sử trực quan, sinh động, thiết thực, ý nghĩa đang được nhân rộng”.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Leng Su Sìn ôn lại lịch sử truyền thống tại Khu tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Thọ (tháng 8-2022). Ảnh: VĂN CHUNG 

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Leng Su Sìn ôn lại lịch sử truyền thống tại Khu tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Thọ (tháng 8-2022). Ảnh: VĂN CHUNG 

Để mềm hóa nội dung giáo dục lịch sử, bên cạnh việc tổ chức giáo dục trực tiếp trên giảng đường, thời gian qua, các đơn vị trong toàn lực lượng triển khai bằng nhiều hình thức trực quan, sinh động, như: Chiếu phim tài liệu lịch sử về đề tài người lính; tổ chức tọa đàm lồng ghép các câu hỏi về lịch sử; tổ chức tham quan tìm hiểu tại nhà bảo tàng, nhà truyền thống, Phòng Hồ Chí Minh của đơn vị; viết và đăng tin, bài trên trang mạng xã hội tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ về lịch sử của dân tộc, của Đảng, Quân đội, BĐBP... Thông qua đó bồi đắp cho cán bộ, chiến sĩ niềm tự hào về truyền thống; bồi đắp động cơ, ý chí, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ.

Để nâng cao chất lượng giáo dục lịch sử cho bộ đội, thời gian qua, các đơn vị trong toàn lực lượng đã phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa trong BĐBP. Toàn lực lượng thành lập mới 45 nhà văn hóa; xây dựng và trưng bày mới Bảo tàng Biên phòng, phòng truyền thống ở Bộ chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành phố, đơn vị trực thuộc; Phòng Hồ Chí Minh ở các đồn biên phòng; xây dựng Tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” ở các đơn vị; xuất bản bộ ảnh “Truyền thống Anh hùng LLVT nhân dân của BĐBP Việt Nam”...

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư mới đây, Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP khẳng định: “5 năm qua, Đảng ủy BĐBP đã làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trong toàn lực lượng, góp phần xây dựng Đảng bộ BĐBP vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ; lãnh đạo lực lượng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc”.


PHẠM NGỌC THỦY

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/boi-dap-lich-su-truyen-thong-723824

  • Từ khóa