Ấn Độ điều hơn 20 tàu chiến, máy bay tìm phi công mất tích

Thứ 3, 01.12.2020 | 08:30:19
331 lượt xem

Hải quân Ấn Độ đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm phi công mất tích trong vụ rơi tiêm kích MiG-29KUB trên biển Arab hồi tuần trước.

Hải quân Ấn Độ đang triển khai 9 tàu chiến, 14 máy bay, nhiều thợ lặn và xuồng cao tốc để tìm kiếm trung tá Nishant Singh, phi công mất tích trong vụ rơi tiêm kích MiG-29K trên biển Arab. Cảnh sát biển và cảnh sát đường thủy cũng điều lực lượng tìm kiếm ven biển và thông báo cho các ngư dân hỗ trợ, giới chức quốc phòng nước này cho biết hôm qua.

Tiêm kích hạm MiG-29KUB cất cánh từ tàu sân bay INS Vikramaditya và gặp nạn khi bay huấn luyện ngoài khơi bang Goa, tây nam Ấn Độ, chiều 26/11. Sự cố xảy ra chỉ vài ngày sau khi tàu sân bay INS Vikramaditya và nhiều chiến hạm Ấn Độ tham gia cuộc diễn tập chung với Mỹ, Nhật Bản và Australia.

Một trong hai phi công được giải cứu và không gặp nguy hiểm tính mạng, trong khi chưa có dấu hiệu của trung tá Singh. Lực lượng tìm kiếm đã phát hiện nhiều mảnh vỡ của chiếc MiG-29KUB, gồm càng đáp, thùng dầu và cửa hút khí động cơ.

Tiêm kích MiG-29KUB Ấn Độ bay huấn luyện năm 2017. Ảnh: Indian Navy.

Tiêm kích MiG-29KUB Ấn Độ bay huấn luyện năm 2017. Ảnh: Indian Navy.

Ấn Độ đặt mua tổng cộng 45 tiêm kích hạm MiG-29K do Nga sản xuất, gồm bản một chỗ ngồi MiG-29K và MiG-29KUB hai chỗ ngồi. Chúng được trang bị cho hai phi đoàn không quân hải quân đóng tại Goa, trong đó một đơn vị triển khai trên tàu sân bay INS Vikramaditya.

MiG-29K là tiêm kích hạm đa năng phòng thiết kế Mikoyan phát triển từ cuối thập niên 1970, nhưng không được hải quân Liên Xô đặt mua. Dự án tái khởi động vào năm 2004 khi New Delhi muốn mua tàu sân bay của Moskva, phiên bản MiG-29K mới được xây dựng trên nền tảng tiêm kích đa nhiệm MiG-29M. Mikoyan gọi phiên bản MiG-29K là máy bay thế hệ 4++, tương đương với dòng Su-35S.

Phiên bản MiG-29K Ấn D dộ được trang bị radar Zhuk-ME, có thể phát hiện mục tiêu trên không, trên biển và đất liền từ khoảng cách 120 km. Thông tin điều khiển được hiển thị trên các màn hình đa chức năng (MFD), thay vì đồng hồ cơ khí như MiG-29 nguyên bản.

MiG-29K có thể sử dụng tên lửa đối không mang đầu dò radar chủ động RVV-AE, cùng nhiều loại tên lửa chống hạm và diệt radar, cũng như bom dẫn đường.

Máy bay ứng dụng nhiều công nghệ làm giảm khả năng phát hiện của đối phương như sơn hấp thụ radar, động cơ không khói và giảm bộc lộ hồng ngoại, cùng hệ thống tác chiến điện tử để tăng khả năng sống sót trong chiến đấu.


Vũ Anh/Vnexpress.net

https://vnexpress.net/an-do-dieu-hon-20-tau-chien-may-bay-tim-phi-cong-mat-tich-4199499.html

  • Từ khóa