Trả lời bạn xem truyền hình ngày 13/09/2022

Thứ 3, 13.09.2022 | 10:16:20
1,458 lượt xem

Câu 1. Ông Lương Văn Chung, trú tại xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng tỉnh Lạng Sơn hỏi: Các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ và công cụ hỗ trợ được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Luật Quản lý sử dụng vũ khí vật liệu nổ công cụ hỗ trợ 2017 có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2018 quy định nghiêm cấm các hành vi trong hoạt động quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất nổ và công cụ hỗ trợ như sau:

- Cá nhân sở hữu công cụ hỗ trợ.

- Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt công cụ hỗ trợ;

- Mang trái phép công cụ hỗ trợ vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ.

- Lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng công cụ hỗ trợ xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

- Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng công cụ hỗ trợ được giao;

- Giao công cụ hỗ trợ cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định;

- Trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố công cụ hỗ trợ hoặc chi tiết, cụm chi tiết để lắp ráp công cụ hỗ trợ;

- Vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy công cụ hỗ trợ không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường;

- Chiếm đoạt, mua bán, trao đổi, tặng, cho, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về công cụ hỗ trợ;

- Chiếm đoạt, mua bán, trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố phế liệu, phế phẩm công cụ hỗ trợ;

- Hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện trái phép cách thức chế tạo, sản xuất, sửa chữa hoặc sử dụng công cụ hỗ trợ dưới mọi hình thức;

- Che giấu, không tố giác, giúp người khác chế tạo, sản xuất, mang, mua bán, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc hủy hoại công cụ hỗ trợ;

- Đào bới, tìm kiếm, thu gom trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; phế liệu, phế phẩm công cụ hỗ trợ;

- Cố ý cung cấp thông tin sai lệch về quản lý vũ khí; không báo cáo, báo cáo không kịp thời, che giấu hoặc làm sai lệch thông tin báo cáo về việc mất, thất thoát, tai nạn, sự cố về công cụ hỗ trợ.


Câu 2. Ông Triệu Văn Thượng, trú tại xã Trùng Quán, huyện Văn Lãng hỏi: Việc xử lý hình sự đối với tội làm nhục người khác và tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 155 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội làm nhục người khác như sau:

“1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người đang thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%...”

Theo đó, người phạm tội phải là người có hành vi (hành động) được thể hiện bằng lời nói hoặc hành động xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, như: lăng mạ, chửi rủa thậm tệ, lột quần áo giữa đám đông người, thỏa mãn thú vui xác thịt…

Để làm nhục, người phạm tội có thể có những hành vi vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực như bắt trói, tra khảo, vật lột, đấm đá… nhưng tất cả các hành vi, thủ đoạn đó chỉ nhằm mục đích là làm nhục chứ không nhằm mục đích khác.

Tuy nhiên, nếu hành vi đó cấu thành một tội riêng thì tùy từng trường hợp cụ thể, người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục và tội tương ứng với hành vi đã thực hiện. Mức độ của các hành vi làm nhục người khác trên phải là xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người khác, nghĩa là hành vi nêu trên phải gây ra những ảnh hưởng xấu ở mức độ nhất định đến nhân phẩm, danh dự của người bị hại (như lột trần truồng người bị hại ở chỗ đông người, cạo đầu bôi vôi phụ nữ…) thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này.

Điều 157 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật như sau:

“1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Đối với người đang thi hành công vụ;

d) Phạm tội 02 lần trở lên;

đ) Đối với 02 người trở lên;

e) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

g) Làm cho người bị bắt, giữ, giam hoặc gia đình họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn;

h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%...”

Theo đó, đối với tội bắt người trái pháp luật: người phạm tội (người không có thẩm quyền nhưng lại thực hiện việc bắt người khác) có hành vi khống chế người khác để tạm giữ hoặc tạm giam họ. Việc khống chế này có thể dùng vũ lực hoặc các biện pháp khác nhau như trói, còng tay… (sau đó thường là người bị hại bị dẫn về nơi nhất định để tạm giữ hoặc tạm giam);

- Đối với tội giữ (tạm giữ) người trái pháp luật: người phạm tội (người không có thẩm quyền nhưng lại thực hiện việc giữ người khác) có hành vi không cho người bị bắt đi đâu vượt ra ngoài sự kiểm soát của người phạm tội (như bắt ở trong nhà, bắt ngồi tại chỗ…) trong một thời gian ngắn (thường là dưới 24 giờ).

- Đối với tội giam (tạm giam) người trái pháp luật: người phạm tội (người không có thẩm quyền nhưng lại thực hiện việc giam người khác) có hành vi nhốt, giam người bị bắt vào một nơi trong một thời gian nhất định (như nhốt, giam ở trong buồng, trong nhà…).

Ngoài ra, nếu việc bắt, giữ, giam người trái pháp luật mà có dùng vũ lực dẫn đến gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ cho người bị hại thì người có hành vi nêu trên còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ người khác (nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm)./.

  • Từ khóa