Trả lời bạn xem truyền hình ngày 26/07/2022

Thứ 3, 26.07.2022 | 14:47:29
569 lượt xem

Câu 1. Bà Hoàng Thị Thuyền, trú tại xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình hỏi: Trường hợp nào thân nhân liệt sỹ thuộc đối tượng được hỗ trợ về nhà ở?

Trả lời:

          Theo quy định tại Điều 2 Quyết định 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, đã quy định hộ gia đình được được hỗ trợ về nhà ở phải có đủ các điều kiện sau:

          1. Là hộ gia đình có người có công với cách mạng đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận, bao gồm:

          a) Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945;

          b) Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;

          c) Thân nhân liệt sỹ;

          d) Bà mẹ Việt Nam anh hùng;

          đ) Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân;

          e) Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến;

          g) Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh;

          h) Bệnh binh;

          i) Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học;

          k) Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày;

          l) Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế;

          m) Người có công giúp đỡ cách mạng.

          2. Hộ đang ở nhà tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng nặng (kể cả các hộ đã được hỗ trợ theo các chính sách khác trước đây) với mức độ như sau:

          a) Phải phá dỡ để xây mới nhà ở;

          b) Phải sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở.

          Như vậy, thân nhân liệt sỹ đang ở nhà tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng nặng với mức độ phải phá dỡ để xây mới nhà ở; Phải sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở mới thuộc trường hợp được hỗ trợ về nhà ở theo quy định tại Quyết định 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Câu 2. Ông Hoàng Anh Tuấn, trú tại xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn hỏi: Trường hợp nào được cấp lại bằng Tổ quốc ghi công? Hồ sơ, thủ tục cấp lại Bằng Tổ quốc ghi công ?

          Trả lời: 

          Điều 24 Nghị định 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng cụ thể như sau:

          1. Cấp lại Bằng “Tổ quốc ghi công” trong các trường hợp sau: bị mất; bị thiếu thông tin do mờ chữ hoặc bị hư hại.

          2. Hồ sơ, thủ tục cấp lại Bằng “Tổ quốc ghi công”:

          a) Đại diện thân nhân liệt sĩ hoặc người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ làm đơn đề nghị theo Mẫu số 16 Phụ lục I Nghị định này gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú (kèm theo bằng cũ nếu còn).

          b) Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 05 ngày làm việc có trách nhiệm xác nhận bản khai, tổng hợp, lập danh sách và tờ trình gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.

          c) Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm lập và gửi danh sách kèm các giấy tờ theo quy định đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ liệt sĩ.

          d) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:

          Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ phải kiểm tra, đối chiếu hồ sơ liệt sĩ, lập danh sách cấp lại Bằng “Tổ quốc ghi công” theo Mẫu số 83 Phụ lục I Nghị định này đối với những trường hợp đủ điều kiện và có đầy đủ thông tin ghi theo giấy báo tử của liệt sĩ kèm văn bản đề nghị gửi Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội.

          Trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận được Bằng “Tổ quốc ghi công” cấp lại, gửi Bằng “Tổ quốc ghi công” đến người đề nghị.

          Câu 3. Ông Nông Văn Thắng, trú tại xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi hủy hoại đất; gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác ?

            Điều 15 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, quy định xử phạt hành vi hủy hoại đất như sau:

          1. Trường hợp làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất thì hình thức và mức xử phạt như sau:

          a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại dưới 0,05 héc ta;

          b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;

          c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;

          d) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;

          đ) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 01 héc ta trở lên.

          2. Trường hợp gây ô nhiễm thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

          3. Biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này:

          Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Trường hợp người có hành vi vi phạm không chấp hành thì Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 64 của Luật đất đai (Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất).

          Điều 16 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, quy định xử phạt hành gây cản trở hoặc gây thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác bị xử phạt như sau:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với trường hợp đưa vật liệu xây dựng hoặc các vật khác lên thửa đất của người khác hoặc thửa đất của mình mà gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác.

          2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với trường hợp đưa chất thải, chất độc hại lên thửa đất của người khác hoặc thửa đất của mình gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác.

          3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp đào bới, xây tường, làm hàng rào gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác.

          4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

          Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này./.

  • Từ khóa